Liền sau khi nghệ nhân tài hoa Trượng Tốn qua đời, Duy
Xuyên lại có Thiên Thành Vũ dân tộc Chăm, quê tỉnh tỉnh Ninh Thuận đã tự nguyện
gắn bó với Duy Xuyên giữ cho tiếng kèn Saranai mãi ngân vang giữa thung lủng Mỹ
Sơn huyền ảo.
Khi nghệ nhân Trượng Tốn qua đời vào thời điểm
cuối năm 2010, nhiều người lo lắng sẽ không còn được nghe giai điệu kèn saranai
vút cao giữa thung lủng Mỹ Sơn huyền ảo, làm người nghe như nhìn thấy những vũ
nữ Chăm pa từ các đền tháp cổ kính bước ra với đời thường. Thì chưa đầy 3 năm
sau du khách trở lại Mỹ Sơn vẫn được nghe tiếng kèn saranai rất điều luyện và
tài hoa bay bổng vút cao giữa núi rừng Mỹ Sơn từ nghệ sỹ Thiên Thành Vũ, học
trò của thầy Trượng Tốn.
Nhận thấy sức khỏe của mình giảm sút, nghệ nhân
Trượng Tốn trở về quê hương gốc Ninh Thuận dắt đến Mỹ Sơn cậu học trò cưng tên
là Thiên Thành
Vũ mới gần 20 tuổi, nơi ông chọn làm quê hương thứ hai của mình tiếp tục
truyền nghề, để giữ tiếng kèn vang mãi nơi tháp cổ Mỹ Sơn. Khi Thiên Thành Vũ đến với Mỹ Sơn vừa được 17
ngày thì thầy qua đời, Song nhớ lời thầy gửi gắm trước lúc về với
ông bà, và sự cầu thị của Ban quản lý di tích Mỹ Sơn đã giữ chân anh ở lại, và
anh đã tự nguyện gắn bó với quê hương Duy Xuyên.
Trước khi trút hơi thở cuối cùng nghệ nhân
Trượng Tốn đã trao chiếc kèn saranai đã theo ông suốt cuộc đời làm nghệ thuật
lại cho Thiên Thành Vũ, và anh đã không phụ sự kỳ vọng của người thầy thân yêu.
Thành Vũ ra sức luyện tập, bằng việc mỗi ngày sau nhiều suất biểu diễn phục vụ
khách tham quan, du lịch; dù thấm mệt nhưng anh vẫn mang kèn ra tháp cổ để
luyện lấy hơi, luyến láy, làm cho điệu kèn càng ngân nga xa giữa núi rừng Mỹ
Sơn, vang vọng trong lòng tháp cổ huyền hoặc.
Hầu như ở suất diễn nào hội trường có hàng
trăm khán giả kẻ ngồi, người đứng nhưng im phăng phắc lắng nghe tiếng đàn
Saranai bay bổng, vút cao. Khi tiếng kèn vừa dứt là những tràn pháo tay tán
thưởng của du khách làm cho các vị lãnh đạo của huyện cũng như Ban quản lý di
tích và du lịch Mỹ Sơn rất vui, bởi đã có người thay thế được nghệ nhân Trượng
Tốn.
Sinh ra trong gia đình nghệ sĩ, Thiên
Thành Vũ thừa hưởng khá nhiều tố chất từ người cha có khả năng làm nhiều loại
nhạc cụ dân gian Chăm. Những nỗ lực rèn luyện và cộng hưởng tuyệt vời của kinh
nghiệm học được từ người thầy đáng kính, Thiên Thành Vũ nhanh chóng khẳng định
được tiếng kèn saranai của mình, gây thích thú lẫn bất ngờ cho nhiều du khách
bằng vũ điệu dài gần 8 phút không ngừng.
Ông Nguyễn Công Khiết – Phó ban Quản lý di
tích và du lịch Mỹ Sơn tâm sự:“Có thể nói rằng tiếng kèn Saranai của Thiên
Thành Vũ là điểm nhấn, là phần hồn của văn hóa Chămpa không thể thiếu được đối
với du khách đến tham quan, nghiên cứu về khu di tích văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Đối với ban quản lý, chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để Thiên Thành Vũ
cũng như đội văn nghệ dân gian Chămpa nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật
thể dân gian Chămpha. Thiên Thành Vũ tâm sự rằng niềm vui và hạnh phúc của anh
là mang tiếng kèn đến với du khách trong và ngoài nước, một hình ảnh đẹp về dân
tộc Chăm nói riêng và con người Việt Nam nói chung”.
Thiên Thành Vũ còn khá trẻ, chỉ mới 24
tuổi nhưng tiếng kèn của anh lại thể hiện bản lĩnh nghệ thuật vững vàng. Và tiếng kèn Saranai đầy mê hoặc của người Chăm sẽ vẫn còn
vang lên nơi Thánh địa Mỹ Sơn huyền hoặc, một hòa điệu tuyệt vời đến với du
khách đi khắp muôn phương, càng làm cho mọi người trong nước và quốc tế yêu quý
quê hương Duy Xuyên, nơi có thành địa Mỹ sơn huyền ảo, lung linh sắc màu ./.