BẢO TÀNG SA HUỲNH- CHĂMPA- MỘT ĐIỂM
THAM QUAN MỚI LẠ
Duy Xuyên là mảnh đất có lịch sử
lâu đời. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho biết, cách đây khoảng 2500 năm,
những lớp cư dân đầu tiên đã có mặt ở đây và là một bộ phận của cư dân văn hóa
Sa Huỳnh. Sau những cư dân Tiền sử, Sơ sử này, Duy Xuyên nằm trong địa bàn sinh
tụ và phát triển của cư dân văn hóa Chămpa ( Thế kỷ II-XV).
Nhân kỷ niệm 10 năm Di sản văn hoá
thế giới Mỹ Sơn, ngày 2/12/2009, UBND huyện đã tổ chức lễ khai trương Bảo tàng
văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa, mở cửa đón khách đến tham quan. Tại đây trưng bày
hơn 200 hiện vật của nền văn hoá Sa Huỳnh- Chămpa có niện đại từ 2000 năm đến
2500 năm.
Tên đất Duy Xuyên ra đời năm Giáp Thìn ( 1604) thời
Nguyễn Hoàng. Trải qua hằng mấy trăm năm thành lập, với nhiều lần điều chỉnh
địa giới hành chính, đến nay Duy Xuyên bao gồm 13 xã và 1 thị trấn.
Cùng với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và
văn hóa Chăm pa có vị trí trọng yếu trong tiến trình lịch sử dân tộc, các di
tích văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa ở Duy Xuyên là một bộ phận quan trọng của di sản
văn hóa Duy Xuyên.
Ở Việt Nam và Đông Nam Á, văn hóa Sa Huỳnh
được biết đến khá sớm . Gần một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu đã trôi qua, đặc
biệt từ sau năm 1975, với nhiều phát hiện mới đa dạng và phong phú, tri thức về
văn hóa Sa Huỳnh đã được mở rộng. Sau hàng loạt các cuộc điều tra, thăm dò, khai quật
mới được triển khai trên nhiều địa bàn khác nhau ở Duy Xuyên, đã đưa ra ánh
sáng một khối lượng tư liệu và hiện vật phong phú. Trên cơ sở đó, nhận thức về
văn hóa Sa Huỳnh ở Duy Xuyên được nâng lên một bước mới toàn diện và sâu sắc.
Nhờ có những phát hiện mới này, chúng ta biết được các nhóm cư dân Sa Huỳnh
không chỉ phân bố dọc duyên hải miền Trung mà còn phân bố ở các vùng trung du
và vùng núi Quảng Nam...Chính địa vực phân bố khác nhau trên đã tạo ra trong
văn hóa Sa Huỳnh sự đa sắc văn hóa trong khối nền chung. Sắc thái văn hóa núi
đã dần hiện lên những nét độc đáo của văn hóa sa Huỳnh bên các sắc thái biển
truyền thống. Sưu tập văn hóa Sa huỳnh phát hiện tại Duy Xuyên-Quảng Nam
góp phần làm phong phú nhận định trên.
Trong các nền văn hóa khảo cổ học nước ta, văn hóa
Chămpa chiếm vị trí quan trọng. Từ những phát hiện đầu tiên của C. Paris về các
kiến trúc đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn và các vùng phụ cận ( năm
1898) đến cuộc khai quật khảo cổ học di tích thành Trà Kiệu năm 1927-1928 của
Y. Clays đến nay đã hơn một thế kỷ. Trong thời gian đó, rất nhiều yếu tố khách
quan và chủ quan đã tác động không tốt tới các di tích Chămpa ở đây. Kinh đô
Trà Kiệu huy hoàng xưa giờ đây chỉ còn lại những chân móng tường thành sụp đổ,
bị chôn vùi trong đất đá. Hình bóng của nó chỉ còn đọng lại trong một vài trang
sách hay qua các sưu tập điêu khắc đá nổi tiếng đang được lưu giữ tại các Bảo
tàng .
Sau năm 1975 đất nước thống nhất, kế thừa thành tựu
nghiên cứu của các thế hệ đi trước, giới Khảo cổ học, lịch sử nước ta đã tiến
một bước dài trong công việc nghiên cứu về khảo cổ học Chămpa. Việc nghiên cứu
toàn diện về văn hóa Chămpa được triển khai đồng bộ và thu
được nhiều kết quả to lớn. Nhiều di chỉ cư trú được phát hiện, nghiên cứu về hệ
thống thành cổ, thương cảng, kỹ thuật chế tác gốm và hệ thống thủy lợi
Chămpa... được tiến hành. Duy Xuyên là một trong những địa phương đi đầu trong
cả nước ở lĩnh vực này.Với sự cộng tác nhiệt tình của trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam...nhiều di tích
văn hóa Chămpa của Duy Xuyên đã được khai quật và nghiên cứu tổng thể, di tích
khảo cổ học Kinh đô Trà Kiệu là một ví dụ. Khu di tích này gồm nhiều loại hình
di chỉ cư trú, thành cổ. Năm 1927-1928, J.Claeys đã tiến hành khai quật ở đây
và theo ông đây chính là thành phố Simhapura ( thành phố sư tử) kinh đô cổ của
vương quốc Champa. Sau năm 1975, chúng ta đã phát hiện được một hệ thống các di
tích quan trọng xung quanh khu vực này như: Gò Cấm (Duy Trung), Triền Tranh, Gò
Chùa Vua (Duy Trinh),...Đây là các di chỉ cư trú và các phế tích kiến trúc
Champa rất quan trọng đang còn tiếp tục được nghiên cứu trong thời gian tới.
Khu di tích Mỹ Sơn-Di sản văn hóa thế giới, nằm cách
Trà Kiệu 28km về phía Tây.Mỹ Sơn nối liền với kinh đô Trà Kiệu bằng một dãy núi
thấp, toàn bộ khu di tích này nằm gọn trong một thung lũng, bán kính khoảng
2km.
Đây là trung tâm kiến trúc tôn giáo phong phú và
đa dạng nhất của Champa, được xây dựng và trùng tu liên tục trong suốt 9 thế kỷ
từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIII.
Tài liệu khảo cổ học, lịch sử chưa thể khẳng định chắc
chắn mối quan hệ Sa Huỳnh-Chămpa, nhưng các sưu tập hiện vật Sa Huỳnh, Chămpa ở
Duy Xuyên là nguồn tư liệu quí.
Sưu tập hiện vật văn hóa Sa Huỳnh và Chămpa –Duy
Xuyên là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa Duy Xuyên, là nền tảng,
chiều sâu của các giá trị văn hóa, truyền thống địa phương.
Theo thời gian, dưới tác động của thiên nhiên và con
người, những di tích và sưu tập hiện vật vô giá có nguy cơ xuống cấp và mai một
dần.
Để có thể bảo tồn, lưu giữ tốt, từng bước tôn
tạo và hệ thống hóa công tác nghiên cứu, sưu tầm những sưu tập hiện vật, tài
liệu lịch sử, hình ảnh liên quan đến di tích. Mặt khác cần đưa những sưu tập
hiện vật ra trưng bày để phát huy tác dụng, nhằm tôn vinh, quảng bá rộng rãi
phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, tham quan du lịch của đông đảo quần chúng
nhân dân-Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi quần thể di tích đền tháp Mỹ Sơn
đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới và di sản văn hóa đã trở thành đối
tượng điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa nước ta cũng như nhiều quốc gia trên
thế giới.
Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của lãnh
đạo địa phương Phòng Văn hóa và Thông tin Duy Xuyên đã nỗ lực vượt bậc trong
công tác nghiên cứu, sưu tầm, tham gia các cuộc khai quật Khảo cổ học, bước đầu
lập danh mục bảo quản, và trưng bày các sưu tập trên tại Hà Nội, thành phố
Hồ Chí Minh cũng như tại địa phương Năm 2002, lần đầu tiên phối hợp với Bảo
tàng Lịch Sử Việt Nam, di sản văn hóa Duy Xuyên đã ra mắt công chúng trong và
ngoài nước tại thủ đô Hà Nội. Trưng bày chuyên đề : “ Di sản văn hóa Duy Xuyên”
tại Hà Nội đã đạt được kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, một phòng trưng bày nhỏ hẹp
về diện tích và thiếu các trang thiết bị cần thiết là chưa tương xứng với tầm
vóc và giá trị to lớn của di sản.
Nhằm góp phần giữ gìn lâu dài di sản văn hóa Sa
Huỳnh-Chămpa và đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, thưởng ngoạn của du
khách, các nhà khoa học và nhân dân địa phương, từ năm 2003 được sự quan tâm
đầu tư của Trung ương và tỉnh Quảng Nam, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa huyện Duy
Xuyên được tiến hành xây dựng ở một vị trí thích hợp, với thiết kế mô
phỏng theo kiến trúc Chămpa cổ.
Bảo tàng nằm ở thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn gần trung
tâm kinh đô Trà Kiệu xưa, trên trục đường Hội An đi Mỹ Sơn, rất thuận tiện cho
khách tham quan. Nhà Bảo tàng được đầu tư đồng bộ, thiết kế và xây dựng đúng
công năng, kiểu dáng mang đậm nét phong cách kiến trúc Chămpa vừa dân tộc vừa
hiện đại. Đây là nơi lưu giữ và
trưng bày các hiện vật, sưu tập hiện vật vô giá của văn hóa Sa Huỳnh và Chămpa
Duy Xuyên, nhằm tạo điều kiện để nhân dân địa phương, khách tham quan du lịch
trong và ngoài nước hiểu biết thêm về các giá trị văn hóa truyền thống của địa
phương, qua đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ di sản văn hóa của
cha ông để lại, góp phần bảo vệ di tích .
Tại Bảo tàng Sa Huỳnh – Chămpa đang trưng
bày bộ sưu tập mộ chum với nhiều kiểu
như: Chum hình trái đào, Chum hình trái xoan, Chum hình Cầu, Mộ chum kép(trong
quan ngoài quách).Nồi các loại, bình, cốc chân cao,bát ,đĩa, mâm bồng.Bộ sưu
tập đồ đồng : Rìu, lao, giáo... Đồ trang sức như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai hình vành
khăn, chuỗi hạt bằng mã não... Sưu tập hiện vật văn hóa Chămpa Trà Kiệu và các
vùng phụ cận gồm các hiện vật gốm gia dụng, gốm trang trí kiến trúc.
Bảo
Tàng chính thức khai trương đón khách tham quan vào ngày 2 tháng 12 năm 2009
nhân kỷ niệm 10 năm khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế
giới.
Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh-Chămpa Duy Xuyên là
một điểm nhấn trên tuyến du lịch Hội An-Mỹ Sơn. Mỗi khi dừng chân tại đây, du
khách sẽ có dịp được tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về những giá trị đặc sắc
của văn hóa Sa Huỳnh-Chămpa trước khi đến với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.