Qua gần 3 năm đi vào hoạt động,
dự án Làng du lịch cộng đồng sinh thái Trà Nhiêu (thôn Trà Đông, Duy Vinh) đang từng
bước quảng bá thương hiệu với nhiều đoàn khách đến thăm mỗi ngày. Tuy nhiên,
lợi ích từ du lịch mang lại cho cộng đồng như mục đích ban đầu của dự án
dường như vẫn còn khoảng xa phía trước.
Tháng 10.2008, làng Trà Nhiêu được chọn triển khai xây
dựng mô hình làng du lịch cộng đồng sinh thái với tổng diện tích 147ha gồm 7
nhóm sản phẩm chính từ các nghề truyền thống như dệt chiếu, chằm lá dừa nước,
vá lưới, đánh bắt thủy sản trên sông, đến khu nhà vườn, rừng dừa nước, ẩm thực,
dịch vụ xe đạp đi quanh làng. Có 80 người dân Trà Nhiêu được đào tạo kỹ
năng giao tiếp, đón khách, nấu ăn, làm hàng lưu niệm… thông qua các lớp tập
huấn tại Huế, Hội An… Chỉ trong vòng 2 năm 2012 và 2013, hơn 40 phụ nữ của làng
đã được Sở VH-TT&DL, dự án WAP hướng dẫn cách làm sản phẩm thủ công như túi
xách, mũ, dép bằng cói. Ngoài dệt chiếu hay đan lưới truyền thống, Trà Nhiêu đã
có thêm việc trình diễn sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm lưu niệm dân dã
địa phương cho khách thưởng ngoạn và lựa chọn. Theo ông Khương Hưu - Phó Trưởng
ban Điều hành làng du lịch cộng đồng sinh thái Trà Nhiêu, bơi thuyền thúng
“thám hiểm” rừng dừa, dự phần vào nghề dệt chiếu, đan lưới, sản xuất hàng thủ
công mỹ nghệ… đã được nhiều du khách ưa thích. “Lượng khách không nhiều và thu
nhập chưa đáng kể nhưng đã tạo sự khởi sắc, khuyến khích người dân phát triển
du lịch và gìn giữ môi trường sinh thái, bảo vệ các giá trị văn hóa, làng nghề
truyền thống” - ông Hưu nói
.
Đường làng, cổng ngõ, cầu tre, kè sông… đã được xây dựng
và lượng khách đến trung bình mỗi tháng khoảng 100 người kể từ khi làng chính
thức đón khách từ tháng 7.2010. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ với mục đích ban đầu
của dự án đưa ra là cộng đồng cư dân địa phương phải được hưởng lợi. Theo ông
Khương Hưu, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có cơ chế điều phối và phân chia lợi
nhuận rõ ràng giữa ban điều hành, người dân và doanh nghiệp đưa khách đến. Các doanh
nghiệp tự do đưa khách đến rồi đi. Đoàn nào “tốt” thì “cho” gia đình khách ghé
thăm vài chục nghìn đồng, không thì thôi. Ban điều hành làng du lịch không thể
làm gì được.
Không chỉ người dân làm nghề truyền thống mà các gia
đình, hàng quán ven sông, những nơi được dự án quy hoạch làm homestay đón
khách… cũng khó kiếm được tiền, bởi khách đến tham quan xong lại về Hội An ăn,
nghỉ. Những sản phẩm thủ công sản xuất ra vẫn chưa thể bán được. Chỉ vài hộ làm
dịch vụ cho khách thuê thuyền chài lưới, đánh bắt trên sông hay đi thúng dạo
vườn dừa… có thêm chút thu nhập ít ỏi. Bà Lý Thị Thu, người dân làng Trà Nhiêu
cho biết, mỗi tuần nhà bà đón một đoàn khách đến tham quan tìm hiểu nghề dệt
chiếu, nhưng bà không quan tâm việc khách có “cho” tiền hay không, dù đã rất
vui khi vài hôm trước có đoàn khách đến nhà xem dệt chiếu xong “cho” 50 nghìn
đồng. Theo ông Khương Hưu, Ban điều hành làng đã nhiều lần xin UBND huyện Duy
Xuyên cho cơ chế để tạo nguồn thu, nhưng đã không được đồng ý. Kết quả là 3 năm
qua, những quy định về nghĩa vụ của các công ty lữ hành khi đưa khách đến làng
vẫn chưa được doanh nghiệp thực hiện. Ban điều hành (hướng dẫn người dân bảo vệ
môi trường, an ninh, trật tự cho du khách) lẫn cộng đồng dân cư hầu như không
được hưởng lợi gì nhiều từ những chuyến tham quan của du khách, ngoài 1,5 triệu
đồng từ Công ty Du lịch Sông Hội trích lại, còn các công ty khác vẫn chưa có
động thái nào cả.
Ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT Duy Xuyên cho
biết, phòng đang hoàn thiện dự thảo quy chế, quy định chức năng và quyền lợi cụ
thể của các bên khi tham gia hoạt động du lịch tại Trà Nhiêu, như tỷ lệ phần
trăm doanh nghiệp phải trích lại cho cộng đồng hoặc cho phép Ban điều hành
thành lập các trạm đón tiếp để “kiểm soát” lượng khách đến làng, trình UBND
huyện xem xét quyết định. Ông Lê Ngọc Tường - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch
(Sở VH-TT&DL Quảng Nam) cho rằng, Trà Nhiêu cần một doanh nghiệp kinh
nghiệm, có nguồn khách ổn định và đủ năng lực đầu tư lâu dài cho làng. Công ty
CP Du lịch và thương mại Lê Nguyễn đã được chọn để làm đối tác với Trà Nhiêu,
nhưng tất cả còn phụ thuộc vào bản kế hoạch và báo cáo của Lê Nguyễn có thuyết
phục được huyện hay không. “Kế hoạch, giải pháp đã có, vấn đề là sự nhiệt tình
kêu gọi đầu tư, xúc tiến quảng bá của huyện có thực hiện được hay không. Cơ
quan quản lý cũng chỉ giúp về mặt chuyên môn như tập huấn, quảng bá, kết nối
doanh nghiêp… chứ không thể dài tay làm thay tất cả” - ông Tường nói.
Một dự án du lịch cộng đồng với kỳ vọng cải thiện sinh
kế, thay đổi cuộc sống người dân còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ. Bảo tồn
tốt các giá trị văn hóa truyền thống làng quê Trà Nhiêu thông qua con đường du
lịch sẽ vẫn là chuyện khó, nếu thiếu một cơ chế hợp tác, nỗ lực của doanh
nghiệp, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương... như hiện tại.
Khánh Linh -Hoàng Thơ