Cuộc đời của cô gái trồng dâu nuôi tằm dệt lụa ở làng Chiêm Sơn,
huyện Diên Phước thuộc dinh Quảng Nam bên bờ sông Thu Bồn có một giai thoại đẹp
đẽ đi vào sử sách và truyền thuyết dân gian địa phương.
“Đại Nam Liệt Truyện
Tiền Biên” đã viết rằng: “Năm
mười lăm tuổi Bà hái dâu bên bãi trông trăng mà hát. Bấy giờ Hy Tông Hoàng Đế
ta (tức Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông Hoàng Đế ta
(tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) theo đi hộ giá. Đêm đáp thuyền trăng đi chơi.
Đỗ thuyền ở Điện Châu (bây giờ là An Phú Tây) câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ,
sai người đến hỏi biết là con gái họ Đoàn, cho tiến vào hầu Chúa ở tiềm để,
được yêu chiều lắm”.
Theo truyền thuyết dân gian, vào một đêm trăng
đẹp, Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên lúc đó đang trấn giữ Quảng Nam dinh và
con trai là Công Tử Nguyễn Phúc Lan dạo thuyền trên sông Thu Bồn. Khi thuyền
rồng ngược dòng sông từ Thanh Chiêm đến địa phận làng Chiêm Sơn, thuộc huyện
Diên Phước, nổi tiếng trồng dâu nuôi tằm dệt lụa thì một giọng hát trong ngần
và quyến rũ của một thôn nữ từ một nương dâu bên bờ sông vọng tới theo làn gió
mát. Cô gái hát rằng: Thiếp nghe chúa ngự thuyền rồngThiếp
thương phận thiếp má hồng nắng mưa... Một lát sau cũng giọng hát
đó lại cất lên uyển chuyển, mượt mà nghe da diết làm sao:
Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu.Thiếp thương phận thiếp hái dâu một
mình...!
Giọng hát và lời ca của cô thôn nữ trong đêm
trăng thanh vắng đã làm rung động tâm hồn và xao xuyến trái tim của chàng công
tử đa cảm Nguyễn Phúc Lan. Được phép thân phụ, công tử cho thuyền rồng men theo
triền sông đi tìm tiếng hát. Khi lên bờ, bên bóng dâu xanh thắm nhuộm ánh trăng
vàng, chàng trai vương bá đem lòng say mê vẻ đẹp yêu kiều của một thục nữ vừa
độ trăng tròn rất mực đôn hậu là Đoàn Thị Ngọc Phi, con gái út của một hào
trưởng nổi tiếng, chuyên làm nghề tầm tang, quê ở làng Chiêm Sơn, huyện Diên
Phước là Đoàn Công Nhạn. Hình như cuộc kỳ ngộ này đã được sắp xếp từ trước bởi
bàn tay của Ông Tơ Bà Nguyệt se duyên.
"Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên" đã
viết về người thục nữ đó rằng “Bà là con gái thứ ba của Thạch Quận Công
Đoàn Nhạn. Mẹ là phu nhân Võ Thị. Bà là người minh mẫn thông sáng… sáng thơm,
tý mỵ, phép tốt trinh thuần”.
Công Tử Nguyễn Phúc Lan và cô thôn nữ Đoàn Thị
Ngọc Phi đã bén duyên vào tuổi mười lăm và sau đó hai năm, họ cùng nhau kết
duyên trăm năm vào tuổi mười bảy và đã sống với nhau ở dinh trấn Thanh Chiêm
cùng với thân phụ là Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên và thân mẫu là phu nhân
Nguyễn Thị Giai (tức là Mạc Thị Giai được mang họ Chúa Nguyễn).
Sau khi Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan trở thành
Quận Công trấn giữ Quảng Nam Dinh, Bà Đoàn Thị Ngọc Phi đã hết lòng ủng hộ,
khuyến khích nhân dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa phát triển nghề trồng dâu,
nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, nhờ vậy mà nghề tầm tang ở Đàng Trong được mở mang,
đã mở mang vào thời kỳ đó và đã sản xuất được nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng
như đoạn, lãnh, gấm, vóc, trườu, sa để bán trong nội địa và xuất khẩu ra nước
ngoài qua thương cảng Hội An. Bởi vậy, Lê Quý Đôn đã viết trong "Phủ Biên
Tạp Lục" rằng “Người Phủ Thăng, Phủ Điện dệt được các loại the,
đoạn, lụa, là hoa hòe chẳng kém gì Quảng Đông”.
Cũng từ đó, cảng thị Hội An dưới thời Chúa
Nguyễn đã trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế
xuyên đại dương trong thế kỷ XVI - XVII nối liền Tây Âu và Viễn Đông. Và Bà
Đoàn Thị Ngọc Phi trở thành "Bà Chúa Tầm Tang" ở Đàng Trong. Các cô
gái trồng dâu nuôi tằm dệt lụa ở quê hương Bà đã từng hát:
Chiêm Sơn là, lụa mỹ miều. Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng... và Nương
dâu xanh thắm quê mình.Nắng lên Gò Nổi đượm tình thiết thaCon
tằm kéo kén cho taTháng ngày cần mẫn làm ra lụa đời...
Đến năm 1635, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên qua
đời, Nhân Lộc Hầu Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng và sống ở Thuận Hóa.
Chúa thượng đã dời Phủ Chúa từ làng Phước Yên ở huyện Quảng Điền về làng Kim
Long thuộc Phú Xuân. Bà Đoàn Thị Ngọc Phi được Chúa Thượng phong tước là Đoàn
Quý Phi và thân phụ Đoàn Công Nhạn của bà được phong tước là Thạch Quận Công.
Đoàn Quý Phi trong thời kỳ này cũng khuyến khích nghề tầm tang ở Phú Xuân phát
triển.
Đoàn Quý Phi sinh hạ được ba hoàng tử, trong đó
các hoàng tử Nguyễn Phúc Võ và Nguyễn Phúc Quỳnh đều mất sớm, hoàng tử Nguyễn
Phúc Tần là con trai thứ hai, trở thành thế tử. Công chúa út là Nguyễn Phúc
Ngọc Dung.
Thế tử Nguyễn Phúc Tần ngay thời còn là Lễ Dũng
Hầu, quan quản lảnh Quảng Nam dinh, đã tỏ ra là một con người am hiểu binh
pháp, vũ dũng và giỏi chiến trận, đã có công lớn trong việc đánh tan hạm đội Hà
Lan dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Peter Back âm mưu đánh phá cảng thị Hội
An vào năm 1644. Về sau Thế Tử Nguyễn Phúc Tần trở thành Chúa Hiền năm...
Đoàn Quý Phi mất ngày 17 tháng 5 năm Tân Sửu,
tức ngày 12 tháng 7 năm 1661, hưởng thọ 60 tuổi. Sau khi Bà qua đời, Chúa Hiền
đã đưa mẫu hậu về an táng tại quê hương Bà. Lăng mộ của Bà đặt bên cạnh lăng mộ
của nhạc mẫu là Hoàng hậu Nguyễn Thị Giai.
Theo "Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên"
Đoàn Quý Phi mất năm Tân Sửu (1661 Lê Vĩnh Thọ thứ tư) mùa hạ tháng 5, táng
Vĩnh Diện (ở Thượng Cốc, Hùng Cương thuộc xã Chiêm Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Trong "Đại Nam Nhất Thống Chí" quyển 5
viết về Quảng Nam, đã ghi lại vị trí tọa lạc của các Lăng mộ của hai Hoàng Hậu
Nguyễn Thị Giai và Đoàn Thị Ngọc Phi như sau: “Lăng Vĩnh Diễn phía Nam
núi Hàm Long, xã Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên. Đây là Lăng của Hiếu Văn Hoàng Hậu
Nguyễn Thị. Lăng Vĩnh Diện ở phía Tây Gò Hùng, thôn Thượng Cốc, xã Chiêm Sơn.
Đây là Lăng của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc Phi”.
Ngược dòng lịch sử, chúng tôi đi tìm dấu tích cổ
xưa của nơi an nghỉ cuối cùng của hai Hoàng Hậu đó. Đến nay, tại làng Chiêm Sơn
thuộc xã Duy Trinh vẫn còn di tích của hai lăng mộ đó với mức độ hư hại khác
nhau.
Lăng Vĩnh Diện, mộ phần của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu
Đoàn Thị Ngọc Phi (1601-1661) mà nhân dân địa phương quen gọi là Lăng Trên, tọa
lạc trên một khu đất cao, gọi là Gò Hùng thuộc làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh,
tỉnh Quảng Nam ngày nay. Lăng được xây dựng vào năm 1661 và toàn bộ khu vực
Lăng rộng 4 sào 2 thước 7 tấc, ứng với lô đất số hiệu 2583 theo địa bộ xã Duy
Trinh. Lăng này được đặt tên là Vĩnh Diện vào năm Gia Long thứ 5 năm 1806 và
được tu bổ vào năm Gia Long thứ 13 năm 1814.
Trong địa phận Lăng Trên còn có mộ của công chúa
út của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu. Theo hồi cố của bà con tộc Đoàn xã Duy Trinh, công
chúa này có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thường được gọi là công chúa Nguyễn
Phúc Ngọc Dung, có dị tật bẩm sinh. Lúc sinh thời, công chúa đã hạ giá với
Chưởng Cơ của triều đình tên là Minh và đã mất sớm.
Phần mộ của công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dung
không rộng lắm và ứng với lô đất số hiệu 698 của địa bộ xã Duy Trinh.
Lăng Vịnh Diện được bao bọc bởi hai lớp thành bảo vệ cao khoảng 1 mét, dày
khoảng 0,8 mét: bên ngoài là bảo thành ngoại và bên trong là bảo hành nội, phía
sau ở chính giữa các thành này đều có bia tẩm. Trên các bia tẩm này không thấy
ghi một chữ Hán nào mà chỉ có phù điêu hình mây cuộn, kỳ lân trông rất ngoạn
mục. Các thành bảo vệ đều bị hư hại nặng, chỉ còn vài đoạn ngắn nhưng cái bia
tẩm vẫn còn. Ở giữa Lăng là mộ chí của Hiếu Chiêu Hoàng Hậu mà đến nay vẫn còn
nguyên vẹn theo kiểu kiến trúc cổ xưa.
Còn Lăng VĩnhDiễn là mộ phần của Hiếu Văn Hoàng Hậu Nguyễn
Thị Giai (1578-1630) được nhân dân địa phương gọi là Lăng Dưới, cũng tọa lạc
trên một khu đất cao gọi là Gò Hàm Rồng cũng thuộc làng Chiêm Sơn, xã Duy
Trinh, cách Lăng Vĩnh Diện, Lăng Trên hơn nửa cây số. Khu vực Lăng này, ngày
xưa rộng gấp đôi Lăng Trên, có diện tích 8 mẫu 4 sào 5 tấc, ứng với lô đất số
hiệu 1220 theo địa bộ xã Duy Trinh. Niên đại xây dựng Lăng này có lẽ vào cuối
năm 1630, vì Hoàng Hậu mất vào ngày mồng 9 tháng 11 năm Canh Ngọ, tức ngày
12-12-1630 tại dinh trấn Thanh Chiêm.
Theo "Đại Nam Nhất Thống Chí" thì Lăng
Vĩnh Diễn cũng được đặt tên vào năm 1806 và tu bổ vào năm 1814 cùng một lúc với
Lăng Vinh Diện.
Trước đây, bên ngoài khu vực của hai Lăng, Chúa
Nguyễn còn xây dựng một công trình kiến trúc gọi là Chùa Vua là nơi thờ phụng
hai Hoàng Hậu nói trên có vườn cây bao quanh gọi là Vườn Chùa mà nay không còn
nữa. Ở đây, trước kia luôn luôn có Đội Cận Vệ
Hoàng Gia, gồm khoảng hai mươi người, thường là
con cháu họ Đoàn, có nhiệm vụ bảo vệ các khu Lăng và lo việc thờ cúng.
Diện tích Vườn Chùa khá rộng, đất bên trong
thành bao bọc chùa rộng 3 sào 0 thước 9 tấc, đất bên ngoài thành là vườn trồng
hoa cảnh, cây ăn trái rộng 5 sào 4 thước 4 tấc ứng với lô đất số hiệu 2281 theo
địa bộ xã Duy Trinh.
Ngoài ra, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Chúa
Thượng Nguyễn Phúc Lan còn cấp thêm tư điền làm hương hỏa cho hai Hoàng Hậu họ
Mạc và họ Đoàn ở địa phương để con cháu chăm lo hương khói cho hai bà Tư Điền
mà Chúa Nguyễn đã cấp trước đây cho Hoàng Hậu Nguyễn Thị Giai là 4 mẫu 8 sào 12
thước thuộc làng Kiệu Đông và làng Kiệu Tây, huyện Duy Xuyên và 2 mẫu thuộc
làng Hương Quế huyện Quế Sơn. Tư Điền mà Chúa Nguyễn đã cấp trước đây cho Hoàng
Hậu Đoàn Thị Ngọc Phi là 4 mẫu 3 sào 12 thước thuộc làng Phú Trang, huyện Quế
Sơn.
Theo “Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên", đến
năm 1744, Thế Tôn Hiên Võ Hoàng Đế, tức Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã truy dâng
Bà Đoàn Quý Phi là Trinh Thục Từ Tỉnh Huệ Phi và sau đó thêm hai chữ Mẫu Duệ.
Vua Gia Long, sau khi thống nhất đất nước và lên ngôi, năm 1806 lại truy tôn Bà
Là Trinh Thục Từ Tỉnh Mẫu Duệ Kính Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và khắc tên lên Kim
Sách của Hoàng Tộc và tôn hiệu này được thờ chung với Hiếu Chiêu Hoàng Đế (tức
Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) vào gian thứ nhất bên phải của Thái Miếu ở Huế.
Để tỏ lòng tường niệm công đức của bà Chúa Tầm
Tang, vua Thành Thái (1888-1907) năm thứ 18 (1905) đã ban cho tộc Đoàn 1.000
lạng bạc để dựng Nhà Thờ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu tại thôn Đông Khuông, xã Điện
Châu, tức Đông Yên Châu, huyện Điện Bàn. Về sau, sông Thu Bồn chuyển di cắt
Đông Yến Châu làm đôi thành Đông Yên Đông thuộc huyện Điện Bàn và Đông Yên Tây
thuộc huyện Duy Xuyên.
Hiện nay, nhà thờ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu nằm trên
đất Đông Yên Đông, nay là xã Điện Phương, cách Cầu Mống về phía Bắc bên phải
chừng 100 mét. Hàng năm vào ngày 17-5 Âm lịch tộc Đoàn kết hợp với tộc Nguyễn
Phước tổ chức kỵ giỗ bà tại đây và tại nhà thờ xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên.
Sau tháng 8, 1945, các khu Lăng Mộ Vĩnh Diện và
Vinh Diễn vẫn còn nguyên vẹn, nhưng không còn được bảo vệ như trước nữa và bị
lãng quên. Trải qua ba mươi năm chiến tranh, nhân dân đã đào mộ tìm vàng, phá
thành lăng để lấy gạch đá làm vật liệu xây dựng, biến khu Lăng thành nơi trồng
cây lấy gỗ... làm biến dạng môi trường ở đây.
Vào tháng 2-3 năm 1992, bà con tộc Đoàn xã Duy
Trinh đã kết hợp với bà con Nguyễn Phước tộc Quảng Nam - Đà Nẵng đốn hạ cây cối
trồng bừa bãi, thu dọn vệ sinh khu Lăng Vĩnh Diện và Lăng Vĩnh Diện, đồng thời
bỏ ra kinh phí trùng tu lại mộ chí của Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc Phi, nhưng do
thiếu tài chính, các thành bảo vệ xung quanh cũng chưa phục chế lại được như
cũ.
Có lẽ công đức đối với nghề trồng dâu dệt lụa
trên quê hương cũng như thiên diễm tình một thời vang dội của Bà Chúa Tầm Tang
còn lưu lại cho mãi đến tận nay mà các cô gái trên quê hương bà vẫn hát:
Thuyền rồng mái đẩy đi đâuĐể cho em đứng hái dâu một mình...!