A+ A A-

Nhà thờ ngũ xã Trà Kiệu

 alt
Theo tư liệu Hán Nôm và lời kể của các chư tộc họ, thì tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu đã đến ngụ cư tại vùng đất này vào những năm 70 của thế kỷ XV. Họ là những chiến binh theo vua Lê Thánh Tông dẹp giặc ở phương Nam; một số ít đi tìm vùng đất mới theo chính sách di dân lúc bấy giờ.

Trà Kiệu thời sơ khai là một vùng đất hoang vu, rừng đồi hiểm trở, những tộc họ đến đây đã bỏ công sức để biến thành ruộng vườn màu mỡ. Văn tế tiền hiền còn nhắc điều này: “Len lỏi chốn rừng sâu nước độc, đem mồ hôi mà xây dựng non vàng/ Xông pha nơi nắng lửa mưa dầm, lấy nước mắt mà gầy nên bể bạc”.
         Thời gian dần trôi, hơn 400 mẫu đất được khai hoang, làng mạc được hình thành xã Trà Kiệu ra đời, lúc này thuộc huyện Hy Giang, phủ Thăng Hoa. Kinh tế phát triển, cư dân khắp nơi quy tụ về đây. Tính đến năm 1661 (triều vua Lê Huyền Tông), đã có 63 tộc phái được khắc tên trong Kim bảng - bài vị thờ tại tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu. Ruộng đất (công điền, công thổ, tư điền, tư thổ) khoảng trên 1.325 mẫu, được ghi đầy đủ vào sổ bộ lập từ thời Gia Long, dày đến 840 trang. Vì thế, Trà Kiệu là xã lớn ở tỉnh Quảng Nam (nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng). Đến năm Thành Thái thứ mười tám (1906), để dễ bề kiểm soát, chính quyền phong kiến chia Trà Kiệu ra thành 5 xã nhỏ: Trà Kiệu Trung, Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Nam và Trà Kiệu Thượng. Tuy nhiên, các lễ cúng tế tổ tiên vẫn giữ nguyên như lúc chưa chia cắt nên danh xưng Ngũ xã Trà Kiệu ra đời từ đó. Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu được xây dựng vào thời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680), được xây mới lại vào năm 1955, sau khi bị chiến tranh tàn phá. Nhà thờ hiện ở trên vùng đất thuộc hai xã Duy Sơn và Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; cách tỉnh lộ 610 khoảng 200 mét về hướng Tây Nam. Đây là nơi thờ 13 vị thủy tổ của 13 dòng tộc từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình cùng vào khai khẩn vùng đất này và lập nên Trà Kiệu xã, được triều đình xưa ban sắc phong “Trà Kiệu tiền hiền khai cơ”. Nhà thờ tọa lạc trên một mảnh đất rộng lớn, mặt xây về hướng đông bắc, chung quanh có tường rào bao bọc. Lối vào là một cổng chính, hai cánh cửa gắn vào hai trụ đá, được trát bằng vôi, xây theo kiểu cuốn thư, có hai câu liễn bằng chữ Hán: “Trà địa phong quang, nhiễu hậu tào sơn chung tụ khí/ Kiệu phong cảnh sắc, chiêm tiền sài thủy dẫn văn lang”. Nối liền hai trụ cổng có một tấm biển làm bằng chất liệu vôi khắc 3 chữ “Triệu tổ tự”, chung quanh có chạm khắc công phu. Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu xây theo kiểu ba gian, hai chái theo hình chữ nhất (
), dài 10,15m, rộng 11m, với 20 cây cột được liên kết bằng những vì kèo với các đầu kèo được chạm trổ khá công phu theo dáng đầu rồng. Tất cả các cấu kiện của nhà thờ đều làm bằng gỗ. Tường xây bằng gạch, trát vôi; mái lợp ngói âm dương và trên nóc được trang trí long lân quy phụng. Bên trong nhà thờ có 5 bệ thờ. Chính giữa là bàn thờ Hội đồng; tả hữu liền kề thờ liệt tổ; tiếp hai bên liền kề thờ các vị tiền bối và hiền triết trong chư tộc họ. Vào trong nữa, qua một vòm cửa uốn cong, trên một phiến đá, là bàn thờ chính điện thờ 13 vị khai canh khai cơ, 1 vị khai quốc công thần là thủy tổ tộc Nguyễn Trường, 4 vị thứ thế tiền hiền. Bên tả chính điện thờ 13 vị hậu hiền, bên hữu thờ 7 vị hậu hiền của làng Trà Kiệu Thượng. Tất cả những bệ thờ này đều xây bằng gạch trát xi-măng, quét vôi và trang trí các hoa văn họa tiết rất trang trọng và thẩm mỹ. Bên cạnh nhà thờ còn có một ngôi chùa thờ Phật (nay không còn) và một ngôi đình nhỏ để thờ các văn thần võ chức, các vị thần linh khác. Theo lệ thường, hằng năm các tộc họ tổ chức lễ tế hạ (vào tiết hạ chí), tế đông (vào tiết đông chí) và tế xuân (vào dịp Tết Nguyên đán). Để có tài chính phục vụ cho những lễ này, các chư tộc họ trích một phần ruộng đất để canh tác thu hoa lợi.

alt
 
Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu là một trong những di tích lịch sử cần được bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa làng xã. Dẫu chiến tranh, thời gian và các lần trùng tu, tôn tạo đã ít nhiều làm thay đổi diện mạo của ngôi nhà; nhưng những nét chạm trổ, kiến trúc và những cấu trúc ban đầu vẫn còn giữ được nguyên gốc. Đây chính là dấu tích lịch sử chứng minh cho sự ra đời của sự cộng cư làng xã đa tộc họ đã hình thành từ xa xưa còn lưu lại trên đất Quảng Nam. Ngày 16-11-2005, Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.
alt
 
Lễ hội cúng tế, dâng hương và tưởng niệm công đức tổ tiên hằng năm (10-3 âm lịch) như một cuộc hành hương về nguồn đầy ý nghĩa, tiếp thêm lửa nguồn sống cho truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết trong các chư tộc, cộng đồng dân cư đã được tăng cường, từ gia đình, đến xóm thôn, tộc họ; đồng lòng giữa bà con lương, giáo. Từ đây, đã phát đi ánh sáng đại đoàn kết dân tộc, hướng sự thiên lương chứa đựng trong mỗi con người gặp gỡ với vẻ đẹp của trần thế của toàn dân Ngũ xã.
                                                                                                                                                                                        Hoàng Thơ 

                                                  

 

 

 


DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19263895
Hôm nay
Hôm qua
91
2674