Bằng sự tinh
tế của mình, mỗi tác phẩm ông tạo ra là một kiệt tác kết tinh của hoa tay và
trí tuệ. Ẵm nhiều giải thưởng, kỷ lục Việt Nam, nhưng với ông, điều đáng tự hào
nhất đến từ lòng đam mê, từ cống hiến cho tổ nghề như lời ông nói là “không gì
sướng bằng một cái xuýt xoa, trầm trồ của người xem”.
“Duyên” với... kỷ lục
Nghệ nhân Ngọc Minh chia sẻ kỷ lục cùng những tác phẩm “khủng” với PV.
May mắn được nhà nghiên cứu Võ Kiểu (nguyên Tổng
thư ký Liên đoàn Quyền thuật miền Trung, hiện trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh
Quảng Nam) giới thiệu, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Ngọc Minh. Một trong những
nghệ nhân kim hoàn hàng đầu Việt Nam. “Nghệ nhân có duyên với kỷ lục” là câu
nói vui mà bạn bè dành cho ông, không chỉ là lời khen mà còn chứa đựng sự khâm
phục cho người tài hoa, tâm huyết với thủ công mỹ nghệ truyền thống này.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cũng là “xưởng” sản
xuất của mình, nghệ nhân Ngọc Minh cho biết, ông tên thật là Trần Văn Anh (52
tuổi, trú thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Từ nhỏ, sinh ra
và lớn lên tại mảnh đất địa linh, tiếp nối tài năng từ
người cha, người thầy, từ những làng nghề thủ công truyền thống xứ Quảng, cậu
bé Ngọc Minh sớm thể hiện hoa tay, trí tuệ hơn người. Để rồi cái duyên đến với
nghề cũng thật tình cờ mà lắm ý vị với bao mồ
hôi, nước mắt. Ông dốc hết tâm huyết cho nghệ thuật, mỗi tác phẩm sinh ra là
một kiệt tác để đời. Bản thân là một người sáng tạo nghệ thuật, ông hiểu rõ cái
năng khiếu tài hoa, cũng như cái “tôi” mạnh mẽ của người nghệ sỹ. Tuy vậy,
trong sâu thẳm trái tim ông vẫn muốn chú trọng đến cái tâm, tính nhẫn.
Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Ngọc Minh trải
lòng: “Để có được một tác phẩm, người nghệ nhân không chỉ có tài mà phải tâm
huyết, yêu nghề thật sự. Hơn thế, sự tỉ mỉ, cẩn thận, đặc biệt nhẫn nại với
những chi tiết cực nhỏ trong thủ công mỹ nghệ là điều cực kỳ quan trọng”. Ấp ủ
những suy tư đó, năm 2005, ông bắt tay biến nó thành sự thật với bộ tranh “Đến
với Tâm về với Nhẫn” gồm bức “Bách tâm đồ” có 100 chữ tâm, và bức “Bách nhẫn
đồ” có 100 chữ nhẫn. Cũng như chữ tâm, mỗi chữ nhẫn trong 100 chữ ấy là những
biến thể khác nhau được điêu khắc tinh xảo bằng tay từ loại gỗ mứt quý hiếm.
Mỗi bức cao 3,4m, rộng 1,8m.
Sau hơn một năm, tác phẩm hoàn thành trong sự
ngợi khen của mọi người, càng vinh dự hơn vào năm 2009, trung tâm Sách kỷ lục
Việt Nam xác lập tác phẩm trên là bộ tranh thủ công mỹ nghệ lớn nhất Việt Nam.
Chưa hết, tại chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 21 (năm 2011),
nghệ nhân Ngọc Minh một lần nữa được vinh danh trong Sách kỷ lục Việt Nam với
tác phẩm “Quảng Nam nhị tú”. Đó là chiếc nhẫn bạc lớn nhất Việt Nam có đường
kính 21cm, trọng lượng 1,2kg. Với một nghệ nhân như ông, không đơn thuần chỉ là
làm nên một chiếc nhẫn cực lớn là xong, mà còn chuyện phần hồn tác phẩm sẽ đi
về đâu.
Ở “Quảng Nam nhị tú”, người xem thật sự
ngỡ ngàng bởi những chạm trổ cực kỳ ảo diệu về hình ảnh Chùa Cầu Hội An và đền
tháp Mỹ Sơn (hai di sản mang đậm giá trị văn hóa Quảng Nam - PV). Sử dụng kiểu
chạm trổ ngược, từ trong ra ngoài chính vì thế, tính thẩm mỹ của những chi tiết
hoa văn càng trở nên sống động. Phía đỉnh nhẫn là viên đá quý màu trắng xanh
với dòng chữ “Quảng Nam - Một điểm đến, hai Di sản văn hóa thế giới”.
Ông tâm sự: “Chiếc nhẫn được hoàn thành sau ba tháng, vừa đúng lúc
kỷ niệm 15 năm Hội An được công nhận “Di sản văn hóa thế giới” (1999 - 2011).
Là người con xứ Quảng, tôi muốn tạo được sản phẩm ý nghĩa để gửi gắm thông điệp
về ý thức bảo tồn, phát huy giá trị của di sản Mỹ Sơn và Hội An”. Tâm huyết của
nghệ nhân Ngọc Minh trên con đường nghệ thuật, vẫn chưa khép lại sau
thành công của “Bách tâm đồ”, “Bách nhẫn đồ” và “Quảng Nam nhị tú”. Tác phẩm
phù điêu “Thiên long Việt đồ” thực sự là đứa con tinh thần của người nghệ nhân
này. Lấy cảm hứng từ biểu tượng rồng Việt cùng tình yêu quê hương, biển đảo, ông dày công chạm khắc 1.000 con rồng vàng với đủ
hình dáng, tư thế thăng giáng khác nhau. 1.000 con rồng cuộn mình tạo thành bức
bản đồ đất nước Việt Nam dáng vươn ra biển Đông.
Nghệ nhân Ngọc Minh bên cạnh bức tranh kỷ lục “Thiên long Việt đồ”.
Cùng nhiều con số ý nghĩa như chiều rộng 3,26m
(tương ứng 3.260km đường biển Việt Nam), con Kim Long (vị trí thủ đô Hà Nội)
được làm bằng vàng 9999 nặng 18 lượng (18 đời Vua Hùng)... Năm 2010, trung tâm
Sách kỷ lục Việt Nam đã xác nhận, trao tặng cúp Kỷ lục quốc gia cho tác phẩm.
Cùng với đó là vinh dự to lớn khi tác phẩm này từng được trưng bày trong Tuần
văn hóa du lịch Quảng Nam tại Thủ đô Hà Nội (sự kiện đón chào Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội).
Sau thành công trên, ông lại bắt tay vào bộ sách
kỷ lục cùng tên “Thiên long Việt đồ” (NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2011), thực sự gây
nên tiếng vang trong dư luận. Theo chia sẻ của ông, bộ sách là tư liệu, những
bài báo, hình ảnh đề cập bức phù điêu “Thiên long Việt đồ”. Đam mê
là vậy, hơn một năm trời, nghệ nhân Ngọc Minh bỏ thời gian sưu tầm những tài
liệu ấy để tạo nên bộ sách. Cuốn sách đặc biệt ấy gồm 100 trang, cao 2,1m,
ngang 1,2m, dày 0,6m với trọng lượng khủng trên 1 tấn. Phía ngoài bìa sách bằng
gỗ gõ được chạm trổ tinh xảo bằng đồng nguyên chất, bên dưới là hình ảnh năm
con rồng tượng trưng cho ngũ hành.
Chữ “tâm” của nghệ nhân
Những điều chúng tôi nhắc đến ở trên là kết tinh
từ bàn tay, khối óc tài hoa của ông khiến mọi người trầm trồ, tán dương. Còn
riêng ông, kỷ lục, bằng khen dường như không mấy quan trọng, mà “điều quý giá
trong cuộc đời mỗi nghệ nhân cũng chỉ đọng lại
trong đôi mắt người thưởng lãm hôm nay và mai sau” – đó là nghệ thuật, là tâm
hồn.
Là một người con xứ Quảng, không chỉ đem tâm
huyết phục dựng, phát triển thủ công mỹ nghệ truyền thống, ông còn đưa “những
đứa con tinh thần” của mình phục vụ cho xã hội,
cho những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Như việc bộ tranh thủ công mỹ nghệ “Đến
với Tâm về với Nhẫn” được ông bán đấu giá gây quỹ “Ươm mầm tài năng đất Quảng”.
Nghệ nhân Ngọc Minh chia sẻ: “Là người Quảng Nam, tôi muốn làm cái gì đó cho
quê hương. Đem hai bức tranh đó ra bán đấu giá lấy tiền lập quỹ để ủng hộ ươm
những mầm non trẻ cho đất Quảng”.
Thời gian tới đây, ông dự định thành lập một bảo
tàng lưu giữ, trưng bày những hiện vật xưa và nay liên quan đến thủ công mỹ
nghệ. Đó thực sự sẽ là “sân chơi” chuyên nghiệp cho những nghệ nhân như ông,
nơi giao lưu, học hỏi, phát triển ngành nghề. Hơn tất cả, với bảo tàng này, vị
nghệ nhân mong mỏi thế hệ trẻ, mà xa hơn nữa là những thế hệ sau biết đến những
văn hóa truyền thống, thỏa trí tìm hiểu về quá khứ, di sản dân tộc. “Hiện tại,
tôi đã sưu tầm được hơn 1 tấn các loại hiện vật giá trị, đa số đó là những hiện
vật xưa cổ. Sắp tới, tôi sẽ kêu gọi tập trung nhiều hơn nữa các tác phẩm mỹ
nghệ hiện tại”, ông chia sẻ.
Các tác phẩm luôn chứa đựng ý nghĩa văn hóa, di
sản
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa –
võ thuật Võ Kiểu (nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Quyền thuật miền Trung) cho
biết: Nghệ nhân Ngọc Minh là một trong số ít nghệ nhân kim hoàn quốc gia khu
vực miền Trung đạt được nhiều danh hiệu cao quý, nhiều kỷ lục Việt Nam. “Không
những thế, các tác phẩm của Ngọc Minh luôn chứa đựng những giá trị văn hóa, di
sản, ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà bức “Thiên long Việt đồ” là một ví dụ điển
hình”, nhà nghiên cứu Võ Kiểu nhấn mạnh.
NHÂM THÂN