Sau hơn nửa tháng
tiến hành công việc, nhóm khảo cổ do thạc sĩ Đặng Ngọc Kính, Trung tâm khảo cổ
học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ làm trưởng đoàn đã phát hiện dưới lòng
đất xã Duy Trung, có một dải thành cổ, được cho là có niên đại thế kỷ 4.
Trên
diện tích khoảng 50 m2, nhóm khảo cổ đã chọn vị trí điểm đầu bờ thành để đào
sâu vào lòng đất khoảng 3 m. Tại đây, nhóm nghiên cứu đã chọn phương pháp khai
quật theo kiểu lát cắt ngang bờ thành để tìm hiểu về kiến trúc, chất liệu xây
dựng bờ thành. Ông Kính cho biết, “Năm
1990 và 2003, đoàn khảo cổ của Trường đại học Hà Nội đã đào ở thành nam kinh đô
Trà Kiệu. Lần này, chúng tôi tiến hành tạo lát cắt mới ở đoạn đầu tường thành
phía đông để xem kiến trúc có gì khác không. Đây được xem như một cuộc khai
quật, nghiên cứu bổ sung”.
Tại hiện trường, sau khi bóc tách nhiều lớp đất, nhóm khảo cổ đã
phát hiện hai tường gạch chạy song song nhau có độ cao khoảng 2 m, giữa hai
tường gạch này là đất sét nện chặt để gia cố. Độ dày của tường thành (tính từ
hai mép ngoài của hai tường gạch) ước khoảng 5 m. Ngoài ra, hai bên bờ thành
này, nhóm khảo cổ còn phát hiện nhiều mẫu vật gạch, đất bao bọc. Thạc sĩ khảo
cổ học Nguyễn Khánh Trung Kiên, người tham gia cùng đoàn, cho biết những mẫu vật
này cho thấy người Chăm cổ đã đắp vào hai bên thành để tăng tính vững chắc.
“Tường thành cổ có thể là thành cư trú hoặc thành quân sự. Trong trường hợp
này, chúng tôi tạm thời giả thiết tường thành này là tường bảo vệ kinh đô Trà
Kiệu, vốn được xây dựng cách đó không xa”, ông Kiên nói thêm.
Trước đó, khai quật tại bờ thành phía nam, các đoàn khảo cổ học
trong và ngoài nước cũng đã phát hiện dải thành dài khoảng 1,5 km, có độ dày
khoảng 6 m. Đoạn thành phía đông vừa được phát lộ cũng có cấu trúc tương tự
thành phía nam với cấu trúc 3 lớp: hai bên xây bằng gạch, ở giữa đắp bằng đất
nện chặt, mặt cắt ngang tường thành có hình thang cân. Tiến sĩ Yamagata Mariko,
Trường đại học Kanazawa (Nhật Bản), cho biết: “Khai quật đoạn thành này, chúng
tôi muốn bổ sung một số thông tin khảo cổ học về cấu trúc, niên đại và cách thức
người xưa xây thành. Do nằm trong lòng đất lâu năm, bờ thành bị ảnh hưởng không
nhỏ bởi mạch nước nên đã bị xáo trộn khá nhiều. Tuy vậy, khi đào sâu hơn vào
lòng đất, chúng tôi nhận thấy bờ thành vẫn còn rất tốt...”.
Thạc sĩ Đặng Ngọc Kính cho biết thêm việc khai quật và có các
thông tin về đoạn thành này có giá trị không nhỏ về mặt thực tiễn lẫn trong
nghiên cứu. “Những phát hiện mới sẽ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ công nhận di tích
cấp quốc gia đối với thành cổ Trà Kiệu. Ngoài ra, qua cuộc khảo cổ này, chúng
ta có thêm nhiều tư liệu lịch sử về người Champa cổ ở giai đoạn chuyển tiếp
giữa nền văn hóa thời tiền sử - nền văn hóa Sa Huỳnh”, ông Kính nhận định.
Được biết, kinh phí cho đợt khảo cổ lần này do Nhật Bản tài trợ
với sự có mặt của nhiều nhà khảo cổ tại TP.Tokyo (Nhật Bản). Đến giữa tháng 3,
công tác khai quật đoạn thành này sẽ kết thúc. Đoàn khảo cổ sẽ có báo cáo gửi
Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam.
Báo Quảng Nam