A+ A A-

Thách thức bảo quản gạch, đá tại Mỹ Sơn

      Với vị trí nằm trong thung lũng hẹp, thời tiết ẩm thấp, khắc nghiệt đã tạo điều kiện cho các loài rêu mốc phát triển, xâm thực các thành phần kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn. Dù vậy, đến nay vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp toàn diện nhằm hạn chế sự tác động này

        

Các vật liệu gạch đá Mỹ Sơn thường xuyên đối diện những tác động từ bên ngoài. Ảnh: V.L

        Nỗi lo hiện vật gạch, đá

       Khu di tích Mỹ Sơn hiện có 40 đền tháp, hệ thống tường bao và 1.803 hiện vật, phần lớn bằng chất liệu sa thạch, gốm, đất nung (thành phần kiến trúc, điêu khắc trang trí, đài thờ, tượng thần, con vật thần, đồ dùng trong các nghi lễ... ).

      Cụ thể, có 708 hiện vật đang trưng bày tại chỗ trong khu di tích và 93 hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Sơn, số còn lại được bảo quản trong kho.

       Theo Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, bảo quản vật liệu tại di tích Mỹ Sơn như một bảo tàng mở khi hầu hết hiện vật đang trưng bày ngoài trời trong điều kiện môi trường thung lũng Mỹ Sơn khắc nghiệt nên luôn là thách thức lớn.

       Đặc biệt, biến đổi khí hậu dẫn đến nắng, mưa nhiều làm cho độ giãn nở của đền tháp, hiện vật tác động mạnh hơn, dễ nứt, sứt và rêu, mốc xâm hại.

         Cạnh đó, việc bảo quản các hiện vật bằng đá (trụ cửa, bậc cửa, lanh tô, trang trí áp tường, điểm trang trí góc, tai lửa, chóp tháp, đài thờ, bia ký...) hay các vật liệu khác như đá ong (nhóm tháp G), đá - sỏi trong lớp lõi tường (các tháp F); hay gốm trang trí, ngói đất nung lợp mái, đá cuội sử dụng gia cố móng, xây lõi tường… cũng gặp khó khăn.

      Thực tế, từ những năm 1980, các đền tháp khu B, C, D Mỹ Sơn đã được gia cố, trong đó vật liệu gạch gia cố chủ yếu sử dụng lại gạch cũ và kết dính bằng vữa xi măng.

      Tuy nhiên, rêu, mốc và các loại vi sinh phát triển rất nhiều, làm hủy hoại bề mặt gạch trùng tu và lây lan đến những mảng tường gốc. Với các khu tháp A, H, K, E7 được trùng tu (2003 - 2022) sử dụng gạch phục chế và liên kết bằng dầu rái, vôi vữa…, sau thời gian ngắn đã xuất hiện hiện tượng muối, mủn hóa bề mặt gạch mới và rêu mốc xuất hiện rất nhanh.

       Nhằm bảo quản hiện vật và di tích, thời gian qua Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn chủ yếu tiến hành vệ sinh định kỳ 2 tháng/lần. Cạnh đó, cũng thường xuyên phát quan thông thoáng bên ngoài tường bao các khu tháp, tạo không gian thoáng đãng.

     Riêng với hiện tượng nấm, mốc, địa y bám trên bề mặt di tích và hiện vật trưng bày ngoài trời hay một số hiện vật được trưng bày gắn trên tường tháp nhà D1, D2 cũng đối diện hiện tượng bị ẩm, nấm mốc bám chặt lâu ngày.

       Thậm chí qua kiểm tra đã có hiện tượng mủn hóa bề mặt, làm biến dạng và có nguy cơ không nhận diện được những nét chạm khắc hoa văn trên đó, làm mất giá trị và độ bền vững của hiện vật.

        Tìm giải pháp bảo tồn

       Để bảo quản các vật liệu gạch đá di tích, từ những năm cuối thế kỷ XX, một vài thử nghiệm về bảo quản bề mặt gạch trên đền tháp đã được Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn triển khai bằng cách đun sôi dầu rái và quét mỏng lên bề mặt gạch gốc ở tháp D2.

     

Rất nhiều hiện vật bằng đá của Mỹ Sơn hiện đang được trưng bày ngoài trời dẫn đến dễ bị nấm mốc xuất hiện. Ảnh: V.L

      Qua quan sát, theo dõi của nhân viên lúc đó, trong khoảng 2 năm đầu hiện tượng rêu, mốc giảm hẳn. Tuy nhiên, sau đó dần dần nấm, mốc địa y quay trở lại bình thường như mảng tường đối xứng. Khi tháp E7 trùng tu xong năm 2015 cũng thử nghiệm bảo quản bề mặt gạch mới trùng tu ở phần mái tháp bằng lớp dầu rái mỏng. Đến nay, lớp bảo vệ dầu rái cũng đã phai nhạt và không còn tác dụng.

       Năm 2018, các chuyên gia Ấn Độ trùng tu nhóm tháp H cũng thử nghiệm dầu rái phủ một mảng tường 1m2 mới trùng tu góc Bắc ở tháp H1, trong khoảng 2 năm đầu mảng tường sáng và có sự khác biệt nhưng các năm tiếp theo khi lớp dầu rái phai dần thì không còn khác biệt giữa mảng tường bảo quản và mảng tường đối xứng.

        Năm 2017 Viện Bảo tồn di tích phối hợp với Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn thử nghiệm bảo quản bề mặt tường ở tháp F1 (trong nhà bao che) và F2 ngoài trời tự nhiên. Chất bảo quản này cơ bản giúp bề mặt gạch cứng và hạn chế rất nhiều rêu, mốc, địa y xâm hại. Dù vậy, màu sắc sau bảo quản có cảm giác mới, chưa gần với màu tự nhiên của gạch cổ.

       Tháng 4/2022, Ban Quản lý di sản Văn hóa Mỹ Sơn tiếp tục phối hợp Viện Bảo tồn di tích thi công thử nghiệm xử lý nấm mốc, địa y, rêu, tảo trên bề mặt vật liệu gạch và đá tại một vị trí xác định tại tháp B4 và E7.

       Vị trí thực hiện ở các mảng tường có quá trình trùng tu, gia cố giai đoạn khác nhau, có yếu tố tác động thời tiết nắng mưa khác nhau, bề mặt vật liệu bị nấm mốc, địa y, rêu tảo xâm hại nhiều. Khu vực thử nghiệm ít ảnh hưởng đến các hoạt động của khu di tích.

       Nhóm kỹ thuật chọn những ngày nắng nóng, tường tháp khô ráo, thực hiện các bước xử lý rêu, nấm, địa y bề mặt gạch, đá thật sạch sẽ, cẩn thận, không ảnh hưởng đến yếu tố gốc. Sau đó phun một lớp hóa chất mỏng lên bề mặt tường tháp và đá trụ cửa kết quả khá tích cực nhưng đây cũng chỉ là bước đầu cần tiếp tục theo dõi.

      Theo ông Trần Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các phương pháp bảo quản di tích tiên tiến như hóa học, vật lý và sinh học đang được áp dụng ngày càng phổ biến trên thế giới hiện nay.

     Xu hướng bảo quản bằng phương pháp hóa học, đặc biệt với các vật liệu trong di tích như gạch và đá đang được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng rãi. Phương pháp này đã mang lại những kết quả tích cực ban đầu, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về việc duy trì tính toàn vẹn và gia tăng tính bền vững cho di tích.

VĨNH LỘC

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19604751
Hôm nay
Hôm qua
1097
8594