Qua hơn 100 năm (từ
1807 đến 1919) nhà Nguyễn mở các khoa thi Hán học để kén chọn nhân tài, rất
nhiều sĩ tử Quảng Nam đỗ cử nhân, phó bảng, tiến sĩ, làm nức tiếng một vùng địa
linh nhân kiệt.
Đặc biệt, với học vị Tiến sĩ, mãi đến khoa thi Hội năm Mậu Tuất
1838, vùng đất sáu tỉnh trải dài từ Quảng Nam vào đến Ninh Thuận mới có người
đỗ: Tiến sĩ Lê Thiện Trị. Chuyên mục “ Đất và người Duy Xuyên” của Đài Truyền
thanh- Truyền hình Duy Xuyên xin mời quí vị và các bạn nghe bài nói về Tiến sĩ
Lê Thiện Trị.
Lê Thiện Trị (1769-1872) quê xã Long Phước, huyện Duy Xuyên, phủ
Điện Bàn; nay thuộc khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên.
Cha ông là cụ Lê Thiện Quang, tú tài Hán học, làm Tri huyện Hòa Vang được 11
năm, sau đó về hưu dạy học, làm nghề bốc thuốc. Thuở nhỏ ông có tên là Lê Thiện
Minh, sau đổi thành Lê Thiện Chánh, đến năm 15 tuổi cụ cố lại cho đổi thành Lê
Thiện Trị. Cha ông bảo rằng, đổi tên nhiều lần như thế là để sáng tỏ tư tưởng
dòng họ mình là “Quang Minh Chính Đại” và phải lấy đức thiện mà sống ở đời.
Với tư chất thông minh và hiếu học, thuở nhỏ ông học thân phụ, sau
mới đến học ở trường. Năm 17 tuổi, đi thi lần đầu đỗ tú tài, từ đó cứ ba năm
một lần ông đều lều chõng đi thi nhưng cũng chỉ đỗ tú tài. Với lòng kiên trì
bền bĩ, ông không nản chí, quyết tâm học tập, rèn luyện, nên sức học ngày càng
thăng tiến. Do đỗ mấy khóa tú tài, lại là con quan tri huyện nên ông được đặc
cách thu nhận vào Quốc Tử giám và cũng do chân giám sinh nên ông được thi vào
khoa thi Hội năm 1838 và đỗ tiến sĩ.
Trong thời gian gần 15 năm, bước hoạn đồ của ông tưởng chừng như
thuận buồm xuôi gió, ngờ đâu khi đương chức Tuần vũ Thuận Khánh, với bản tính
không xu nịnh, không bè cánh, thẳng thắn thương dân lành, nên ông chỉ ứng chi
sai nguyên tắc một số tiền công khố, gặp kiểm tra nên lãnh tội trở thành thứ
dân. Do bị mất chức chứ không bị tịch biên gia sản và không mất học vị, nên tên
và học vị của ông vẫn còn chép ở Khoa bảng lục và bia Tiến sĩ ở Huế. Trở thành
thứ dân, ông về quê sống cảnh điền viên, đọc sách ngâm thơ và dạy bảo con cháu.
10 năm sau, triều đình khôi phục lại chức Hàn lâm biên tu và mời ra làm quan
trở lại, nhưng ông lấy cớ bệnh tật, từ chối.
Nhằm dấy lên phong trào hiếu học, một truyền thống văn hóa, ông
đứng ra vận động xây dựng Văn Miếu huyện Duy Xuyên (Văn Thánh), trên một khuôn
viên rộng 8 sào để thờ Khổng Tử, và các bậc đại nho trong huyện(Ngày nay chỉ
còn vết tích ở Khối phố Long Xuyên I, thị trấn Nam Phước). Cứ ba năm một kỳ đại
tế vào 16 tháng 2 âm lịch, không chỉ các văn nhân khoa bảng trong huyện mà các
đương quan ở tỉnh và các phủ huyện đều về dự đông đủ. Có lẽ đương thời cả Quảng Nam,
ngoài huyện Điện Bàn có Văn Thánh kết hợp thì huyện Duy Xuyên mới có cơ ngơi
này. Từ công trình này, một số xã trong và ngoài huyện hưởng ứng làm theo, xây
dựng Văn Miếu xã (Văn Chỉ làng), lập hội tư văn, tư võ học theo nghi thức Văn
Thánh, hàng năm tế lễ long trọng. Hiện nay khu Văn Thánh huyện Duy Xuyên không
còn, chỉ còn hai trụ cổng và nền móng kiến trúc, di tích đã được UBND tỉnh
Quảng Nam công nhận di tích cấp tỉnh.
Sau khi ông mất mấy chục năm, đến mỗi kỳ tế Văn Miếu huyện, các vị
đương khoa, đương quan đều không quên người đã khai khoa học vị tiến sĩ cho sáu
tỉnh, lại là người sáng lập ra Văn Miếu. Việc làm này nói lên rất rõ chính đức
của ông, dù đã trở thành thứ dân vẫn được mọi người tôn sùng, kính nể. Ông là
một nhà nho mẫu mực, lúc còn trẻ ra sức rèn luyện học tập, không nản chí, khi
đỗ tiến sĩ ra làm quan thì đem hết tâm huyết, năng lực và đạo đức của một nhà
nho yêu nước, thương dân để thi hành nhiệm vụ, gần 15 năm hoạn lộ, trải qua 13
chức vụ. Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt chức trách, thể hiện tài
năng đức độ của một vị quan liêm minh, do vậy mà ông được thăng tiến liên tục
từ hàm chánh thất phẩm lên đến tòng nhị phẩm.
Mười hai năm sau khi ông mất, phong trào Nghĩa hội Quảng Nam phát
triển rầm rộ, con cháu cụ nhiều người tham gia, riêng người con thứ ba lập
nhiều công trạng, được vua Hàm Nghi châu phê “Phụ từ tử hiếu” cho khai phục
truy phong chức Chủ sự (hàm lục phẩm). Theo gia phả của Lê Thiện tộc thì ông
sáng tác khá nhiều thơ văn, song đến nay đã bị thất lạc. Về liễn đối, ngoài
công trình Văn Miếu của huyện thờ Khổng Tử , đến nay chỉ còn một số câu đối của
ông được làm liễn ở chùa Long Phước. Câu đối ở cổng chùa:
Long can nhật ấm bồ đề thọ
Phước lý xuân nồng bát nhã hoa
Tạm dịch:
Gò rồng ngày tỏa bóng bồ đề
Đất phước xuân nồng hoa bát nhã
Câu đối trong cột chùa:
Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách
Kinh khanh kệ hướng hoán hồi khổ hải mộng mê nhân
Tạm dịch:
Chuông sớm trống chiều cảnh tỉnh đắm say phường danh lợi
Lời kinh tiếng kệ đổi thay phiền não kẻ mộng mê
Những hiểu biết về Tiến sĩ Lê Thiện Trị trên đây
còn ít, nhưng cũng đủ phác họa ít nhiều một tinh thần hiếu học, một cuộc đời vì
nước, vì dân. Năm 2013 cũng là năm kỷ niệm 141 năm ngày giỗ của vị Khai khoa
tiến sĩ lục tỉnh ngày nào, bài viết này như một nén tâm hương kính cẩn tưởng
nhớ công đức người xưa.
Hoàng Thơ sưu tầm