Bằng tinh thần san sẻ yêu thương, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ ở Duy Xuyên đã có nhiều cách làm hay, ý nghĩa trong việc triển khai các phong trào, hoạt động hội gắn với việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Nhóm “Mỳ chay 5k” (khối phố Phước Xuyên, thị trấn Nam Phước) trao những phần mỳ yêu thương cho bệnh nhân. Ảnh: T.T
Lan tỏa việc thiện
Từ mục đích ban đầu là giúp những người lao động khó khăn có bữa sáng đảm bảo chất lượng, giá rẻ, giúp đỡ người già bệnh tật, đến nay nhóm “Mỳ chay 5k” ở khối phố Phước Xuyên (thị trấn Nam Phước) còn mở rộng phát cơm, cháo từ thiện định kỳ 2 lần/tháng cho bệnh nhân nghèo.
Bà Nguyễn Thị Liên - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khối phố Phước Xuyên cho biết, nhóm “Mỳ chay 5k” được Ban công tác Mặt trận khối phố phối hợp với Chi hội phụ nữ thành lập vào tháng 8/2022 với 16 thành viên.
Mỗi tháng vào ngày mùng một và rằm, nhóm nấu mỳ chay và bán với giá 5 nghìn đồng/tô, trao khoảng 70 suất mỳ cho người già bệnh tật, neo đơn trong khối phố. Những rằm lớn vào các tháng 4, 7, 10, nhóm trao tặng mỳ cho tất cả người già trong khối phố Phước Xuyên.
Sau một thời gian hoạt động, từ kinh phí hỗ trợ của các nhà hảo tâm, nhóm nấu và phát cháo, cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (Đại Lộc).
Năm 2024, nhóm còn tổ chức nấu ăn, chăm sóc các cụ già tại Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức, tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Phú Ninh. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm đã nấu và trao hơn 2.000 suất cơm, bún, cháo cho bệnh nhân nghèo.
“Thấy người lao động trân quý phần mỳ chay 5 nghìn đồng của nhóm, những bệnh nhân khó khăn vui vẻ nhận cơm, cháo, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã làm được việc có ích” - bà Liên tâm sự.
Năm 2021, Hội LHPN xã Duy Phước triển khai thực hiện mô hình “Góc học tập tình mẹ” với mong muốn giúp học sinh khó khăn có một góc học tập với đầy đủ bàn, ghế, đèn học.
Em Nguyễn Thị Thanh Trúc (học sinh lớp 6/2, Trường THCS Kim Đồng) chia sẻ: “Trước đây, trong một lần được mời lên phát biểu tại diễn đàn tiếp sức đến trường, con nói ước mơ của mình là có một góc học tập. Sau đó, con được các cô tặng bàn, ghế và đèn học, con cảm thấy rất vui và việc học của con được tốt hơn”.
Chị Võ Thị Hồng Anh - Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Phước cho biết, mô hình tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, qua đó đã hỗ trợ góc học tập cho 14 học sinh trong xã.
Ngoài ra, hội còn linh hoạt huy động nguồn lực trao tặng dụng cụ học tập, trao học bổng cho học sinh nghèo, giúp các em vững niềm tin, nghị lực, chắp cánh ước mơ tri thức.
Nhiều mô hình ý nghĩa
Bà Trần Thị Minh Yến - Chủ tịch Hội LHPN huyện Duy Xuyên cho biết, hằng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp hội tăng cường tuyên truyền, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt của hội; lồng ghép tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng…
Hội LHPN huyện Duy Xuyên tổ chức gặp mặt trẻ em được nhận đỡ đầu nhân Ngày gia đình Việt Nam 28/6. Ảnh: T.T
Từ đó việc học và làm theo Bác được lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, hội viên phụ nữ với nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hướng về địa bàn dân cư.
Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội từ huyện đến cơ sở tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình làm theo Bác như “Tủ sách làm theo Bác”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Bát cháo tình thương”, “Bữa cơm từ thiện”…
Hình thành mô hình mới và phát huy hiệu quả trong cộng đồng như “Bữa sáng 5k”, “Tô cháo 0 đồng” (thị trấn Nam Phước), “Tiết kiệm vì trẻ em mồ côi” (Duy Thành), “Thùng tiền tiết kiệm” (Duy Nghĩa, Duy Hải), cửa hàng “Chia sẻ yêu thương”, “Phụ nữ với công tác khuyến học” ở 14 xã, thị trấn…
Theo bà Trần Thị Minh Yến, tiêu biểu có mô hình “Heo đất tình thương” đã lan tỏa việc thực hành tiết kiệm trong cán bộ và hội viện phụ nữ.
Ba năm qua, các cơ sở hội khui heo đất định kỳ được hơn 1 tỷ đồng, trích một phần xây dựng quỹ tình thương của xã, thị trấn để trao học bổng, quà cho học sinh, phụ nữ khó khăn. Hay như mô hình “Mẹ đỡ đầu” đã nhận đỡ đầu 71 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng/em đến năm 18 tuổi.
“Thời gian qua, phong trào học và làm theo Bác được lan tỏa sâu rộng, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Qua đó động viên cán bộ, hội viên nỗ lực phát huy phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong thời kỳ mới, thi đua học tập, lao động, phát triển kinh tế, san sẻ yêu thương, chung tay xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn” - bà Yến chia sẻ.
Phi Thành- Minh Tâm