A+ A A-

Đò neo chân sóng

 

Những con đò nín lặng, gác mình nơi bờ bãi hạ lưu sông Thu. Mục ruỗng. Và hiu quạnh. Ở đời, trong niềm vui của đám đông luôn có những ngậm ngùi đơn độc…
alt
 Những người đưa đò ngang mấy mươi năm nay, từ bờ bắc sang bờ nam Thu Bồn, từ vùng cát Duy Hải, Duy Nghĩa sang Cẩm Thanh về phố, cười với cây cầu Cửa Đại vừa kịp xong bằng những nỗi lo cơm áo mai này. Họ vui vì quê hương sẽ đổi thay, “chắc chắn bà con đỡ cực hơn”. Và, lẫn trong cuộc vui của bao nhiêu người hai bên bến sông Thu, là nỗi nhớ quá khứ, nỗi lo ngày mai của những “bạn đò”.

Ám ảnh bến quê

Những ám ảnh bến quê với tiếng gọi đò vọng trong sương sớm hay chiều tà, chừng như trở thành thứ ký ức sắt son của người vùng sông nước. Mỗi một bến sông có thứ ký hiệu riêng để làm nên “đặc sản” của mình. Khúc đầu nguồn, người ta “Quớ…. đò ơi”, vọng từ bên ni sang bên tê để người lái đò kịp biết mà trở đầu ghe chở người sang sông. Ở nơi cửa sông đổ ra biển, chùng chình giữa vùng đồng bằng và duyên hải, sông rộng mênh mông, tiếng “quớ đò” lạc nhịp giữa gió thốc, nắng lộng. Vậy nên mỗi bến quê khúc cuối dòng sẽ có vài con đò đợi sẵn. Ở đó có bến đò, có chợ, có đủ sản vật quê xứ. Bến, còn có cả ngôi nhà của người lái đò. Tiếng gọi đò trở thành tiếng kêu người trước mặt, người bên cạnh. Lòng sông rộng nên chuyến đi vùng này luôn phải dài hơn đầu nguồn. Vì thế mà ra những gắn bó, ra những ruột rà từ người dưng, ra cả những nỗi nhớ vô cùng… Tiếng gọi đò, hay “quớ đò”, thực ra cũng chỉ là tên gọi, là ngôn ngữ để hành xử với tha nhân. Chỉ đọng lại là bóng dáng những con đò ngang chòng chành mặt sông. Những đôi vai gầy guộc cõng biết bao cuộc đời. Nhớ sông ít, nhớ đò nhiều. Nhớ những người lái đò nhẫn nại, gan lì, da dẻ quánh lại, hừng hực màu của sóng nước.

alt
“Chuyến đò năm ấy còn không/ Mà sao bến cũ vẫn trông theo người?”, mấy mươi năm chở khách sang sông, người đàn ông tóc đã luống bạc Đặng Công Tấn vẫn sơ nguyên cảm giác với sóng nước Thu Bồn. Quá khứ nhiều khi như một phần thân thể của con người. Quá khứ những năm chèo đò chở khách rã đôi tay. Quá khứ gợn lên nụ cười hoang phế bởi những con đò gác đà nơi chân sóng. Những kỷ niệm đẹp, quê hương cất giữ. Những kỷ niệm buồn, lòng mình tự cất giữ. Ở bên ni sông, Cẩm Thanh, nhìn về bên tê, sóng xô trùng điệp. Mới năm ngoái thôi, ông Tấn bỏ hơn 20 triệu đồng để thay lại mấy tấm ván lót bến đò. Vợ con, cả người làng Thanh Tam Tây (Cẩm Thanh) bảo ông dở hơi, bởi độ chừng hơn năm nữa, cầu Cửa Đại thông xe, lấy ai đi đò mà sửa bến. Nhưng ông… cũng cứ làm. Làm, bởi sự an toàn của những người dân. Làm, để rồi bây giờ ngậm ngùi nhìn cảnh hoang vắng. Nhưng ông Tấn, vẫn thơ thới mà rằng, cho dù ở đây không ai ra bến này để đi đò nữa, thì con bến vẫn cứ tồn tại. Tôi hình dung con đò ký ức trong lòng ông Tấn như một sợi tơ trời phơi ra những kiêu hãnh, để ở cõi ta bà này, dẫu bến xưa bụi phủ vẫn còn những mái đầu nghiêng ngó chuyện ngày xưa. Cuộc đời, nhiều khi tưởng chuyện khơi khơi vô nghĩa, nhưng lại chất trong đó quá nhiều ưu tư. Ông Tấn nói, cây cầu Cửa Đại là ước mơ, là kỳ vọng của bao nhiêu người dân vùng cát. Ông vui, vì thương những bổi rau liêu xiêu từ phía chợ Nồi Rang sẽ không còn cảnh nhọc nhằn mỗi lần khiêng xuống bến đò. Người bạn đồng hành cuộc đời của ông Tấn, bà Đoàn Thị Vân, cũng nói vui, vì phận đàn bà buôn bán xuôi ngược lại chịu cảnh đò giang thì vất vả trần ai. Vui và lại nhớ thương... những người lái đò.

Cuối dòng sông Thu

Nhiều năm dài, đò đưa khách sang sông. Duy có một nghề vậy, sáng 6 giờ cứ ở mãi trên sông đến 6 giờ tối. Trong câu chuyện với ông Tấn, anh Tha, chú Bung, ông Pháp, anh Nhân… những người lái đò cuối dòng sông Thu, đầu tôi chờn vờn hình tượng người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Và những người lái đò cách thời Nguyễn Tuân mấy thập kỷ, vẫn tráng kiện như vậy. Những hình ảnh này đã nên những hình tượng văn học. Nỗi buồn ngày xưa lúc người lái đò bỏ bến bỏ thuyền, thì giờ, cũng nỗi buồn ấy, nhưng là con đò bến cũ bỏ người. Sự tần tảo được nhuộm màu thuần khiết của nước. Giữa cuộc mưu sinh, hình như nỗi nhọc nhằn phải nhạt đi, hoặc buộc phải biến mất trước trời mây sông rộng. Nắng gió dòng sông sinh ra những con người khẳng khái. Tôi hỏi Kiều Minh Tha, năm nay 35 tuổi, cả 4 miệng ăn chực chờ vào con đò đậu bến chợ Nồi Rang, làm gì từ ngày rời tay lái đò? Tha cười nhuộm nắng trả lời cộc lốc: “Đang học lái xe”. Nhưng vợ Tha, chị Nguyễn Thị Nga, dựng hàng tạp hóa ngay bến đò, bẻ lại ngay: “Ổng học bữa đực bữa cái. Nói học rứa thôi, chớ lái xe chừ khó lắm, không dễ ăn đâu”. Rồi những buổi chiều muộn mằn, cánh lái đò hơn chục con người, lại ngồi với nhau ngay dưới chân cầu Cửa Đại, ở bến Nồi Rang, uống chung rượu mà lòng bao nhiêu xáo trộn. Riêng vợ chồng Kiều Minh Tha, Nguyễn Thị Nga, hơn 10 năm neo đậu bến đò, đứa con lớn 3 tháng đã bồng từ nhà cha mẹ ra đây, ở tạm bợ vậy, bây giờ con lớn 10 tuổi, cũng đã có đứa thứ 2, đôi vợ chồng này quen với từng nhịp sóng nước, từng người buôn rau, buôn cá. Da thịt những đứa bé con ở bến đò mát rượi như dòng nước. 

Ngược dòng thời gian những ngày chinh chiến, bến đò Cẩm Thanh, bên kia là bến Duy Nghĩa, từng là nơi dung chứa bao nhiêu chiến thuyền, để cả trong đêm đen đưa người về giải phóng phố thị. Làng mạc xứ này tưởng như sinh ra là để chấp nhận cảnh đò giang, an phận với những cuộc đời trưởng thành buộc phải ly hương, trăm năm vẫn vậy. Bây giờ, cây cầu nối những bờ vui, chuyện ly hương sơ giản trong gang tấc, đặt chân qua bên ni cầu cũng gọi là qua phố. Phố với quê gần vậy nhưng lại lệch nhau thăm thẳm. Trở về với câu chuyện cánh lái đò, lên phố làm một cuộc mưu sinh khác thôi, rời xa sông nước thôi. Nói thì nghe dễ vậy, nhưng chục con người đã quen với chênh chao sóng nước, kiến thức chủ yếu là dòng chảy của sông, liệu có bon chen được với dòng đời? Ông Phạm Bung, 56 tuổi, lớn nhất trong cánh lái đò, một mình mang đơn cầu cứu vào tận tỉnh. Ông kể cán bộ tỉnh nói tiếp nhận ý kiến của ông và sẽ trình lên cấp trên, bảo ông mang đơn về đợi tới ngày tiếp dân ở bên cầu Cửa Đại rồi sẽ trả lời ông về hướng hỗ trợ với người lái đò.

Những chiếc đò đã gác đà hơn tháng nay. Ông Tấn bến Cẩm Thanh có 4 chiếc, thì đã xẻ bản một chiếc, bởi để lâu thì mục hết. Còn 3 chiếc, vẫn giữ để đợi hướng phát triển du lịch từ địa phương. Bên kia, ông Kiều Hà còn nguyên cả 4 chiếc. Còn nhớ khoảng chừng 4 năm trước, chuyện đấu thầu để trúng bến ở hai bên bờ Cẩm Thanh, Duy Nghĩa làm xôn xao cả một vùng xứ Quảng. Bởi để được chạy đò, một năm tiền cược từ năm 2011 đến nay lên đến hơn 1 tỷ đồng. Bà Vân, vợ ông Tấn nói, thiệt tình là mấy năm trước, mỗi ngày thu được khoảng 4 - 5 triệu đồng là chuyện thường. Trả lương cho nhân công lái đò, mỗi người trung bình một tháng hơn 5 triệu đồng, số lợi nhuận còn lại ông bà thu được khá cao. Nhưng từ khi tiền cược bến nâng lên gấp đôi (trước năm 2010 là 500 triệu đồng/năm), thì gần như chạy vừa đủ trả lương nhân công. Đầu năm 2015 đến nay thì coi như trắng tay. Nhưng thương và lo nhất vẫn là cánh nhân công chạy đò thuê lâu nay. Trước khi là chủ và kẻ làm thuê, thì là anh em, là hàng xóm. Nên nỗi lo này, chẳng phải điều nói cho sướng miệng. Tôi tin vậy. Bởi bây giờ hỏi ông Tấn, ông Hà, mong gì nhất, vẫn chung ý nghĩ sẽ có chút đỉnh hỗ trợ cho các anh em nhân công chuyển đổi nghề nghiệp.

Những chuyến đò ngang rồi sẽ mất dần và mất hút trước cuộc sống hiện đại. Đó là điều may mắn, là niềm vui của người dân quê xứ sông nước. “Sông sâu sào vắn khó đò/ Muốn qua thăm bậu sợ đò không đi”, giờ không còn nữa với người dân vùng cát Quảng Nam. Còn nhớ non 1 tháng trước, khi cây cầu Cửa Đại vẫn chưa được phép đi, nhiều người dân đã bất chấp mép cầu cao hơn 1m, giúp nhau khiêng từng chiếc xe để chạy trên cầu mà về nhà.

Chiều muộn, ngược xe lên phía cầu Cửa Đại, dướn mắt về phía hai bến đò - mới đây đã cũ, tựa như khúc ca buồn ly biệt. Trong cuộc hành trình tiến về phố thị, mấy ai còn vương vất những con đò ngang, sớm sớm, chiều chiều…

Ký của SONG ANH

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797756
Hôm nay
Hôm qua
1877
10160