A+ A A-

Truyền thuyết Bà Chiêm Sơn

altVào ngày 11,12 tháng giêng hàng năm, bà con làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh  tổ chức lễ hội Bà Chiêm Sơn. Làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên là một trong những làng xã hình thành từ rất sớm vào thế kỷ XV ở Quảng Nam khi những cư dân Thanh- Nghệ di dân vào khai phá mở mang bờ cõi.
 
Vào thời kỳ đầu các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII), làng Chiêm Sơn là nơi trù phú, nổi tiếng về nông nghiệp, trồng dâu,nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Đến những năm cuối thế kỷ XIX, Chiêm Sơn, làng quê nông nghiệp phồn thịnh điển hình nhất của Phủ Duy Xuyên với “số ruộng đất của làng đã lên đến 800 mẫu kể cả công tư điền thổ, hơn 1500 người; thổ sản của làng là lúa, khoai, đậu phụng; nhiều nhất là sắn, mỗi năm tiêu thụ không hết phải bán ra ngoài.

Duy Xuyên là mảnh đất một thời phồn thịnh của vương quốc Chăm, từ thuở đầu tiên, khi người dân Việt lưu xứ đến khai canh định cư vùng đất này, với tâm thức của cư dân nông nghiệp,họ đã gửi gắm niềm tin vào tín ngưỡng dân gian, mong trời đất thần linh phù trợ được mùa, no ấm. Vì vậy, ngay từ buổi đầu lập làng người dân dựng dinh thờ vị nữ thần ở Chiêm Sơn, tổng Mậu Hoà với nhiều huyền thoại.

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, giữa cồn cát làng An Tây xuất hiện một tảng đá giống người đàn bà, gọi là Bà Đá. Người dân trong các làng lân cận cảm nhận sự linh thiêng của tảng đá nên dự định đến chuyển về để thờ cúng nhưng không thực hiện được. Nghe truyền về câu chuyện kỳ bí này, vào một đêm trăng sáng, tám người chăn trâu ở làng Chiêm Sơn có ý định thử vận may mang Bà Đá về làng mình. Họ đã làm được và chuyển về làng định đem thờ trong ngôi chùa. Nhưng vừa đi được nửa đường qua ngọn đồi Chiêm Sơn bỗng nhiên dây khiêng bị đứt và Bà Đá rơi xuống bám chặt vào đất, người dân dùng mọi cách cũng không thể nâng lên được. Người dân cho rằng Bà đã quyết định ở ngay đó. Để thỏa nguyện ý Bà, tám người chăn trâu làm một ngôi miếu nhỏ lợp tranh tre để thờ, mặt ngôi miếu nhìn ra nơi tìm thấy tảng đá.

          Cộng đồng dân làng Chiêm Sơn có đức tin Bà Đá là vị phúc thần phù trợ và tạo phúc cho làng, từ xưa đến nay đã nhiều lần làng Chiêm Sơn bị hạn hán nặng nề, sâu bọ phá hoại mùa màng, người dân đến cầu khấn tại Dinh Bà thì khỏi. Có lần cả tỉnh Quảng Nam bị hạn hán khủng khiếp, dân làng Chiêm Sơn đến khấn cầu Bà thì tức khắc mưa rơi xuống ngay giữa buổi đang làm lễ tế, lúc hương đèn còn đang cháy.Sự linh nghiệm của Bà Chiêm Sơn còn được tô thêm màu huyền thoại và lưu truyền trong dân gian là khi vua Minh Mệnh đi kinh lý Quảng Nam, có đến viếng lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và Hiếu Văn Hoàng Hậu, đoàn xa giá phải đi theo con đường lộ trước dinh, thật bất ngờ khi đi ngang qua, ngựa nhà vua đang cưỡi bỗng lồng lên rồi vùng chạy, may có quan quân hộ giá nên nhà vua không bị ngã. Vua lệnh cho dân làng phải quay hướng Dinh Bà ra phía sau để tránh con đường, kể từ đó ngôi miếu được xây dựng lại và quay hướng ra cánh đồng, nhìn về phía núi cho đến ngày nay.

Hiện nay, tại Dinh Bà có một pho tượng cao khoảng 1 mét, tư thế ngồi tự nhiên làm bằng đá sa thạch, tai dài, đầu đội mũ, chân xếp bằng, mặc áo choàng vai, chung quanh vương miện có 7 đầu rắn thần. Tượng được tạc vào khoảng thế kỷ XVIII. Năm thứ 5 niên hiệu Duy Tân, Bà được sắc phong là Thái Dương Phu nhân, đến năm Khải Định thứ 9, một lần nữa Bà được tôn vinh với danh hiệu “Trung Đẳng Thần”

Vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, dân làng Chiêm Sơn và vùng lân cận tổ chức Lễ hội Bà Chiêm Sơn mà người dân địa phương thường gọi tên dân gian là Lễ Bà. Lễ vật cúng tế do dân làng sắm sửa gồm cơm, thịt heo và trái cây, ngoài các lễ vật ấy bắt buộc phải có một con cua đồng, một nhánh tỏi, một cây cải và một con chồn, người dân nào có lòng thành thì dâng cúng một đĩa xôi và một con gà luộc.

Sau lễ toàn bộ vật cúng tế đều chia cho dân trong làng và bắt buộc phải sử dụng hết trong ngày. Những người dâng lễ là các hương lão làng Chiêm Sơn, từ 20 đến 30 người, được chọn từ các vị cao niên và có uy tín trong làng, vị chủ bái đội khăn đen, áo dài thụng tay rộng màu thiên thanh, quần dài lụa trắng và đi chân trần. Ba ngày trước khi tế lễ Bà, vị chánh bái phải kiêng cử và chay tịnh như người tu hành, trước khi tế vị chánh bái dùng một loại nước được nấu từ lá cây và hoa thơm để tắm rửa pho tượng gọi là lễ Mộc dục. Khi mặt trời đã tắt, vào tối ngày 11, dân làng Chiêm Sơn làm lễ cúng tiên thường gọi là lễ Túc yết ( hay còn gọi là lễ ra mắt)để hương chức trong làng dâng lễ vật ra mắt các vị thần, mời Bà về dự. Lễ vật cúng lễ Túc yết gồm một mâm cơm, hoa quả và bánh tráng là vật cúng không thể thiếu trong các lễ cúng của người Quảng. Trong lễ Túc yết chỉ đọc chúc cáo mà không đọc chúc văn với nghi thức 4 lạy nguyên, 4 lạy tạ và 2 lạy chúc cáo. Lễ Đại tế được tiến hành vào lúc nửa đêm, lúc 0 giờ - thời điểm chuyển giao giữa ngày 11 sang ngày 12 lúc giờ thiêng của thần. Sáng ngày 12 là lễ Rước sắc từ Bến Giá bên bờ sông Thu Bồn về Dinh Bà Chiêm Sơn. Đi đầu đám rước là đội múa lân sư, đến đội chiêng, trống cái, theo sau là bát âm, kiệu nông sản và kiệu sắc do 16 trai tráng trong làng khiêng, rồi đến đoàn lính phù giá và toàn thể nhân dân trong làng cùng khách thập phương. Về đến Dinh Bà,đoàn rước dừng lại, kiệu sắc tiến vào dinh. Theo lệ cũ, sau khi rước sắc, dân làng làm lễ tuyên sắc để tưởng nhớ công đức của Bà trước khi tế thần. Đây là nghi thức Đại tế cổ truyền ở làng Chiêm Sơn, diễn ra với 20 lần xướng cùng với tiếng chiêng trống hòa với nhạc lễ trang nghiêm. Ngày xưa, lúc Đại tế, những người không tinh khiết, người say rượu, bị bệnh “nghễnh ngãng” không được vào dinh thờ; còn thường ngày, ai đi ngang qua dinh thờ phải xuống xe, xuống ngựa,ngã nón và nhất là không được nhìn thẳng vào chánh điện, nếu phạm thì lệ làng phạt một mâm trầu cau, rượu, vật tam sinh là trâu, bò, heo. Xưa kia tại Dinh Bà có lệ hát 3 năm 1 lần, nhưng những năm gần đây, vào ngày Lễ Bà đã thu hút rất đông khách thập phương, nên có thêm những hoạt động văn hóa dân gian của cộng đồng với Lễ xuống đồng, Lễ mục đồng và phần hội hè phong phú như chợ quê với các món ăn dân dã, đá gà, võ thuật, cờ tướng, múa lân sư, hô hát bài chòi, thi nghé khỏe đẹp… vào ngày 11 tháng Giêng.

          Năm2007, lễ hội Bà Chiêm Sơn được công nhận Di tích văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.Từ đó đến nay, người dân làn Chiêm Sơn cùng với chính quyền địa phương xã Duy Trinh và huyện Duy Xuyên đã vận động ngoại lực và nội lực, thường xuyên trùng tu bảo tồn di tích với việc xây dựng dinh Bà Chiêm Sơn từ cổng tam quan đến các công trình tường rào, sân đình. Trong năm 2012, được sự đồng thuận của bà xa quê và chính quyền cùng toàn thể nhân dân trong làng đã góp tiền xây dựng lại Dinh Bà đồ sộ khang trang hơn để con cháu, khách thập phương về dừng chân viếng hương Bà, với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng, kịp khánh thành vào dịp lễ hội Bà 12 tháng giêng năm Quý Tỵ- 2013.

Lễ hội Bà Chiêm Sơn không chỉ có phần tế lễ trang trọng và linh thiêng mà ở cả phần hội cũng được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, là một loại hình văn hoá tâm linh của cộng đồng làng xã ở xứ Quảng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hoá hằn sâu trong tâm thức, trong nếp nghĩ và ước vọng sống của người dân. Thông qua lễ hội này, sự đoàn kết gắn bó của người dân cộng đồng làng xã thêm thắm thiết hơn.

                                                                                                                                                  Tuyết Mai- Phi Thành

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797438
Hôm nay
Hôm qua
1559
10160