Ngày
20/3, tin từ UBND TP Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng vừa
chính thức có ý kiến đồng ý cho Bảo tàng Nghệ thuật
Metropolitan (Hoa Kỳ) mượn 5 hiện vật của Bảo tàng Điêu khắc
Chăm – Đà Nẵng để trưng bày cho người dân và du khách thưởng lãm tại
Mỹ từ tháng 3/2014 đến tháng 7/2014.
Trước đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL)
đã có Công văn số 4234/BVHTTDL-DSVH (ngày 27/11/2012) về việc Bảo tàng
Nghệ thuật Metropolitan (Hoa Kỳ) mượn 5 hiện vật bảo tàng Chăm Đà Nẵng
gồm: Phù điêu Nam thần, Phù điêu bán thân Nữ thần, Tượng thần
Ganesa, Đản sinh Brahma và Thần Siva.
UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở VH-TT&DL Đà Nẵng đề
nghị Bộ VH-TT&DL chỉ đạo việc đàm phán, ký kết thỏa thuận
cho mượn, đảm bảo các yêu cầu về an toàn hiện vật và quyền
lợi tốt nhất cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Bảo tàng Điêu khắc
Chăm Đà Nẵng cũng có trách nhiệm thực hiện việc cho mượn và
tiếp nhận lại hiện vật sau khi có văn bản thỏa thuận và Quyết
định của Bộ VH-TT& DL về việc đưa hiện vật tham gia triển
lãm tại nước ngoài.
Được biết, 5 hiện vật của bảo tàng Chăm Đà Nẵng là
Phù điêu Nam thần, Phù điêu bán thân Nữ thần, Tượng thần Ganesa,
Đản sinh Brahma và Thần Siva được phía Bảo tàng Nghệ thuật
Metropolitan (Hoa Kỳ) mượn triễn lãm lần này đều là những cổ vật quý
có niên đại hàng nghìn năm.
Đây cũng là những hiện vật nổi tiếng được giới chuyên
môn đánh giá cao như: Bức tượng Ganesa nguyên bản bằng chất liệu sa
thạch hình ảnh mình người, đầu voi với chiếc vòi dài, bụng phệ, ở dạng
ngồi hoặc đứng hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm- Đà
Nẵng được phát hiện tại tháp B3 Mỹ Sơn và được đưa về bảo tàng từ năm
1918; Bức tượng thần Shiva được mô tả như một con người nửa đàn ông, nửa
đàn bà có niên đại từ thế kỷ 13, là một trong những phát hiện mới, có
giá trị về khảo cổ học ở Việt Nam năm 2011. Bức Đản sinh Brahma đã
được xem là tiêu biểu cho một phong cách nghệ thuật sớm của điêu khắc
Chămpa, xuất hiện trong khoảng thế kỷ VIII - IX…