Mỹ Sơn là di tích Champa đầu tiên tổ chức biểu diễn múa Chăm thường xuyên cho du khách. Từ khi trình diễn vào năm 2004, hoạt động này đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn di tích, phát huy giá trị di sản và đồng thời quảng bá những nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng người Chăm hiện nay.
Vũ nữ bên tháp Chăm
Nghệ thuật múa truyền thống còn tồn tại trong cộng đồng Chăm hiện nay chủ yếu là loại hình múa dân gian. Từ khi Mỹ Sơn được đưa vào danh mục di sản văn hoá thế giới năm 1999. Các nhà quản lý địa phương đã có ý tưởng đưa loại hình múa dân gian Chăm vào trình diễn tại di sản Mỹ Sơn.
Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn thành lập Đội văn nghệ dân gian Chăm và biểu diễn thường xuyên phục vụ cho du khách từ tháng 7 năm 2004. Ban đầu Đội có 11 diễn viên trong đó có 6 thành viên là những nghệ nhân, diễn viên người Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận. Với sự hướng dẫn, truyền dạy của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Hải Liên, nghệ nhân dân gian Trượng Tốn và các nghệ sỹ Chăm khác. Các diễn viên trẻ người Chăm và địa phương đã cùng tập luyện và biểu diễn. Cho đến nay đã tròn 20 năm, số lượng diễn viên tăng lên đến 28 người. Tính tới thời điểm này, đã có hàng chục ngàn suất diễn phục vụ du khách. Hàng trăm chương trình biểu diễn khắp cả nước.
Biểu diễn tại tháp Bà Ponagar
Biểu diễn chính tại Nhà biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm Mỹ Sơn hiện nay không chỉ là các điệu múa truyền thống dân gian mà cả các tiết mục được sáng tác dựa trên các chất liệu truyền thống. Biểu diễn hằng ngày là các tiết mục Trống hội làng Chăm, Điệu múa đoa-pụ (đội nước), múa Bốn điệu truyền thống dân gian (do đoàn nghệ thuật dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận xây dựng từ các điệu múa dân gian), Độc tấu kèn saranai (do nghệ nhân dân gian Trượng Tốn trao truyền), Múa tượng tháp Shiva (tác giả Đặng Hùng), Vũ nữ Apsara (biên đạo Thọ Thái, nhạc Amư Nhân). Mỗi ngày thường biểu diễn năm xuất, thời lượng mỗi xuất khoảng 20 phút, 3 xuất buổi sáng và 2 xuất buổi chiều. Có thêm 2 xuất được biểu diễn tại khu đền tháp G.
Tham khảo ý kiến du khách, hầu hết cho rằng “Rất thú vị, Mỹ Sơn sẽ kém đi đôi phần hấp dẫn nếu không có múa Chăm”, rất nhiều du khách đã khẳng định như vậy sau khi đến tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn. Kể từ khi đưa vào trình diễn phục vụ du lịch đến nay, dường như múa Chăm đã trở thành “thương hiệu” nổi bật của Mỹ Sơn. Không ít công ty lữ hành khi xây dựng tour đến Mỹ Sơn thì sản phẩm “quảng cáo” đầu tiên cho khách chính là chương trình xem biểu diễn múa hát Chăm. Thực tế, dù múa hát Chăm đã được nhiều nơi tổ chức sau này nhưng tại Mỹ Sơn nó vẫn mang đến cho người xem cảm xúc khó tả. Có lẽ, điểm khác biệt nhất chính là loại hình nghệ thuật này đã được trình diễn trong một không gian thung lũng với các khu đền tháp cùng sự hóa thân của các nghệ sĩ người Chăm và diễn viên địa phương.
Ông Nguyễn Công Khiết– Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn chia sẻ, “việc đưa múa Chăm vào trình diễn thời gian qua tại di sản Mỹ Sơn là bước đi hợp lý nhằm giới thiệu văn nghệ dân gian Chăm với du khách trong và ngoài nước. Tạo nên những sản phẩm du lịch văn hoá, góp phần phát huy và bảo tồn văn hoá của cộng đồng Chăm. Nghệ thuật múa Chăm đã khó thì việc tìm kiếm diễn viên người Chăm cũng như cộng đồng địa phương càng khó gấp bội vì loại hình nghệ thuật này không chỉ yêu cầu năng khiếu, sự nhẫn nại mà còn đòi hỏi ngôn ngữ hình thể và khuôn mặt phù hợp”.
Bà Nguyễn Thị Thu, nguyên cán bộ Trung tâm nguyên cứu văn hoá Chăm Ninh Thuận bày tỏ: “Các phần biểu diễn tại khu đền tháp Mỹ Sơn được chỉ dẫn, dàn dựng và tập luyện bài bản. Văn hoá phi vật thể tạo nên sức hấp dẫn, làm sống lại di sản nên việc biểu diễn cần phát huy. Tuy nhiên, nên phân biệt cái nào là trích đoạn dân gian 100%, còn cái nào là nghệ thuật hoá, là tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ múa Shiva không phải dân gian mà do nghệ sỹ Đặng Hùng dàn dựng có cơ sở, cái này trong nghệ thuật thì rất cần thiết tính sáng tạo”.
Thực tiễn cho thấy, qua 20 năm, hoạt động này đã lan toả ở nhiều di tích Champa như biểu diễn tại tháp Bà Ponagar Nha Trang, Tháp Đôi Bình Định, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Po Sa Inu Bình Thuận… Trình diễn này cũng đã được biểu diễn ở trong các hoạt động văn hoá của cộng đồng địa phương nhiều nơi hay các nước Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức.
Cố nghệ nhân Trượng Tôn biểu diễn kèn Saranai tại Mỹ Sơn
Trải qua 20 năm, trình diễn văn nghệ dân gian tại Mỹ Sơn là bao gồm cả các trích đoạn truyền thống dân gian và sự sáng tạo dựa trên các chất liệu truyền thống của các nghệ sỹ Chăm. Các tiết mục được trình diễn có sự kết hợp của các nghệ nhân, diễn viên người Chăm và địa phương. Thực tế cho thấy, hoạt động này đã góp phần thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, đóng góp cho hoạt động bảo tồn di tích Mỹ Sơn. Văn hoá dân gian Chăm được quảng bá, truyền dạy, góp phần bảo tồn di sản văn hoá, lan toả những nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng Chăm hiện nay.
Nguyễn Văn Thọ