A+ A A-

Bên dòng sông mẹ.

alt
Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Mẹ Thu Bồn, con sông đã nuôi nấng biết bao thế hệ người con xứ Quảng, sông đã trở thành một phần ký ức trong tôi. Bên dòng sông ấy, những nét văn hóa ngàn đời đã được đắp bồi và nuôi dưỡng. Thế nhưng hiện nay dòng sông mẹ đang đứng trước nguy cơ bị suy kiệt. Con sông đang ngày đêm lên tiếng kêu cứu.
 Những ai sống ven sông Thu Bồn chắc hẳn không lạ gì với những làng chài được gọi tên là xóm vạn ghe. Gọi là xóm vạn ghe vì nơi đây có rất nhiều ghe, mỗi chiếc ghe vừa là ngôi nhà, vừa là phương tiện đánh bắt tôm cá. Dòng sông êm ả với những con thuyền lờ lững trôi đã trở thành hình ảnh đặc trưng của miền quê xứ Quảng. Ngược dòng Thu Bồn từ Hòn Kẽm Đá Dừng xuôi về Cửa Đại qua các vùng Duy Xuyên, Đại Lộc, Vĩnh Điện có biết bao xóm vạn ghe đã tồn tại hàng trăm năm. Thế nhưng giờ đây các xóm vạn ghe với âm thanh hối hả một thời chỉ còn trong ký ức. Có Xóm nay chỉ còn vài nóc ghe bám trụ với nghề, người trong làng đã tản đi nơi khác kiếm sống bởi dòng sông đã suy kiệt quá mức.
alt
Ngược dòng Thu Bồn về xã Duy Thu nơi từng là xóm ghe đông nhất vùng. Dòng sông buồn bã trôi bạc một màu xám. Anh Phạm Quy làm nghề đánh bắt cá đã hơn 30 năm trải lòng: “Nghề này đã giúp gia đình tôi tồn tại, nuôi 5 đứa con ăn học thành người. Khúc sông này cũng giống như cuộc đời của tôi vậy. Bây giờ sông cạn kiệt, cá tôm không còn mình cũng không có thu nhập nhưng một cái buồn nữa là dòng sông đang chết dần mỗi ngày”.

Hiện nay, dù khó khăn nhưng anh Quy vẫn sống dưới thuyền để theo nghề. Anh cho biết mỗi ngày phải dậy từ 2-3 giờ sáng nhưng có khi chỉ bán được vài ba chục ngàn đủ ăn bữa cơm. Chú Nguyễn Ngọc Thạch (trưởng thôn Tĩnh Yên) cho hay trước đây khi tôm cá còn nhiều thì người dân còn có cái ăn cái để nhưng vài năm trở lại đây tự nhiên khúc sông này tôm cá trở nên ít dần.“Bây giờ đời sống phát triển con người cũng sống đầy đủ hơn nên những con cá sông trở thành bé nhỏ, không có giá trị. Lặn lội một ngày chỉ được chén tép, đôi ba con cá vài ba nghìn đồng”. Chú Thạch buồn bã: “Đời sống thay đổi, dòng sông cũng thay đổi. Ngày xưa cả một làng chung nghề đánh bắt nhưng cá tôm vẫn rất nhiều nhưng giờ thì gần như chẳng còn. Nhiều người đổ lỗi cho thời tiết, rồi trên nguồn đãi vàng ảnh hưởng tới nguồn nước. Tại reng thì mình không rõ chỉ biết là cái nghề truyền thống nay không còn”.

Một số người ngoài việc ban đêm đi bắt cá thì ban ngày còn đi làm keo, tước vỏ keo thuê để kiếm thu nhập. Cũng có những gia đình khá giả hơn thì bán ghe nhỏ tậu ghe lớn hút cát chở sạn thuê. Tuy nhiên những gia đình này cũng chỉ làm ăn được vài năm vì cát sạn hút hoài cũng cạn, chính quyền cũng cảnh báo người dân về việc sẽ gây sụt lún nhà cửa.

Cư dân xóm vạn ghe nay tản đi làm công nhân ở các khu công nghiệp là chủ yếu. Những người già cả thì ở nhà đan mủng, đan lưới thêm. Bà Hai (56 tuổi) cho biết, “Thời buổi khó khăn những người theo nghề cũ chủ yếu là đàn ông trung niên. Thế hệ sau chẳng còn ai mặn mà với con thuyền, chẳng ai còn thiết tha đến con cá, con tôm, có chăng chỉ là những người đã gắn bó quá lâu không nỡ rời bỏ. “Một đời sông nước quen rồi bây chừ lên bờ kể cũng không quen. Nhiều khi nhớ ghe đêm đêm lại ra đó ngủ. Trẻ con xóm vạn ghe sau giờ học lại mang mủng ra sông sàng hến bắt ốc. Một lon hến chỉ 5.000 đồng nhưng khoản tiền đó cũng giúp các em có thêm được cây bút, quyển vở mới.

Rời xóm chài Tĩnh Yên tôi dạo ra chợ Phú Đa, một trong những ngôi chợ tồn tại lâu nhất vùng. Bên những hàng cá biển người mua kẻ bán tấp nập, những người bán cá đồng ngồi lặng lẽ bên những chiếc thau chỉ có vài ba con cá tràu, cá rô phi. Họ cũng lặng lẽ, buồn bã như dòng sông đang trôi mải miết ngoài kia!

Đồng Dao( Báo Cadn)

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797529
Hôm nay
Hôm qua
1650
10160