Trà Kiệu là một vùng đất nằm ven bờ Thu Bồn, cách khu di
tích Chăm Mỹ Sơn không xa. Trong văn bia Chăm, đây là kinh thành Sư tử
(Simhapura). Hình bóng một kinh đô cổ xưa đã được nhà khảo cổ J.Y Claeys (Viện
Viễn Đông bác cổ, Pháp) xác tín và phác họa trở lại. Hiện nay, tại Bảo tàng
Chăm - Sa Huỳnh nằm trên trục đường nối Trà Kiệu và Mỹ Sơn (Duy Xuyên) còn
trưng bày bản phác thảo về kinh đô cổ.
Thủy kinh chú của Lý Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy (Trung
Quốc) viết hồi thế kỷ thứ VII có đoạn mô tả: “thành ấy ở phía tây khúc sông là
kinh đô Lâm Ấp, lập ở Điển Xung, cách bờ biển 40 dặm. Về phía tây nam giáp núi,
phía đông bắc trông ra sông. Nhiều lớp hào bao quanh chân thành, bên ngoài các
hào về phía đông nam sông chảy men bờ thành. Thành xây gạch cao hai trượng,
trên thành có tường gạch cao 1 trượng, trổ lỗ vuông, trên dựng ván, trên ván có
gác cất lên, trên gác có mái, trên mái có lầu, lầu cao thì sáu bảy trượng, lầu
thấp thì bốn, năm trượng…”. Trong hai năm 1927-1928, nhà khảo cổ J.Y Claeys đã
cho tiến hành cuộc khai quật lớn nhất kéo dài gần 10 tháng trời. Sau cuộc khảo
cổ, đoàn đã nhất trí với những điều được bộ sử cổ ghi chép về kinh thành Sư tử.
Khu di tích Mỹ Sơn và kinh đô Trà Kiệu là hai minh chứng
lịch sử đại diện cho giai đoạn cực thịnh của vương quốc Chămpa từ thế kỷ thứ IV
đến thế kỷ thứ X-XII. Simhapura, theo như các nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa,
nổi tiếng nhất với ngôi đền chính trong hoàng thành. Trong đền tháp này, có một
bàn thờ lớn hình vuông, trên đó tạo hình 12 vũ nữ Apsara đứng múa trước đài
sen. Bàn thờ đó đã trở thành kiệt tác trong giới điêu khắc. Tất cả đền thờ ở
kinh đô Trà Kiệu lúc bấy giờ đều thờ thần Siva và Visnu, là hai thần bảo hộ cho
Vương triều Chămpa. “Đối với
kinh đô cổ Trà Kiệu, còn quá sớm để nói về những dự án phát huy giá trị. Trước
tiên, còn nhiều việc phải làm để bảo tồn nguyên trạng phế tích, tránh tình
trạng xâm nhập vào phế tích và tiếp tục tiến hành những cuộc khai quật để lập
hồ sơ khoanh vùng
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đồng thời cũng là một nhà khảo cổ học,
cho biết thành Trà Kiệu là kinh đô cổ nhất của vương quốc Chămpa xưa, là trung
tâm chính trị, để lại nhiều dấu tích của một thời kỳ rực rỡ. “Ngoài phong cách Đồng Dương, Trà Kiệu cũng
hình thành một phong cách riêng, đặc biệt là trong kỹ thuật làm đồ gốm, điêu
khắc. Những bức tượng nữ thần với thân thể uyển chuyển, uốn lượn, tượng chim
thần Garuda, tượng voi Ganesa… tượng trưng cho sức sống dũng mãnh. Dưới chân
thành, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều đồ gốm từ nồi, ấm, đồ trang sức, đều
có niên đại khoảng thế kỷ thứ II. Tính thẩm mỹ của văn hóa Chămpa được thể hiện
tại Trà Kiệu rất nhiều, chính vì vậy mới có cái gọi là Phong cách Trà Kiệu”.
Một số bức phù điêu và hiện vật để lại nay được trưng bày
tại Bảo tàng văn hóa Chăm - Sa Huỳnh. Dù ít người biết đến bảo tàng này, nhưng
các hiện vật lưu giữ khá cẩn trọng tại đây. Trong đó, có những bức tượng được
chạm trổ kỹ lưỡng, công phu và tinh tế. Đây là kho tư liệu quý giá đối với những
ai thực sự có niềm đam mê nghiên cứu nền văn hóa Chăm phồn thịnh thuở nào. Mới
đây, cuộc khai quật do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và trường Đại học
Kanazawa (Nhật Bản) đã hé lộ khá nhiều bí ẩn về kinh đô cổ này. Một số hiện vật
là những mảnh gốm Chăm được dùng để gia cố bờ thành cổ phía đông hiện đang được
cất giữ tại Bảo tàng Chăm Trà Kiệu. Thạc sĩ Đặng Ngọc Kính, trưởng đoàn nghiên
cứu, cho biết cuộc khai quật với những phát lộ mới sẽ bổ sung thêm cho tiến
trình nghiên cứu kinh đô Trà Kiệu cũng như nền văn hóa Chăm tại khu vực Trung
Trung Bộ.
Quảng Nam là một trong những trung tâm của vương quốc
Chămpa xưa với những dấu tích để lại mang giá trị văn hóa vô giá. Tuy nhiên,
việc tìm ra phương án bảo tồn di tích hoặc quy tụ, lưu giữ hiện vật vẫn đang là
bài toán khó. Ông Hồ Xuân Tịnh cho biết, “Để nghiên cứu,
bảo tồn, tu bổ phế tích Chăm cũng như các di tích, phế tích còn lại không phải
là chuyện dễ. Ngoài công tác
chuyên môn còn cần kinh phí, sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành và địa
phương. Các phế tích có giá trị rõ nét sẽ phải lập phương án sát chi tiết, tiến
hành lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ, nghiên cứu. Riêng đối với kinh đô cổ Trà
Kiệu, còn quá sớm để nói về những dự án phát huy giá trị. Trước tiên, còn nhiều
việc phải làm để bảo tồn nguyên trạng phế tích, tránh tình trạng xâm nhập phế
tích và tiếp tục tiến hành những cuộc khai quật để lập hồ sơ khoanh vùng”.
Ngoài ra, việc bảo tồn kinh đô cổ Trà Kiệu cũng được một số nhà nghiên cứu gợi
mở nên lập phương án khoanh vùng, bảo tồn, trưng bày hiện vật tại chỗ.
Giải pháp bảo tồn di tích, phế tích Chăm lâu nay nhận
được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các nhà nghiên cứu. Tuy
nhiên, những hiện vật Chăm nằm rải rác tại khu vực dân cư vẫn còn khá nhiều. Bà
Lưu Thị Hiền Phương Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Duy Xuyên cho biết,
các phế tích Chăm trên địa bàn huyện hầu như nằm trong lòng đất, nên công tác
bảo vệ đối với cấp huyện chỉ có thể là… đóng mốc, cắm biển di tích và ngăn chặn
sự xâm hại đối với vùng đất có phế tích; còn phương án gìn giữ lâu dài thì
huyện rất khó để làm. “Đối với một phòng văn hóa, để quy tụ hiện vật thì chỉ có
cách vận động người dân hiến tặng. Tuy nhiên, một số người dân khi đào được
hiện vật thường yêu cầu chúng tôi phải bồi dưỡng hoặc trả tiền cho hiện vật, nhưng
với kinh phí cấp phòng thì rất khó”.
Năm 2009, Bảo tàng Văn hóa Chăm - Sa Huỳnh tại huyện Duy
Xuyên đi vào hoạt động với kỳ vọng lưu giữ và phát huy được giá trị của nền văn
hóa Chăm trên địa bàn. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm hoạt động, bảo tàng vẫn chưa
thể làm tốt nhất vai trò của mình. Bà Phương chia sẻ, để thu hút khách du lịch
đến với bảo tàng còn cần khá nhiều thời gian. Hiện nay, khách đến bảo tàng vẫn
chủ yếu là các đoàn nghiên cứu, còn khách tham quan rất ít. Mới đây, HĐND tỉnh
thông qua phương án khai thác vé tại các bảo tàng. “Các hiện vật lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng vẫn còn ít so với các
dấu tích văn hóa Chăm để lại trên địa bàn huyện. Nhưng các hiện vật Chăm hay có
tính trùng lặp, nên chúng tôi chỉ có thể chọn một hiện vật biểu trưng để trưng
bày. Huyện Duy Xuyên vẫn đang tiếp tục bàn tính phương án để bảo tàng hoạt động
tốt hơn”.