Ở
thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa có một ngôi chợ có danh xưng khá đặc biệt. Đó là chợ
Nồi Rang.
Về
nguyên nhân xuất hiện danh xưng chợ Nồi Rang, có sự tích khá lý thú rằng thời
xa xưa, Hội Sơn còn là nơi hoang vu, đầm lầy, nước đọng. Thế rồi, người Việt từ
phía Bắc, trên đường Nam tiến đã chọn mảnh đất này lập nghiệp, ổn định cuộc
sống lâu dài. Càng về sau, người càng đông, chợ lại xa, nhu cầu có chợ để dân
làng trao đổi, mua bán là nhu cầu cấp thiết. Trước tình hình ấy, làng mới quyết
định lập chợ. “Là chợ mới lập, trong buổi ban đầu, tất nhiên người mua kẻ
bán cũng ít. Và, để khuyến khích bà con đến buôn bán ở chợ mới này, làng mới
quyết định hễ ai đến buôn bán đầu tiên, làng sẽ dựa vào đó mà đặt tên. Y như
rằng, khi chợ vừa lập, không biết trời xui đất khiến thế nào có một ông buôn
nồi đất gánh nồi đất đến bán đầu tiên. Không còn cách nào khác, làng mới lấy
tên Nồi Rang đặt tên cho chợ là chợ Nồi Rang. Danh xưng chợ Nồi Rang tồn tại
mãi đến nay”.
Theo
ước đoán, chợ Nồi Rang ra đời muộn nhất cũng vào nửa sau thế kỷ XIX, cách nay
đã gần hai trăm năm trong lịch sử. Cũng như nhiều chợ Quảng Nam thời trước, chợ
Nồi Rang tọa lạc sát bờ sông, một vị trí rất thuận tiện việc giao lưu, trao đổi
hàng hoá giữa vùng này với vùng khác, nhất là trong điều kiện giao thông chưa
phát triển, việc chuyên chở hàng hoá, sản phẩm chủ yếu bằng ghe, thuyền trên
những tuyến đường thuỷ. Bến sông ấy được gọi là bến sông chợ Nồi Rang. Bấy giờ,
bến sông nước rất sâu, ghe, thuyền neo đậu dễ dàng. Còn ở trên chợ có cây bàng
rất to, cành lá sum suê, che phủ cả khu chợ. Cho nên, chợ mát, ngay cả trong
mùa hè nóng bức. Có thể nói, chợ Nồi Rang là chợ khá lớn, thu hút nhiều bà con
ở những khu vực, làng xã lân cận đến kinh doanh, buôn bán. Không những vậy, chợ
cũng xuất hiện có mấy người Tàu chủ yếu bán thuốc Bắc, rồi các mặt hàng tạp
hoá, mắm muối, rượu SICA, tức thứ rượu trắng của Pháp… đủ biết sức hút của chợ Nồi
Rang không phải nhỏ.
Kinh
doanh, buôn bán đông nhất ở chợ Nồi Rang, dĩ nhiên, vẫn là người Việt. Trong
đó, mạnh nhất là vợ chồng ông A. Cả hai vợ chồng ông đều kinh doanh. Vợ ông
chuyên bán hàng tạp hoá ở chợ. Còn ông mở quán hớt tóc. Nhưng ông không hớt,
chỉ thu tiền khách. Trực tiếp hớt là thợ làm công cho ông. Hàng tạp hoá, ngoài
vợ ông A, còn một số có bà như bà Chín Heo, bà Chín Mậu… Kế đến là hàng thịt
cá, hàng rau. Đặc biệt, giống nhiều khu chợ khác, chợ Nồi Rang có hàng quán bán
mì Quảng. Ngon nhất là quán mì bà Nguyễn Thị Luỹ và bà Dương Thị Ca. Do nhà ở
ngay chợ nên họ bán ngay trong nhà. Còn bán mì cân ký có bà Nguyễn Thị Nho, bà
Lê Thị Thi. Trong chợ Nồi Rang cũng có nhiều người đổi nước, tức bán nước chè
xanh. Họ nấu nước, vừa bán tại chỗ, vừa đem rảo quanh chợ, ai mua thì bán. Có
thể kể ra đây những người chuyên bán nước chè, từ lớp trước đến lớp sau như bà
Nguyễn Thị Điền, Đỗ Thị Câu, Trần Thị Kiệt… Thu thuế chợ có ông Lê Lại. Sau khi
thu thuế, ông dán biên lại thu thuế lên nón. Cứ đi rảo thấy chưa có biên lai
trên nón, coi như chưa nộp thuế hôm đó, phải nộp ngay lập tức.
Chung
quanh chợ Nồi Rang có hai chuyện đáng nhớ. Xưa, sở hữu một chiếc ghe con con,
hay một chiếc ghe trung trung không phải chuyện khó lắm. Nhưng sở hữu ghe bầu,
thứ ghe có thể vận chuyển đường dài, giá “trên trời” là chuyện khó, đòi
hỏi người chủ phải thật sự giàu có, dư dả. Vậy mà ở Hội Sơn có hai người làm
chủ một lần đến… ba chiếc ghe bầu. Đó là ông Giáo Như và ông Cửu Thâm, em rể
ông Giáo Như. Trong đó, ông Giáo Như nổi tiếng hơn. Những chiếc ghe bầu này
được hai ông sử dụng vào việc mua gạo, muối ở Sài Gòn và các tỉnh miền trong
chở về Hội Sơn bán lại kiếm lời. Họ chỉ bán tại chỗ. Dân buôn bán nghe tiếng
đến mua sỉ bán lại. Nhờ biết tính toàn làm ăn, họ tích tụ của cải, xây nhà lầu.
Xưa, nhà ngói đã khó, nhưng họ xây cả nhà lầu, chứng tỏ họ giàu có đến mức nào.
Tương truyền, trước năm 1945, khi dân đói, ông Giáo Như từng có lần đem gạo ra
chất đồng trước sân để “phát chẩn”, bây giờ gọi là cứu đói, cho dân, mới
khiếp!
Chuyện
thứ hai, cũng liên quan mật thiết với… chợ Nồi Rang. Ấy là củi. Bởi, mặt hàng
mạnh nhất của chợ Nồi Rang là củi. Không chỉ tập trung củi dương của làng Hội
Sơn mà chợ Nồi Rang còn tập trung củi dương của nhiều làng khác ở Duy Nghĩa,
Duy Hải và cả Bình Dương, những vùng đất cát, rất thích hợp với cây dương liễu.
Thế cho nên, bà con trồng rất nhiều, đặc biệt ở dọc bờ biển. Ngay từ lúc trời
chưa sáng hẳn, người ta đã nườm nượp gánh củi đến chợ. Còn ở dưới bến sông, kể
có hàng năm, sáu chục chiếc ghe, loại ghe con con, đậu san sát nhau, chờ “ăn”
hàng, chủ yếu là củi, rồi đến một số loại rau, cà chua, cá… Về củi, mỗi ghe mua
chừng vài trăm củi. Có ghe mua cả ngàn củi, chất cao nghệu. Xưa, không có ghe
máy, toàn là ghe chèo bằng tay, còn gọi là ghe bơi. Chất đầy củi xong, chèo ghe
mà về. Người mua chủ yếu dân ở Cẩm Hà, Cẩm Nam, Duy Vinh, Phước Trạch và một số
địa phương lân cận. Chợ Nồi Rang đông từ sáng sớm đến trưa thì tan.
Ngày
trước, chợ được xây dựng khá đơn giản. Chợ có 2 dãy lều đều được lợp bằng lá
dừa. Dưới lót đá ong. Cũng như nhiều chợ khác ở Quảng Nam, chợ Nồi Rang cũng có
nhiều bước thăng trầm. Trong kháng chiến chống Pháp, chợ không thể hoạt động vì
máy bay Pháp thấy chợ họp, người đông, chúng sẽ thả bom. Nhưng, không vì thế
chợ dẹp hẳn. Khuya, người ta vẫn gánh củi lên bến sông chợ Nồi Rang. Từ đó, có
người mua chở bằng ghe đi. Sau Hiệp định Giơ ne vơ 1954, chợ Nồi Rang được mở
lại. Đến 1964, chiến tranh ác liệt nên chợ không tồn tại. Từ ngày giải phóng
đến nay, chợ Nồi Rang ngày càng thu hút bà con đến kinh doanh buôn bán. Các mặt
hàng, sản phẩm cũng phong phú, đa dạng, từ mỹ phẩm đến quần áo, giày dép, hàng
tiêu dùng, hàng thực phẩm… kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân
quanh vùng. Trước tình hình ấy, năm 1992, một ngôi chợ mới, khang trang và bề
thế được chính quyền quy hoạch, đầu tư, xây dựng. Địa điểm xây dựng chợ mới
cũng nằm gần ở khu chợ cũ. Đặc biệt, danh xưng chợ Nồi Rang vẫn còn tồn tại,
như minh chứng cho sự tiếp nối bề dày truyền thống văn hoá của một ngôi chợ đã
đi vào huyền thoại, tồn tại trong tâm trí, ký ức của nhiều thế hệ người dân ở
vùng đất này.