Chiến tranh đã lui xa gần 40 năm nhưng
những hậu quả ghê gớm của nó vẫn cứ còn âm ỉ, róc rách đến từng xóm, ngõ của
người dân quê tôi. Thế hệ chúng tôi không được tận mắt chứng kiến sự hủy diệt tàn
khốc của chiến tranh nhưng cảm nhận được nó qua các trang sử, mẫu chuyện thực tế
mà lớp cha, anh đã trải nghiệm và kể lại.
Chiến tranh là hủy diệt, là giết chóc,
là ly tán, đau thương và tang tóc đến tột cùng nhưng từ trong sâu thẳm ấy, những
tấm lòng bao dung, cao cả, nhân đạo, nhân văn của tình người đã vượt lên thành
những vầng hào quang chói lọi không có bút mực nào lột tả hết!.
Hình ảnh bà mẹ Việt Nam gác bỏ nỗi uất
hận chồng chất để vắt sữa của mình bón từng giọt cho một chiến binh Mỹ trước
khi nhắm mắt do bị thương và mất quá nhiều máu là một minh chứng. Câu nói đầy
nhân văn của thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu - thông dịch viên cho một đơn vị lính
Mỹ với Frederic Whithurs – một người lính trinh sát Hoa Kỳ lúc tiêu hủy cuốn nhật
ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại trạm xá của bộ đội ở Đức Phổ, Quảng Ngãi năm
1970: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này. Bản
thân trong nó đã có lửa rồi” đã làm cho Frederic Whithurs cảm nhận được giá
trị của cuốn nhật ký và giữ lại. Đến năm 2005, khi cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm
sau 35 năm lưu lạc từ nước Mỹ trở về Việt Nam đã thổi bùng lên ngọn lửa của tình
người, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Với tôi, nhật ký Đặng Thùy Trâm
không những hay về giá trị nội dung, nghệ thuật mà còn đẹp về lòng nhân văn, nhân
nghĩa trong điều kiện chiến tranh của thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu và lính trinh
sát Mỹ Frederic Whithurs. Đã gần 10 năm trôi qua với nhiều lo toan, trăn trở của
cuộc sống, hôm nay tôi lại bắt gặp ngay trên quê hương mình một hình ảnh đầy nhân
văn, nhân đạo của một cựu binh Úc G.W. Dennis (cố vấn Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5, Sư đoàn 1) khi trao trả lại bức
chân dung của mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Diễn (thôn Đông Yên, xã Duy Trinh) cho thân nhân sau 40 năm lưu lạc.
Mẹ Phan Thị Diễn (1903 - 1985) là con
gái ông Tú Dư, vợ của họa sĩ Lê Anh Hào (1898
- 1968, thường gọi là Giáo Niên) - người đã vẽ chân dung Bác Hồ và được đạo
diễn Trần Văn Thủy đưa vào phim “Những
người dân quê tôi” năm 1968. Mẹ là một trong 18 mẹ ở xã Duy Trinh và 425 mẹ
trong toàn huyện được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt đầu vào ngày
14/01/1995. Mẹ có 9 người con đều sinh ra, lớn lên và trải qua 2 cuộc kháng
chiến. Chồng mẹ hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ giúp du kích theo dõi tình
hình địch. Các con của mẹ đều tham gia kháng chiến, người con thứ 6 là Lê Ngọc
Bút (1937) và người con thứ 7 là Lê Kim Nghiên (1939) lần lượt hy sinh sau đó
nhưng đến nay vẫn chưa tìm được xác. Người con thứ 4 là Lê Đình Sung (1931 - 2007) là một họa sĩ nổi tiếng về
vẽ truyền thần đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Bức họa châm biếm” thời chống Pháp và “Chống dịch bệnh ma quĩ” trong thời chống Mỹ. Chính ông đã vẽ bức chân
dung mẹ mà người cựu binh Úc đã giữ và trao trả lại vào ngày 05/8/2013 tại Qui
Nhơn (Bình Định).
Năm 1962, họa sĩ Lê Đình Sung vẽ chân
dung mẹ mình lúc bà 59 tuổi và treo tại nhà (làng Đông Yên, xã Xuyên Trường). Tình hình chiến tranh ngày càng ác
liệt, bản thân ông cùng các anh, chị, em lần lượt tham gia kháng chiến nên bức
họa như là một kỷ vật thiêng liêng của tình mẫu tử, đồng thời là một di vật để
thờ cúng sau này trong điều kiện không có phương tiện để lưu giữ hình ảnh. Những
năm tiếp theo, phong trào cách mạng ở miền Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đẩy
ngụy quân, ngụy quyền vào thế suy yếu, bị động và lúng túng. Từ năm 1965 và sau
đó, quân Mỹ và quân chư hầu đổ vào miền Nam hòng giành lại thế chủ động trên
chiến trường theo chiến lược chiến tranh cục bộ, rồi Việt Nam hóa chiến tranh.
Mảnh đất làng Đông Yên, xã Xuyên Trường ngày ấy chịu sự tàn phá khốc liệt của
chiến tranh. Quân Mỹ, quân ngụy, quân Nam Triều Tiên thay nhau càn quét, đốt phá
để tạo lập vành đai trắng. Trong ký ức của G.W. Dennis còn nhớ: Ngôi làng vừa bị
tấn công dường như hoang vắng không một bóng người, không còn con vật nào và cũng
không có xác ngưồi chết. Hình như cả làng đã di chuyển sang vùng khác. Khi ông đang
đứng giữa ngôi làng thì phát hiện một ngôi nhà bị cháy. Kiểm tra ngôi nhà thì
nhìn thấy tấm hình phụ nữ có vài dòng chữ ghi ở mặt sau. Dennis nghĩ đây là tấm
ảnh gia truyền nên cất giữ trước khi bị lửa thiêu rụi. Theo ông Lê Thành Toán
(1932) - người con thứ 5 của mẹ, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo huyện ủy thì có
thể trong lúc vội vả chạy địch càn quét, mẹ ông không kịp mang bức họa đi, đến
khi quay lại thì mọi thứ đã không còn. Riêng về ông Dennis, khi mang bức chân
dung mẹ Phan Thị Diễn về Úc, ông đã suy nghĩ rất nhiều và luôn đau đáu với việc
trả lại cho gia đình của người trong ảnh nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Cuối
cùng, ông đã gởi bức chân dung cho dự án Những linh hồn phiêu bạt (thuộc trung tâm nghiên cứu Xung đột vũ trang
và xã hội Australia) với hy vọng qua sự hợp tác của Báo Dân trí và trung tâm
tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN - Hà Nội) sẽ có độc giả tham gia hỗ trợ việc tìm kiếm thân nhân
của bà mẹ trong ảnh ở Việt Nam.
Người con trai lớn trong nhà là đứa
con thứ 3 của mẹ, ông Lê Sang (còn có tên
khác là Vũ Năng Luyện) năm nay đã
tròn 85 tuổi, trong buổi đón nhận lại di vật của gia đình đã bày tỏ: “Hôm nay, trong niềm vui đi nhận lại bức chân
dung, tôi cảm thấy như gặp lại mẹ tôi và em ruột tôi - họa sĩ vẽ bức chân dung.
Cuộc hội ngộ ly kỳ mang dấu ấn tâm linh này có thể đã không xảy ra và bức tranh
đã có thể trở thành tro bụi trong khói lửa chiến tranh, nếu nó không có được
G.W. Dennis cất giữ với lương tâm trong sáng và cao cả. Có được diễm phúc này,
trước hết gia đình tôi, con cháu trong tộc họ tôi mãi mãi biết ơn Dennis - cựu
binh Úc đã dành cho mẹ tôi một nghĩa cử vô cùng quí báu, đồng thời nghĩa cử cao
đẹp của ông cũng là minh chứng cho tình người vượt lên sự tàn bạo, độc ác khủng
khiếp của chiến tranh....
Cám
ơn cuộc hội ngộ này, vốn đẹp tự thân thêm thiêng liêng vì mang nét tri ân quá
khứ. Những linh hồn phiêu bạt được xã hội quan tâm truy tìm và kết nối, tuy
chưa thỏa mãn được hết dù chỉ được một phần, chúng ta cũng cảm thấy vui vì
không phụ lòng người đã khuất”.
Nghe được những lời nói tận đáy lòng của
một người lính già đã từng trải qua 2 cuộc chiến tranh và những lo toan, vất vả
của cuộc sống thường nhật, tôi cảm nhận được cái nhìn sâu sắc, trọn vẹn của ông
Lê Sang về những giá trị của quá khứ đối với hiện tại. Việc giữ lại một bức chân
dung và trả lại cho người sở hữu sau 40 năm của cựu binh Úc G.W. Dennis không hề
là một việc đơn giản, bình thường trong cuộc sống nếu bản thân không nhận rõ các
giá trị nhân văn và tình người cao cả. Ông có thể không nhặt lên và cất đi như đã
làm, hoặc vứt bỏ nơi quê nhà sau khi trở về thì không thể có niềm vui vỡ òa đối
với một gia đình, rộng hơn là một dân tộc ở ngày hôm nay. Ý thức được giá trị
thiêng liêng của “Bức ảnh gia truyền”
thật đáng trân trọng. Với ông Lê Sang, có lẽ bức chân dung ấy chính là người mẹ,
người em bằng xương, bằng thịt vẫn còn đang hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày,
luôn nhắc nhở những người còn sống cũng như lớp con cháu sau này nhớ về mảnh đất
làng Đông Yên, xã Xuyên Trường một thời đạn bom và tang tóc nhưng thấm đậm tình
người với những ai khi đã đặt chân đến.
Hoài Sơn – Ban Tuyên giáo huyện ủy Duy
Xuyên