Vùng
đất Duy Xuyên nằm dọc dài theo dòng sông Thu Bồn chảy từ tây sang đông, từng là
vùng đất phên dậu của đất nước trên con đường Nam tiến, qua từng thời kỳ đã sản
sinh ra những người con ưu tú làm rạng rỡ quê hương, và An Dưỡng là một làng
nhỏ, nằm bên bờ sông Thu Bồn, nay là thôn Mậu Hòa thuộc xã Duy Trung, huyện Duy
Xuyên.
Ở vùng đất bán sơn địa nầy, bao đời nay người dân sống bằng nghề nông,
nhưng chính nơi cằn khô, đầy nắng gió này đã sinh ra một con người mà cuộc đời
và sự nghiệp của ông đã góp phần xây đắp và tô thắm thêm truyền thống hiếu học
của quê hương. Đó là tiến sỹ Hồ Trung Lượng.
Hồ
Trung Lượng thuộc dòng dõi Hồ Quý Ly, khi hai vua nhà Hồ - Hồ Quý Ly và Hồ Hán
Thương - bị giặc Minh bắt tại cửa biển Kỳ La, Kỳ Anh Hà Tĩnh, chỉ còn người
cháu nội con trai của Hồ Hán Thương - được tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn đem vào vùng
Chiêm Động (Quảng Nam) che chở, đùm bọc, là Hồ Quý Công. Để tồn tại, Hồ Quý
Công phải đổi họ tên, mãi sau này con cháu ông mới truy tìm được tung tích .
Hồ Trung Lượng là con thứ trong một gia đình đông anh em, thân phụ ông là
Hồ Trung Điển, một nho sỹ và là một nhà giáo, thân mẫu là bà Nguyễn Tâm Cơ, nhà
nghèo lại ít ruộng đất nên cha mẹ ông phải làm việc vất vả để nuôi con ăn học,
không phụ lòng cha mẹ, vốn có tư chất thông minh, chăm chỉ và hiếu học, lại
được cha tận tâm dạy dỗ, ông đã nhanh chóng chiếm lĩnh khối lượng lớn tri thức
đương thời. Trưởng thành từ trường giáo Duy Xuyên, trường Đốc Quảng Nam. Năm
1891, ông đỗ Cử nhân tại Trường Thừa Thiên, năm sau 1892, ông đỗ Tam giáp đồng
tiến sỹ xuất thân, khoa Nhâm Thìn dưới triều Thành Thái, lúc tròn 32 tuổi được
triều đình phong tước “ Tứ Thiện Đại Phu”,
cùng khoa với ông có Tam nguyên Vũ Phạm Hàm. Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Hiền,
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh.
Trong suốt 24 năm trên đường hoạn lộ,
ông lần lượt nắm giữ các chức vụ: Thừa Biện Bộ lễ, tri phủ Tư Nghĩa - Quảng
Ngãi, đốc học Quảng Nam thăng Hồng lô tự thiếu khanh (hàm Chánh tứ phẩm), rồi
giữ chức Đốc học Bình Định, sau chuyển về triều đình Huế thăng chức Thị lang bộ
Lễ (hàm chánh tam phẩm). Tại nhiều khoa thi do triều đình tổ chức, ông được cử
làm chánh phó chủ khảo kỳ thi Hương tại các trường thi Nghệ An, Thanh Hóa.
Năm 1916, sau cuộc khởi nghĩa của vua
Duy Tân thất bại, thấy việc triều chính ngày càng mục nát, ông cáo quan về hưu với chức Tham tri hàm
(tòng nhị phẩm), được ít lâu, triều đình truy phong chức Thượng thư (chánh nhị
phẩm).
Những năm tháng ấy, dựa vào tài học uyên
thâm, đức độ sáng ngời của một nhà nho,
ông hoạt động tích cực trên lĩnh vực văn hóa giáo dục, nhiều năm làm đốc học,
tham gia làm chánh phó chủ khảo nhiều kỳ thi, góp phần đào tạo, rèn đúc hiền
tài cho đất nước, khơi dậy lòng hiếu học
của mọi người.
Cuộc đời làm quan thanh liêm của ông có
một sự kiện đặc biệt mà giới sỹ phu đương thời rất kính phục. Đó là vào năm
1905, tại trường thi Bình Định mở khóa
khảo hạch chuẩn bị cho kỳ thi Hương vào năm sau, do ông làm chủ khảo, bấy giờ
có ba chí sĩ yêu nước ở Quảng Nam là: Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, trên đường
vào Nam để tìm hiểu tình hình phục vụ mục đích cứu nước. Lúc qua Bình Định có
khoa thi này ba ông nhân cơ hội trên muốn tuyên truyền trong hàng ngũ sỹ tử để
thức tỉnh họ về nhiệm vụ với nước nhà. Ba ông nộp đơn ứng thi dưới tên giả là :
“Đào Mộng Giác” - Họ Đào là họ lớn ở Bình Định nổi tiếng chốn khoa trường, nên
ba chí sỹ yêu nước Quảng Nam lấy họ Đào để ghi vào bài thi nhằm tránh sự truy
cứu của hội đồng thi và quan lại sau này. Tại trường thi, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài “Lương
ngọc danh sơn phú”, Phan Châu Trinh làm bài “Chí thành thông thánh”, nội dung
không liên quan đến đầu đề, tác giả chỉ nói chuyện yêu nước, tự hào về quá khứ
và khả năng của dân tộc, bài xích việc học, việc thi hủ lậu lúc bấy giờ, kêu
gọi quan lại treo mũ từ quan, thư sinh vứt bút đứng lên cứu nước: "Thượng tự quan lại, hạ cập chư sinh.
Đầu bút nhi khởi, quải quan nhi hành" (Trên từ quan lại, dưới đến các anh.
Vứt bút mà đứng lên, treo mũ mà hành động)
Lúc
chấm bài hội đồng thi kinh ngạc tâu về triều đình, bài thơ bài phú lọt ra ngoài
được lưu truyền rộng rãi, gây dư luận sôi nổi và ảnh hưởng lớn trong giới nho
sỹ.
Bấy giờ trong hội đồng thi, chủ khảo Hồ Trung Lượng biết rõ tác giả của hai
bài thi này, nhưng ông đã tìm cách lờ đi không điều tra truy cứu. Qua việc này,
ba chí sỹ ở Quảng Nam, rất kính phục nhân cách và đạo đức của ông, vì đã thấy
được sự che chở và giúp đỡ của ông mà không hề sợ liên lụy.
Ông là người can trường, có nghĩa khí lớn, không chịu luồn cúi trước triều
đình ươn hèn và ngoại bang xâm lược, hưởng ứng phong trào yêu nước của Phan Châu
Trinh, Trần Quý Cáp, nên đến năm 56 tuổi ông xin từ quan về sống ẩn dật tại
làng quê An Dưỡng (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên ngày nay) mở trường dạy học,
bồi dưỡng tinh thần yêu nước và lập nên những phong trào thơ ca, văn nghệ để
khơi dậy lòng yêu nước của người dân, ông tạ thế năm 1942 tại quê nhà hưởng thọ
83 tuổi.
Cuộc đời của ông, một người có học vị
uyên bác, một vị quan nhị phẩm triều đình trên đường hoạn lộ đã đem hết trí tài
giúp nước, giúp dân, đem tài học mà rèn cặp cho lớp trẻ, khi lui về trí sỹ, ông
sống thân ái với mọi người, tiếp tục đem tài học góp phần xây dựng quê hương.
Trong quan hệ với mọi người, ông biểu dương khen ngợi những người tốt chia xẻ
vui buồn cùng nhân dân.
Theo gia phả Hồ Trung tộc thì sự
nghiệp văn học của ông rất lớn, ông sáng tác nhiều thơ, phú, đối, liễn nay đã
thất truyền, chỉ còn lưu lại rất ít.
Khi ông Trịnh Thống ở Nam Phước đổ tú tài toàn phần Đông Pháp, ông có đôi
liễn khen ngợi.
Tây
thiên tú khí kim y tích
Đông Pháp tài danh bán
phục toàn
Dịch nghĩa;
Làng Phụng Tây khí tốt
tích tụ từ xưa cũng như nay, có người giỏi đậu tú tài Đông Pháp bán phần rồi
toàn phần.
Hoặc Thầy Vàng ở Nam Phước chuyên chữa vết thương gãy xương rất hiệu nghiệm
ông khen:
Xã hội khai nhau tự gia
bí túc, Hoa Đà thảo mộc lữ tình tư thiên thuận
Lan giao canh trợ tí
thích ngã vãng, đàm Lãng giang sơn vô dạng tịch ma thành.
Trịnh Chơn Đỗ Xuân Nghinh
dịch:
“Xã hội vì dung mạo có
thể thay đổi được, riêng nhà ông có đủ bí truyền của hoa đà thần y, chỉ dùng
cây cỏ làm thuốc để chữa trị bệnh ngoại thương rất thần diệu, được nhiều người
mến mộ.
Bệnh nhân gặp cơn đau
ốm, ông luôn hết lòng tận tụy giúp đỡ, cùng ta bàn luận tham khảo y học Lãng
Ông, sông núi không cùng, nhờ sự say mê, tận tụy, học hỏi, dồi mài mà nên vậy”
Khi một người bạn đồng liêu có con chết, ông chia buồn:
Khải ưng hoàn tạo hóa,
hoàn triều đình, tứ phiệt thượng lưu dư, vọng xá cô tâm thiên vạn lý.
Dương diệt tố trung
thần, tố hiếu tử phụ dư tài ức hậu, ủy lão lụy nguyệt tam thu.
Trịnh Chơn Đỗ Xuân Nghinh dịch:
“Những
ưng rảnh tạo hóa, rảnh việc triều đình dòng tướng trước để dư, trong chốn trẻ
buồn ngàn vạn dặm
Cũng muốn tỏ tôi trung,
tỏ tình con thảo, gởi thơ tài gắng hậu, nương lều già khóc suốt ba thu”
Cuộc đời hơn tám mươi năm của tiến sỹ Hồ Trung Lượng là
cuộc đời của một nhà nho mẫu mực, một người xuất thân nghèo khó, trưởng thành
từ dân dã, lúc còn trẻ thì đem hết tài năng tâm huyết và đạo đức để cống hiến
cho đời, không màng công danh phú quí, gặp khi triều đình ươn hèn bất lực, ông
từ quan để giữ tròn khí tiết, lúc về hưu thì sống thanh bần lạc đạo. Không có
phẩm hạnh của một bậc chính nhân quân tử “tiết trực, tâm hư” thì không thể được
như vậy .
Nguyễn Thị Tuyết