Quảng Nam rất đổi tự hào, khi trên một
diện tích không lớn đã có 02 trong 07 Di sản văn hoá thế giới của Quốc gia. Và
trên mảnh đất hai lần anh hùng mỗi người dân Duy Xuyên lại càng tự hào hơn khi
đang thừa hưởng một Di sản vô giá tầm cỡ thế giới mà cha ông đã để lại.
Có thể nói, từ sau khi
được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào tháng 12 năm 1999,
quần thể di tích kiến trúc và điêu khắc đặc sắc của nền văn minh Chăm Pa cổ xưa
tại thung lũng Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú,
huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã trở thành tài sản chung của toàn nhân
loại và tất cả mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ, tôn tạo, gìn giữ cho muôn
đời sau.
Đối với chính quyền và
nhân dân huyện Duy Xuyên, đây vừa là niềm vinh dự, tự hào to lớn, vừa là trách
nhiệm hết sức nặng nề. Bởi lẽ, quần thể đền tháp là tài sản vô giá của các tiền
nhân xây dựng nên, trải qua hàng ngàn năm ẩn mình trong thung lũng Mỹ Sơn, bị
lãng quên trong lớp bụi thời gian, đến nay đã được cả thế giới biết đến với tất
cả lòng ngưỡng mộ. Ai cũng muốn được một lần đến đây để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ
thâm nghiêm, tráng lệ; để tìm hiểu sự huyền diệu của nghệ thuật kiến trúc và
điêu khắc độc đáo còn hiện hữu của đền tháp Mỹ Sơn. Chính điều đó đã góp phần
đánh thức tiềm năng to lớn về Du lịch - dịch vụ, tạo cơ hội cho Duy Xuyên phát
triển đi lên, nhưng cũng làm cho chúng ta thấy trách nhiệm của mình càng nặng
nề hơn. Bởi vì, cho dù Mỹ Sơn là tài sản chung của nhân loại, thì trách nhiệm
bảo vệ di tích trước hết và quan trọng nhất vẫn là của chính quyền địa phương
và cộng đồng dân cư đang sinh sống, làm ăn trong vùng di sản.
Trong khi các nhà khoa
học trong nước và quốc tế đi sâu nghiên cứu tìm các giải pháp để bảo tồn và
trùng tu di tích nhằm chống lại sự tàn phá của thời gian, mưa nắng, thì huyện
Duy Xuyên vinh dự được Cục Di sản Văn hoá và UBND tỉnh Quảng Nam giao nhiệm
vụ vừa trực tiếp bảo vệ di tích, vừa khoanh vùng bảo vệ cả không gian rộng lớn
của quần thể di tích Mỹ Sơn. Đây là một nhiệm vụ nặng nề và có nhiều khó khăn. Bởi vì, Mỹ Sơn là một phế
tích, lại nằm sâu trong thung lũng xa khu dân cư, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu
kém. Hơn nữa, với lượng du khách đến tham quan, nghiên cứu Mỹ Sơn bình quân mỗi
năm khoảng 150.000 người và trong điều kiện dịch vụ chưa phát triển, nên trước
mắt người dân chưa thấy được lợi ích gì thiết thực đối với họ. Đây là một trong
những lý do làm cho việc vận động, phát huy sức mạnh cộng đồng trong công tác
quản lý, bảo tồn di tích Mỹ Sơn gặp nhiều khó khăn.
Trải qua hơn 30 năm quản
lý, bảo vệ quần thể di tích đền tháp Mỹ Sơn, trong đó có 10 năm Mỹ Sơn được
công nhận là Di sản văn hoá thế giới, nhân dân Duy Xuyên nói chung, bà con sinh
sống ở gần không gian di tích Mỹ Sơn nói riêng phần lớn đều có ý thức tôn
trọng, giữ gìn di tích nhưng do nhu cầu đời sống, nhiều người dân ở các xã
quanh vùng di tích cũng đã dựa vào thung lũng Mỹ Sơn để mưu sinh bằng những
hoạt động tưởng chừng như vô hại - song có tác động rất lớn đến di tích và vùng
đệm của di tích, như: hàng chục hộ chăn thả cả trăm con trâu bò vào khu vực Mỹ
Sơn, bỏ mặc chúng ăn ngủ trong rừng, có khi cả tháng mới đi thăm, kiểm tra một
lần; một số người do thiếu đất sản xuất đã vào khai hoang trồng lúa nước và các
loại hoa màu gần khu di tích và hàng ngày có rất nhiều người vào các cánh rừng
trong vùng di tích kiếm sống bằng nghề chặt củi, đốt than. Sau khi Mỹ Sơn được
phát lộ và dịch vụ du lịch gắn với di tích từng bước được mở mang, đã có một số
hộ dân vào xây dựng hàng quán kinh doanh tại điểm đón khách gần cầu Khe Thẻ của
Trung tâm du lịch Mỹ Sơn. Những hoạt động đó dù không cố ý, nhưng đã có tác
động lớn, có nguy cơ đe doạ trực tiếp đến các di tích và môi trường tự nhiên
của vùng đệm trong không gian di tích Mỹ Sơn.
Trước tình hình đó, trong
những năm qua, UBND Huyện Duy Xuyên đã triển khai nhiều chương trình hành động
vừa mang tính chiến lược, vừa cụ thể, thiết thực để khơi dậy và phát huy truyền
thống cố kết cộng đồng của nhân dân trên địa bàn huyện trong quá trình tham gia
bảo vệ di tích, cũng như từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế về Du lịch,
dịch vụ của Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn đối với sự phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương. Trong quá trình đó, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa tuyên
truyền, vận động nâng cao nhận thức, gắn với chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi
nhằm hướng cộng đồng dân cư vào những hành động tích cực vì mục tiêu bảo tồn,
phát huy và gìn giữ những giá trị độc đáo của di tích Mỹ Sơn.
Cùng với việc xây dựng
hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý, bảo vệ trực tiếp tại khu vực di tích, UBND
huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, gắn với chính sách
hỗ trợ một phần về vật chất để giải quyết triệt để tình trạng thả rông gia súc,
chặt củi, đốt than, sản xuất nông nghiệp trong không gian di tích; di dời- tái
định cư 12 hộ ra khỏi khu vực gần cầu Khe Thẻ và vận động chuyển trên 1000 ha
đất lâm nghiệp từ trồng rừng kinh tế sang trồng rừng đặc dụng, cảnh quang. Đây
quả là một công việc nhiều gian nan. Nhưng với tinh thần trách nhiệm và sự phối
hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, sau một thời gian
tập trung chỉ đạo quyết liệt, Duy Xuyên đã thực hiện được mục tiêu trả lại cho
không gian di tích Mỹ Sơn môi trường tự nhiên yên bình vốn có của nó. Thành
công bước đầu trong việc khoanh vùng bảo vệ di tích Mỹ Sơn chứng tỏ dân ta tuy
nghèo nhưng rất giàu tình cảm và có ý thức trách nhiệm đối với di sản. Mặc dù
khi thay đổi tập quán làm ăn đã làm cho các hộ chăn nuôi gia súc thả rông có
thể mất thu nhập trên 10 triệu đồng mỗi năm; những người chặt củi đốt than mất
đi công việc làm ăn cải thiện cuộc sống trong lúc nông nhàn; các hộ khai hoang
sản xuất khu vực quanh tháp mất đi một phần thu nhập, các hộ kinh doanh tại
điểm đón khách Khe Thẻ mất đi lợi thế kinh doanh đang có chiều hướng phát triển
và các hộ trồng rừng kinh tế mất đi nguồn lợi từ trồng rừng, nhưng khi đã nhận
thức đúng ý nghĩa, giá trị của di sản và thấu hiểu nỗi lo của chính quyền đối
với tài sản vô giá của nhân loại, thì tất cả đều đồng thuận chuyển đổi nơi ở,
chuyển đổi tập quán làm ăn để chia sẻ trách nhiệm với chính quyền trong công
tác bảo vệ di tích Mỹ Sơn. Thực tế cho thấy: nếu chúng ta đầu tư hệ thống rào
chắn cả không gian rộng lớn trên 1000 ha đó, thì dù rào kỹ đến mấy mà lòng dân
không yên, không ủng hộ thì khu di tích khó được bảo vệ vẹn toàn. Vì vậy, cùng
với việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân bị ảnh hưởng, UBND huyện đã đề xuất và
được UBND tỉnh chấp thuận cho trích 5% tổng giá trị nguồn thu từ bán vé tham
quan Mỹ Sơn hàng năm cho xã Duy Phú để đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm chia sẻ lợi
ích cho nhân dân sống trong vùng di tích. Song do nguồn thu còn hạn hẹp, nên
phần lợi ích mà nhân dân địa phương được hưởng chưa thật tương xứng. Hiện nay,
huyện đang đẩy mạnh chiến lược quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ và các sản
phẩm du lịch mới, gắn với cộng đồng dân cư nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận
lợi nhất để người dân được hưởng những lợi ích thiết thực do giá trị di tích Mỹ
Sơn mang lại.
Nhưng đó cũng chỉ là
những động tác giải quyết phần ngọn, phần trực tiếp. Vấn đề có ý nghĩa quyết
định trong việc phát huy vai trò cộng đồng tham gia bảo vệ, bảo tồn và phát huy
giá trị di tích Mỹ Sơn là tuyên truyền, giáo dục làm cho nhân dân toàn huyện,
nhất là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của các di tích, di sản; nắm
vững các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật di sản Việt Nam năm 2001 và
Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1982 để mỗi người tự
nguyện cam kết chấp hành, thực hiện nghiêm túc và tuyên truyền, nhắc nhở mọi
người cùng thực hiện; dần dần đưa vấn đề bảo vệ di tích trở thành ý thức thường
trực trong nếp sống của cộng đồng.
Việc phát huy và kế thừa
bản sắc văn hoá dân tộc trong thời đại hội nhập và phát triển hiện nay, yêu cầu
phải có sự nỗ lực đồng bộ của nhân dân, của toàn xã hội. Song muốn có tính bền
vững thì phải bắt đầu từ khâu nhận thức, con người chính là lực lượng sáng tạo
ra văn hoá, nhưng mặt khác, con người cũng có thể trở thành lực lượng phá huỷ
các giá trị văn hoá nếu hành động của họ không được sự điều chỉnh của xã hội,
sự định hướng của nhà nước. Vì vậy để có hành động đúng thì phải tích cực tuyên
truyền tạo nhận thức đúng. Bởi theo Barbr Dioum thì “Cuối cùng con người chỉ bảo vệ và giữ gìn những gì mà họ yêu. Họ chỉ
yêu những gì mà họ hiểu và họ chỉ hiểu những gì mà họ được học”.
Thực hiện chủ trương này,
trong những năm qua UBND huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt công tác
tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của Di sản văn
hoá thế giới Mỹ Sơn và vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo vệ
di tích, di sản văn hoá thông qua các buổi sinh hoạt, học tập ở từng cụm dân cư
và đặc biệt thông qua các hoạt động lễ hội văn hoá, quảng bá du lịch tổ chức
hàng năm, như: lễ hội Quảng Nam- Hành trình di sản, Đêm Mỹ Sơn huyền ảo, lễ hội
Bà Thu Bồn, Bà Chiêm Sơn, Bà Chúa Tàm tang... góp phần làm cho người dân thêm
hiểu biết, yêu quý các di tích, di sản văn hoá trên quê hương mình và chung tay
góp sức cùng chính quyền địa phương bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị to lớn
của Di sản văn hoá thế giới; nâng cao cảnh giác trước nạn trộm cắp, buôn bán cổ
vật và các hành động xâm hại đến di tích.
Từ thông điệp của UNESCO
“Di sản thế giới trong tay thế hệ trẻ để
biết, để tôn vinh và hành động”, chúng tôi xác định giáo dục Di sản thế
giới cho thế hệ trẻ là việc làm có ý nghĩa chiến lược. Từ đó, UBND huyện đã chỉ
đạo và đầu tư cho ngành Giáo dục-Đào tạo huyện phối hợp cùng các cơ quan chức
năng nghiên cứu, biên soạn chương trình, nội dung đưa việc giáo dục về Di sản
thế giới và Luật Di sản văn hoá vào học đường với tư cách là một chuyên đề giáo
dục ngoại khoá nhưng mang tính chất bắt buộc đối với các cấp học, ngành học
trên địa bàn huyện và được bố trí hợp lý trong chương trình năm học. Quan điểm
chung của việc đưa chương trình Di sản Văn hoá thế giới Mỹ Sơn vào trong nhà
trường là để cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản nhất, cô đọng nhất, dễ
hiểu nhất, kết hợp giáo dục lồng ghép với các bộ môn khác nhằm hình thành ở học
sinh một thái độ nhìn nhận đúng đắn về Di sản, lòng tự hào đích thực về Di sản.
Trên cơ sở đó các em biết tuyên truyền, phát huy giá trị của Di sản và thường
xuyên có những hành vi, hành động bảo vệ, giữ gìn Di sản. Việc giáo dục các em
được chuyển tải qua những hoạt động, hình thức phong phú linh hoạt gây hứng thú
thông qua việc giới thiệu các tài liệu, tranh ảnh, tổ chức các đợt tham quan
thực tế, thi thuyết trình, thi tìm hiểu Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn, Luật Di
sản văn hoá, thi sáng tác thơ, văn, vẽ tranh , nặn tượng và đóng vai người
hướng dẫn viên du lịch nhỏ tuổi ... . Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu” đã dần
dần nâng cao nhận thức và nuôi lớn tình yêu, ý thức trách nhiệm đối với di sản
trong tâm thức, tình cảm của các em. Qua hơn 6 năm thực hiện, chúng tôi nhận
thấy đây là một chương trình rất thiết thực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong
cộng đồng dân cư. Chính các em, với tâm hồn ngây thơ và đầy nhạy cảm của mình,
khi nhận thức đúng đã trở thành những tuyên truyền viên tác động tích cực đến
cộng đồng xã hội, trước hết là các bậc phụ huynh, góp phần nâng cao lòng tự hào
và ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với các di sản cha ông để lại. Bản thân
các em đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị Di sản
Văn hoá thế giới Mỹ Sơn, quảng bá cho du lịch huyện nhà ngày càng phát triển.
Điều đáng mừng là hiện
nay khi nói đến Mỹ Sơn thì hầu như bất cứ người dân Duy Xuyên nào cũng hiểu
được đó là một di tích vô giá và cần được bảo vệ, giữ gìn. Cũng có thể nói đây
là thành công nhất của chính quyền địa phương trong việc phát huy vai trò của
nhân dân trong quản lý và bảo tồn Di tích Mỹ Sơn.