A+ A A-

Thành tích của một ngôi trường mang tên chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Phong

             Ngày 30/8/2013, trường THPT Lê Hồng Phong tổ chức lễ kỉ niệm 30 năm, ngày thành lập trường.
          Từ ngày đầu mới thành lập, thầy cô và các em học sinh gặp vô vàng khó khăn về cơ sở vật chất cũng như chất lượng đầu vào. Song, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, thầy và trò nhà trường đã nỗ lực vuợt qua để có được thành tích đáng khâm phục và đặc biệt năm học 2012 – 2013, nhà trường đã hoàn tất hồ sơ gửi các cấp phê duyệt, đề nghị nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
                                                                  alt
 
           Còn nhớ năm học đầu tiên (1983 – 1984) trường được mang tên trường PTTH Duy Xuyên II, cơ sở vật chất nghèo nàn, chỉ vỏn vẹn có 8 phòng học với 6 lớp, gồm 2 lớp 11 và 4 lớp 10, chưa có lớp 12, tổng số học sinh 272 em, với 12 giáo viên giảng dạy các bộ môn. Đến Năm học 1990 – 1991, do số lượng học sinh giảm, chỉ còn có 187 em, nên trường phải sát nhập với 2 trường cấp 2 của xã Duy Hòa và Duy Châu, đổi tên thành trường PT cấp 2-3 Lê Hồng Phong. Đến năm học 1998 - 1999, theo Quyết định số: 1278/1998/QĐUB của UBND tỉnh Quảng Nam, tách hẳn riêng ra, trả Phổ thông cấp 2 về đơn vị cũ, lấy tên là trường THPT Lê Hồng Phong cho đến hôm nay.
         30 năm thành lập với những bước đi đầy gian khó nhưng thầy và trò nhà trường đã không ngừng nỗ lực vưon lên để đạt hiệu quả về chất lượng giáo dục toàn diện. Nổi bật nhất là kết quả trong năm học 2012 – 2013, tỷ lệ học sinh Tốt nghiệp THPT đạt 99,75%, trong đó có 13 em đỗ tốt nghiệp loại giỏi, 90 em loại khá; tỉ lệ khá, giỏi xếp thứ 4 toàn tỉnh. Học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 2 giải đồng đội, 23 giải cá nhân, xếp vị thứ 4 toàn đoàn. Học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1 có 102 em, tỉ lệ 24%; trong đó có 13 em đỗ đại học Y khoa và Y Dược; 2 em đỗ cả 2 khối A,B với số điểm từ 26 trở lên. Nhiều cán bộ, giáo viên của Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý. Một Nhà giáo Ưu tú, 1 giáo viên được Thủ tướng tặng Bằng khen, nhiều giáo viên được Bộ GD-ĐT, UBND Tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen, 7  giáo viên được tặng danh hiệu CSTĐ cấp Tỉnh. Đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ và người lao động tổng cộng 69 người. Cơ sở vật chất khang trang, thân thiện, với 3 dãy nhà 2 tầng, gồm 25 phòng học, có thư viện, phòng truyền thống, 1 phòng học vi tính với trên 30 máy, 3 phòng học thực hành; có khu liên hợp giáo dục thể chất - quốc phòng với tổng kinh phí hơn 12 tỉ đồng đang khởi công xây dựng, có sân vận động; cảnh quan sư phạm Xanh - Sạch - Đẹp. Nhà trường được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục – Đào tạo, của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, được công nhận “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhà trường đang dần hoàn thiện các điều kiện để đạt trường chuẩn Quốc gia vào năm 2014 - 2015.
                                                                  alt
              Ba mươi năm qua nhà trường đã có hơn 7.400 học sinh ra trường, trưởng thành và là người hữu ích cho xã hội. Nhiều thế hệ học sinh của trường đã trở thành kĩ sư, bác sĩ, phóng viên báo chí, nhà giáo… công tác ở mọi miền quê hương, đất nước và có tâm huyết đóng góp xây dựng quê hương.
              Không chỉ tạo dựng được bước đi vững chắc mà ngôi trường THPT Lê Hồng Phong đầy ắp những câu chuyện về nghĩa tình thầy trò ở vùng quê còn nhiều gian khó, nổi lên như một tâm điểm về giáo dục tình yêu thương, tiếp sức cho những học sinh nghèo bước vào ngưỡng cửa đại học.
            Bây giờ các bậc phụ huynh học sinh đều nhận ra rất rõ rằng, ngôi trường THPT Lê Hồng Phong của vùng tây Duy Xuyên với trên 60% học sinh là con em thuộc diện hộ nghèo hiện đang đuổi kịp về chất lượng dạy và học với các trường THPT có tên tuổi trong huyện và tỉnh.  3 năm liên tục (từ năm học 2009 đến 2011) 100% học sinh khối lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT. Và không quá ngạc nhiên trên 50% học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, trong đó mỗi năm có trên 100 học sinh đỗ đại học. Đây là con số khá thuyết phục bởi trước đây số học sinh đỗ Đại học của nhà trường chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều nhất cũng chỉ có vài chục em đỗ đại học. Với một đội ngũ thầy cô giáo mà phần lớn không phải là người địa phương nhưng đầy tâm huyết, luôn trăn trở tìm phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng học tập cho các em. Bằng cái tâm và một suy nghĩ giản đơn là không muốn biến ngôi trường này làm nơi thử nghiệm chất lượng giảng dạy để rồi học sinh phải mất một thời gian dài làm quen với cách truyền đạt của mỗi giáo viên nên nhiều thầy cô dù đủ thời gian chuyển công tác nhưng không muốn rời xa ngôi trường, rời xa học sinh nghèo của mình, như cô giáo Đinh Thị Dung, giáo viên dạy môn Ngữ Văn; cô giáo Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên dạy môn Anh Văn…
            Nhằm giúp học sinh nghèo có điều kiện tiếp tục đến trường, từ năm học 2009 đến 2013, trường THPT Lê Hồng Phong xây dựng quỹ học sinh nghèo tổng cộng gần 300 triệu đồng, trong đó thầy cô giáo đóng góp bằng tiền lương, tiền thưởng hội nghị là 184 triệu 200 ngàn đồng, thầy cô ủng hộ nhiều nhất số tiền đến nay lên 7,5 triệu đồng. Nhiều thầy cô đã chuyển công tác đi đến trường khác như cô giáo Đinh Thị Dung; Nguyễn Thị Khánh Vân; Cô Lê Thị Thu Hiền vẫn gửi tiền về ủng hộ vào quỹ. Phong trào này còn lan tỏa mạnh trong các em học sinh nhà trường, nhiều em trích lại một phần tiền khen thưởng đạt giải học sinh giỏi, tiền thưởng của lớp để ủng hộ vào quỹ.  Số tiền này nhà trường dùng vào việc tặng 32 chiếc xe đạp, 94 suất quà tết; hỗ trợ 31 suất học bổng cho học sinh đi thi đại học; tặng 96 suất học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, tặng 70 chiếc áo ấm mùa đông và thăm hỏi nhiều trường hợp học sinh khó khăn đột xuất.
                                                           alt
 
            Khẳng định vị trí của trường còn có một vẻ đẹp bất biến, đó là lòng nhân ái, sự sẻ chia với học trò nghèo đã giúp các em có động lực vững bước trên con đường học vấn. Chính thầy cô là người đã chắp cánh cho những ước mơ, trang bị kiến thức cho các em bước vào đời và giúp các em thành công trong cuộc sống. Cái tinh thần “trọng đạo” ấy càng sáng tỏ thêm ý thức“tôn sư” và nó trở thành đạo lý “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.  Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Lời dạy đó của Người luôn là động lực để thầy cô giáo trường THPT Lê Hồng Phong phấn đấu rèn luyện để xứng đáng với vị trí quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp “trồng người”. ./.  
                                                                                                                                          Phan Lý.

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797637
Hôm nay
Hôm qua
1758
10160