Điều
vinh dự và tự hào đối với Đảng bộ và nhân dân toàn huyện khi có được vị tiền bối
cách mạng là đồng chí Lê Quang Sung - một học trò giỏi của quê hương Duy Xuyên
lại may mắn tiếp cận được với tư tưởng yêu nước, thương dân của các bậc chí sĩ
yêu nước như Phan Bội Châu, Tôn Thất Trí (Chủ
nhiệm tờ báo Tân Thế kỷ lúc bấy giờ) và hàng loạt các loại sách
báo tiến bộ: “Việt Nam hồn”, “Người cùng khổ”, ... trong những năm
theo học tại trường Quốc học Huế. Chính vì vậy, đồng chí sớm trưởng thành và gánh
vác những trọng trách to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc
trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí Lê Quang Sung tên thật là Lê
Đắc Thiềm, sinh ngày 15/5/1908 tại làng Gia Hoà, thuộc tổng Quảng Hòa, phủ Duy
Xuyên, nay là thôn Gia Hòa, xã Duy Hoà, huyện Duy Xuyên. Cha là Lê Đắc Tương, mẹ
là Huỳnh Thị Du; gia đình có 8 người con, đồng chí Lê Quang Sung là con út. Năm
1924, đồng chí đã thi vào trường Quốc học Huế và tham gia tích cực trong phong
trào hoạt động tại Hội quán Quảng Nam (nơi
sinh hoạt và ăn, ở của học sinh Quảng Nam gần cầu Bạch Hổ). Năm 1927, đồng
chí tham gia phong trào bãi khóa của học sinh thì bị đuổi học. Quá trình tham
gia hoạt động cách mạng của đồng chí bắt đầu từ khi gặp được đồng chí Đỗ Quang -
hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được kết nạp vào tổ chức Hội.
Nhờ sự kèm cặp, giúp đỡ của đồng chí Đỗ Quang nên đồng chí sớm lĩnh hội được phương
pháp cách mạng trong tập sách “Đường Kách
Mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đối với Đảng bộ huyện Duy Xuyên, đồng
chí là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho việc thành lập chi bộ Đảng
đầu tiên Tân Mỹ Đông vào đêm 30/4/1930 và sau này là Đảng bộ phủ Duy Xuyên (tháng
7/1930). Trong khoảng thời gian từ tháng 6/1927 đến cuối năm 1928, đồng chí Lê
Quang Sung đã tích cực xây dựng các nhóm đọc sách báo và phát triển phong trào đọc
sách báo tiến bộ trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, một mặt nâng cao dân trí, một
mặt tạo cơ sở tiền đề cho việc tiếp thu các chủ trương, đường lối cách mạng ở
Duy Xuyên sau này. Cũng chính đồng chí đã tích cực vận động những anh em trong
nhóm học sinh tại Huế để xây dựng tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại
huyện, nhưng công việc chưa hoàn thành thì đồng chí được cấp trên điều động
sang dự học huấn luyện chính trị ở Thái Lan. Sau đó phải vào Sài Gòn vì bọn địch
đang bủa vây để bắt đồng chí.
Những năm tháng sống cơ cực giữa thành
phố Sài Gòn, đồng chí phải làm nghề kéo xe tay để vừa lấy tiền sinh sống, vừa tìm
cách liên lạc với tổ chức để hoạt động. Khi Kỳ bộ Thanh niên triển khai thực hiện
cuộc vận động “vô sản hoá”, đồng chí
mới xin vào làm thuê cho hãng FACI - một hãng sửa chữa tàu biển được thành lập
từ năm 1920 để có điều kiện hoạt động cách mạng. Tháng 8/1929, đồng chí là một trong
những người đầu tiên tham gia vào An Nam Cộng sản - một trong ba tổ chức tiền
thân của Đảng cộng sản Việt Nam sau này. Tháng 4/1930, đồng chí được cử vào Ban
Chấp hành Tổng Công hội đỏ Nam Kỳ, giữ chức vụ Thư kí Tổng Công hội và sau đó là
Xứ ủy viên Nam Kỳ. Khi đồng chí Châu Văn Liêm - phụ trách liên tỉnh ủy Chợ Lớn
- Gia Định bị địch bắn chết, cấp trên đã cử đồng chí với tư cách là Xứ ủy viên
về khôi phục phong trào ở tỉnh Chợ Lớn. Đồng chí lấy bí danh là Lê Hoàng và
tham gia dạy học để bí mật hoạt động (nhiều
bà con địa phương còn gọi là Thầy Hoàng Huế). Nhờ vào sự thông minh, chịu
khó và nhanh nhẹn, đồng chí đã nhanh chóng củng cố và phát triển mạnh mẽ phong
trào cách mạng ở Chợ Lớn. Với khả năng đặc biệt về diễn thuyết, đồng chí đã
truyền bá được chủ trương, đường lối của Xứ ủy đến với cán bộ, đảng viên và nhân
dân trong tỉnh được nhiều người quí trọng và nể phục. Nhiều cuộc diễn thuyết
trước quần chúng bị địch vây bắt nhưng đồng chí đều thoát được nhờ sự che chở,
đùm bọc của đồng bào. Tháng 11 năm 1930, đồng chí Lê Quang Sung được chỉ định làm
Bí thư tỉnh ủy Chợ Lớn. Sau đó do có sự phản bội của một cán bộ cơ quan Tỉnh ủy,
đồng chí đã bị địch phục kích bắt trên đường từ Sài Gòn về Đức Hòa. Chúng tiến
hành dụ dỗ, mua chuột rồi tra khảo, đánh đập dã man ở bót Catinat nhưng không
moi được điều gì nên chúng đem đồng chí
tống giam vào nhà tù Khám Lớn chờ ngày xét xử.
Ở nhà tù Khám Lớn, đồng chí Lê Quang
Sung luôn luôn bình thản, giữ vững khí tiết của người Cộng sản trước những đòn
tra khảo của quân thù. Đồng chí đã cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí
Diễu, Huỳnh Quản, Nguyễn Thị Nhỏ, Phạm Văn Khương (Lê Văn Lương)... tổ chức đấu
tranh chống mọi sự đàn áp của bọn cai ngục. Sau hơn 2 năm giam cầm, chúng mở
toà đại hình xét xử 120 chiến sĩ cộng sản bị chúng bắt giam. Đây là vụ án làm
chấn động dư luận Đông Dương và nước Pháp. Tại phiên toà, đồng chí Lê Quang
Sung và các đảng viên cộng sản liên tiếp đứng lên vạch trần bản chất cướp nước
và bán nước của bọn thực dân phong kiến. Khi phiên tòa kết thúc (lúc 4 giờ 30 ngày 09/5/1933), chúng kết
đồng chí Lê Quang Sung là người đầu tiên cùng 7 đồng chí khác vào án tử hình.
Ngoài ra, có 19 án tù biệt xứ chung thân và nhiều mức án khác.
Mặc biết rằng cái chết đã cận kề, đồng
chí Lê Quang Sung vẫn cùng các anh em hô vang khẩu hiệu chống bọn quan tòa, chống
chế độ tàn bạo của thực dân Pháp và ca ngợi Đảng quang vinh. Bọn chúng đem đồng
chí và những người bị án tử hình nhốt riêng vào khu xà lim án chém. Đồng chí Lê
Văn Lương - người cùng bị giam chung với Lê Quang Sung kể lại rằng: Chúng tôi
chuẩn bị sẵn sàng mọi việc cho ngày lên máy chém, anh em cùng chọn sẵn các câu khẩu
hiệu: “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Quốc tế cộng sản muôn năm!”, học hát Quốc tế ca, đi ngủ sớm, dậy sớm để rửa
mặt, chải đầu và sửa soạn áo quần chỉnh tề ngồi đợi. Địch đem cố đạo, gác diên
sếp, chưởng lý rồi cả luật sư vào thuyết nhưng không khuất phục nổi một ai. Sau
này qua báo chí và những bài viết của nghị sĩ Cộng hoà Pháp ở Nghị viện do luật
sư Kăng-xen-lơ-ri (luật sư tiến bộ người
Pháp do Quốc tế Công Hội đỏ gọi đến tranh tụng) cho xem, chúng tôi mới biết
trong suốt bảy, tám tháng nằm ở xà lim án chém, Đảng cộng sản Pháp và lực lượng
công nhân, nông dân Pháp đã biểu tình, đấu tranh đòi ân xá cho tù chính trị ở
Đông Dương, buộc chính phủ Pháp phải ra lệnh huỷ bỏ 8 án tử hình, giảm xuống còn
án khổ sai chung thân.
Tháng 01/1934, chúng đày đồng chí Lê
Quang Sung và một số đồng chí khác ra Côn Đảo và tống vào khu biệt giam những
người nguy hiểm cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diễu. Ở đây, các đồng
chí nếm đủ mùi hành hạ của địa ngục trần gian: cơm ăn là gạo mục, cá thối; đầu
bị cạo trọc để phơi dưới nắng nóng, chân đeo xiềng xích nặng nhọc nhưng phải
lao động khổ sai hằng ngày dưới làn roi vọt của bọn gác diên, chưa kể những tên
trộm cướp khét tiến được chúng cho sống chung với tù chính trị. Tuy cay đắng trăm
bề nhưng đồng chí Lê Quang Sung cũng tích cực tham gia cùng các đồng chí vào việc
thành lập chi bộ do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư để lãnh đạo anh em đấu tranh,
chống lại chế độ nhà tù độc ác do tên Cơ-rê-ma-di làm chúa đảo. Mùa hè năm 1934,
Hội tù nhân thống nhất với hơn 300 hội viên ra đời. Nhờ có chi hội này, nhiều
tù thường phạm giác ngộ và sau trở thành đảng viên cộng sản tích cực. Các đồng
chí Ngô Gia Tự, Lê Quang Sung, Phạm Hùng, Nguyễn Công Khương (tức Lê Văn
Lương), Nguyễn Chí Diễu, Trần Quang Tặng, ... là những cán cán bộ lãnh đạo xuất
sắc của Đảng tại nhà tù Côn Đảo.
Đến cuối năm 1934, Chi bộ quyết định cử
các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Quang Sung, Tô Chấn (anh ruột Tô Hiệu), Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Văn Cưng, Trần Văn Các,
Nguyễn Văn Ó vượt biển trở về đất liền để khôi phục lại phong trào cách mạng ở
Nam Bộ. Chuyến đi được chuẩn bị hết sức công phu với phương tiện là thuyền đóng
bằng gỗ bún chắc chắn. Đồng chí Tôn Đức Thắng bây giờ vừa là tù nhân, vừa là
người thợ máy giỏi nhất trên đảo được chi uỷ phân công gỡ máy trên chiếc ca nô
để trì hoãn địch đuổi theo truy bắt. Vào một đêm nhiều sao của tháng giêng năm
1935, con thuyền được hạ thủy để về đất liền nhưng không may gặp thời tiết bất
thuận ở những ngày sau đó, các đồng chí cán bộ xuất sắc của Đảng đã vĩnh viễn nằm
lại giữa lòng biển xanh không một tin tức.
Đồng chí Lê Quang Sung đã ra đi vào
lúc tròn 27 tuổi. Quá trình tham gia hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng đầy
rẫy chông gai của Đảng ở thời điểm mới ra đời. Điều đáng trân trọng hơn là đồng
chí đã chối từ cuộc sống khá sung túc, khá giả về kinh tế của gia đình để nhanh
chóng hoà mình vào cuộc đấu tranh sôi nổi của quần chúng lao động, thực hiện mục
tiêu cao cả của sự nghiệp cách mạng là đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng
giai cấp và giải phóng con người. Hơn thế nữa là vai trò tiên phong, gương mẫu
của một người đảng viên, cán bộ lãnh đạo Đảng. Đồng chí đã cống hiến đời mình
cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với phong trào
cách mạng ở quê hương Duy Xuyên, Quảng Nam - nơi sinh ra, lớn lên và Sài Gòn, Gia
Định, Chợ Lớn - nơi công tác và chiến đấu. Điều vinh dự của đồng chí là được hoạt
động và chiến đấu bên cạnh nhiều người con ưu tú của Đảng nên sớm trưởng thành,
gánh vác trọng trách lớn là Bí thư tỉnh ủy Chợ lớn khi tròn 22 tuổi.
Với những đóng góp to lớn của mình, đồng
chí đã được Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ghi tên vào Đền liệt sĩ Bến
Dược; được đặt tên cho một con đường tại trung tâm quận 6. Tại Quảng Nam đã có
một con đường mang tên đồng chí ở Tam Kỳ. Riêng với quê hương Duy Xuyên, tên đồng
chí được gắn với ngôi trường cấp 2 của xã Duy Hòa. Huyện ủy Duy Xuyên, Đảng bộ
xã Duy Hòa đã cùng với gia đình và các cơ quan, đơn vị đã xây dựng nhà tưởng niệm
đồng chí tại thôn Gia Hòa. Đặc biệt trong năm 2014, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo
việc biên soạn và phát hành tập sách về thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động
cách mạng của đồng chí Lê Quang Sung để tôn vinh, giáo dục truyền thống. Năm
tháng sẽ đi qua nhưng tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của đồng chí sẽ còn sống
mãi và là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân quê hương Duy Xuyên.
Nguyễn Văn Sĩ - Ban Tuyên giáo huyện ủy