Những ngày cuối năm, lang thang trên những con
đường thân quen, tôi tìm về những làng nghề nổi tiếng một thời của quê hương,
để tìm lại dấu xưa, mà trong ký ức trong tôi và trong mỗi người dân Duy Xuyên
khó phai mờ. Cứ mỗi lần gặp lại cố nhân nơi đất khách quê người, hoài niệm về
cố hương, nỗi nhớ ùa về, hòa trộn vào huyết quản trong men say “ Hồng Đào”.
Dấu xưa, nỗi nhớ nong tằm vàng óng trên đường quê
xanh ngát chè tàu Đông Yên; chiếu An Phước, Bàn Thạch sặc sỡ sắc màu tươi
nguyên rạng ngời dưới nắng sớm, bên dòng sông hiền hòa; tiếng thoi đưa rộn ràng
ở làng Mã Châu…Những hình ảnh, âm thanh của những làng nghề truyền thống trên
mảnh đất Duy Xuyên giờ đây chỉ còn là một thời để nhớ.
Là một làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa nổi
tiếng từ thế kỷ 16 trên đất Quảng Nam, làng nghề Mã Châu có tên là Tứ Mã với
bốn làng Mã Thành, Mã Thượng, Mã Đông và Mã Tây và bến đò Tơ nổi tiếng trên
sông Thu Bồn, cung cấp các loại tơ lụa cho thương nhân nước ngoài ở cảng Trà
Nhiêu (Hội An), khi đô thị cổ còn là thương cảng phồn thịnh của xứ Đàng Trong.
Từ những thế kỷ trước làng Đông Yên - Thi Lai đã nổi tiếng với nghề trồng dâu,
chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa, dệt vải với những mặt hàng phổ biến như lãnh, sa
nhiễu, đũi, the, đệm...từng theo chân các thương thuyền ngoại quốc đi khắp vùng
biển Đông.
Đông
Yên nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, với những mặt hàng
như lãnh, sa nhiễu, đũi, the, đệm... từng theo chân các thương thuyền ngoại
quốc đi khắp vùng biển Đông. Làng Đông Yên còn là nơi xảy ra câu chuyện tình
lãng mạn và đầy chất thi ca của thôn nữ Đoàn Thị Ngọc và Chúa Nguyễn Phúc Lan.
Khi cô thôn nữ hái dâu cất lên tiếng hát trong đêm trăng thanh gió mát cũng là
khi Chúa Nguyễn thấy tim mình rung động, thế là thôn nữ họ Đoàn trở thành Quý
phi. Đoàn Quý phi mang nghề ươm tơ, dệt lụa của làng mình truyền lại cho muôn
dân và sau này được mệnh danh là “Bà Chúa Tàm tang”.
Bây giờ, những làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ
dệt lụa Đông Yên, Thi Lai, Mã Châu nổi tiếng một thời, nay không còn bắt gặp
cảnh những nong tằm phơi dưới nắng mai rực rỡ. Mà chỉ là hình ảnh những nong
tằm dựa lưng vào tường nhà mốc meo hoặc trên gác xếp bụi bặm. Xưa những biền
dâu xanh ngút ngàn, nay những bãi bồi dọc sông Thu Bồn lưa thưa vài gốc dâu cằn
cỗi chìm khuất trong bạt ngàn rau, bắp. Và có chăng làng nghề trồng dâu, nuôi
tằm, ươm tơ dệt lụa vang bóng một thời lặng lẽ lùi vào miền ký ức của người dân
làng nghề.
Dấu xưa, hơn 500 năm qua, khi các vị tiền nhân
Thanh Hoá theo hành trình mở mang bờ cõi phía Nam, đã phát hiện ra vùng đất đai
trù phú An Phước, Bàn Thạch đem về những cây cói trồng cấy, dệt nên những chiếc
chiếu đầu tiên và dệt cả một truyền thống văn hoá nơi đây. Làng chiếu Bàn
Thạch( Duy Vinh), An Phước( Duy Phước) một thời nhộn nhịp, những ruộng đay, lác
xanh ngút ngàn. Chợ Bàn Thạch đông như trẫy hội, trên bến dưới thuyền, chiếu
lác theo thương thuyền đến tận La Vang. Nhiều gia đình làm nên cơ nghiệp từ
nghề dệt chiếu lác.
Bây
giờ, vẫn bắt gặp chiếc chiếu lác thân quen, nhưng mà sao thưa vắng, buồn bã đến
lạ thường. Tiếng lách cách dệt chiếu nghe sao mà uể oải, những gương mặt gìa
nua, những gương mặt trẻ em lặng lẽ dệt chiếu để đỡ nhớ nghề và kiếm vài ba
đồng tiền công èo uột. Các bà, các chị gồng mình trên chiếc xe đạp đi khắp các
nơi, rao khản giọng, bán kiếm vài đồng tiền công chạy chợ.
Nhiều
lần, các cấp ủy, chính quyền quyết tâm khôi phục làng nghề ươm tơ, dệt lụa; dệt
chiếu lác. Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định công nhận làng nghề truyền thống cho An Phước( Duy Phước).
Đây là niềm vui rất lớn đối với người dân và mở ra nhiều hướng đi mới trong
việc phát triển làng nghề. Bức tranh
triển vọng làng nghề được phát họa với những gam màu tươi sáng. Nghề dệt chiếu
sẽ hồi sinh và mở ra con đường làm ăn mới, đó là làng nghề truyền thống gắn kết với các điểm du lịch trong tỉnh. Lễ hội làng nghề dệt chiếu An Phước diễn ra sôi
động bên bờ sông Thu Bồn vài ba ngày rồi đi vào quên lãng.
Mã
Châu, Đông Yên là hai trong 18
làng nghề được tỉnh Quảng Nam đầu tư khôi phục từ năm 2007 và xây dựng thành
điểm du lịch làng nghề trong lễ hội
“Hành trình di sản” hàng năm. Năm 2006, UBND tỉnh đã đầu tư 1,2 tỷ
đồng để khôi phục làng nghề Đông Yên. Còn lãnh đạo huyện Duy Xuyên nhận thấy
làng nghề truyền thống Đông Yên nằm trên con đường di sản Hội An và Mỹ Sơn, có
những thuận lợi về khai thác du lịch, đã quyết định khôi phục và phát triển
làng nghề tơ tằm Đông Yên. Xây dựng làng nghề Đông Yên thành điểm dừng chân của
du khách trên hành trình về miền tháp cổ Mỹ Sơn.
Nhưng mà, những nỗ lực của các nhà lãnh đạo
cũng không thể khôi phục lại các làng nghề ươm tơ, dệt vải; dệt chiếu…..Bởi vì,
sản phẩm tơ tằm của các làng nghề này không đủ sức cạnh tranh trên thương
trường về giá, về chất lượng, mẫu mã; chưa có tác nhân kết nối, giới thiệu sản
phẩm của làng nghề ra thị trường trong nước và trên thế giới. Và cũng chưa có
công ty lữ hành du lịch nào mặn mà kếtnối tour đưa du khách đến với làng nghề.
Sản phẩm độc đáo của làng nghề truyền thống để du khách rút hầu bao mua làm lưu
niệm vẫn chưa định hình. Cuối cùng vẫn là lợi ích kinh tế của người dân làng
nghề, khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, dệt chiếu lác không
chỉ để trình diễn cho du khách xem trong mấy ngày lễ hội,mà người dân làng nghề
làm việc đó được lợi gì.
Tìm lại dấu xưa làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm
tơ dệt lụa Mã Châu, Đông Yên; dệt chiếu lác Bàn Thạch, An Phước….để thổn thức,
trăn trở, tìm phương thuốc hữu hiệu hồi sinh làng nghề. Và tôi lại hy vọng
nhành xuân năm sau trên quê hương Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều thêm những gam màu
tươi sáng hơn.
==== Tháng 11-Quý Tỵ
H.T