Cũng như bao làng quê
khác trên đất nước Việt Nam thân thương, làng Mỹ Xuyên Đông, Thị trấn Nam Phước,
huyện Duy Xuyên được bồi đắp bởi dòng sông Mẹ Thu Bồn, với cây đa, bến nước sân
đình, cùng với những con người nông dân chân phát, hiền từ. Nhưng ít ai biết
được rằng, ngay giữa lòng đô thị Nam Phước vẫn đang tồn tại một ngôi làng cổ Mỹ
Xuyên Đông, lưu giữ đầy đủ 32 đạo sắc phong từ thời Minh Mạng đến thời Khải
Định.
Làng Mỹ Xuyên Đông hình thành cách đây gần 550
năm. Theo Ông Nguyễn Quang Ấn, năm nay đã 84 tuổi, Trưởng Ban Trị sự làng Mỹ
Xuyên Đông cho biết, năm 1471, sau khi lập ra Đạo Thừa tuyên thứ 13 ở Quảng
Nam, vua Lê Thánh Tông đã để cử Chánh đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công cùng 12
vị tướng khác ở lại vùng đất vừa mới khai lập để giữ vững bờ cõi, làng Mỹ Xuyên
Đông hình thành từ đó.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho đào con sông dài gần
5 Km, chia làng thành 2 làng: Mỹ Xuyên
Đông và làng Mỹ Xuyên Tây. Hiện, con sông này vẫn còn dấu tích là một vùng
trũng rộng, kéo dài từ Cầu Chìm vòng qua làng Mỹ Xuyên Đông, làng Mỹ Cựu, làng
Mỹ Xuyên Tây đến phía đông cầu Câu Lâu, chạy ra đến làng nghề dệt chiếu truyền
thống Mỹ Phước, xã Duy Phước. Từ khi có con sông chạy qua giữa làng, Mỹ Xuyên Đông
hình thành cảnh trên bến, dưới thuyền đông vui tấp nập.
Làng Mỹ Xuyên Đông ngày đó rộng 1.700 mẫu (tương
đương 850 ha) nằm ở bờ Nam sông Thu Bồn, toàn bộ là đất công điền. Nơi đây
ngoài thôn xóm liền kề đông đúc với những ruộng lúa rộng lớn, còn có nhiều bãi dâu
ven sông như bãi dâu Đông Khương (nằm sát bên Dinh trấn Thanh Chiêm, Điện Bàn),
bãi dâu Đền Đài (gần Cầu Đen cũ, đường qua vùng Gò Nổi), bãi dâu Chơn Tâm (phía
Cầu Chìm). Vì vậy, nghề dâu tằm sớm phát triển ở Mỹ Xuyên Đông.
Ngày nay, làng Mỹ Xuyên Đông, dân cư đông đúc, nhà cửa liền kề, trải
dài hai bên đường liên thôn, dân số khoảng 5000 người, với 30 tộc họ, có ngôi chùa Phật giáo Đông Bình do sư nữ trụ trì,
có thánh thất Cao Đài. Ngôi chợ Đình hình thành cả trăm năm nay, dưới gốc cây đa
tỏa bóng, vươn cành che mát cả nửa sào đất, dòng kênh cấp 1 trạm bơm Xuyên Đông
chạy giữa làng tưới tắm cho những vườn mận trĩu quả, giàn bí đao, khổ qua, ruộng
bắp xanh ngát và gần 500 Ha đất lúa.
Ở phía tây làng còn có bến nước. Bến nước của làng có tên là bến
Giá. Tương truyền rằng, năm đó, chúa Nguyễn Phúc Lan đang giương thuyền rồng
thưởng ngoạn phong cảnh thì bỗng đâu trên bờ văng vẳng tiếng hò: "Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/Thiếp thương
phận thiếp má hồng hái dâu/Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/Thiếp thương phận thiếp
hái dâu một mình". Vua bèn sai lính dừng thuyền rồng lên bờ tìm thôn
nữ vừa hát và đưa về cung, sau này bà là Hiếu Chiêu Hoàng hậu. Từ đó, nơi
thuyền vua dừng lấy tên là Bến Giá.
Nhưng theo ông Văn Công Chân, Phó Ban trị sự làng, là một người am
hiểu rất tinh tường về lịch sử làng Mỹ Xuyên Đông thì cho rằng: Cái tên Bến Giá
gắn với nghề làm giá đậu xanh. Trước đây, cát ven sông Thu Bồn trắng, sạch nên
bà con sử dụng cát để rấm giá và đem giá rửa ở bến sông nước trong vắt, lâu dần
người làng gọi quen thành Bến Giá.
Tuy có thể chưa phải là làng cổ nhất xứ Quảng
nhưng Mỹ Xuyên Đông có quyền tự hào là làng sở hữu nhiều sắc phong nhất Việt
Nam hiện nay. Các vua triều Nguyễn, từ năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đến năm Khải
Định thứ 9 (1924) đã ban cho làng 32 Đạo sắc phong.
Các vị thần được phong cho làng bao gồm những vị cao quý
nhất trong hệ thống phong thần của triều Nguyễn như: Đông Hựu Thuận, Đông Quảng
Hậu, Bạch Mã Tôn... Và đặc biệt, sắc phong của vua Minh Mạng ban năm 1824 thuộc
hàng sắc phong cổ nhất còn được lưu giữ ở Quảng Nam.
Để có thể bảo tồn trọn vẹn 32 đạo sắc phong
trước dòng biến thiên của lịch sử và bao trận càn quét của giặc, người dân Mỹ
Xuyên đã tốn không ít công sức. Các bô lão trong làng kể lại rằng, thời chiến
tranh, mặc cho mưa bom, bão đạn, cả làng chuyền tay nhau giữ sắc phong đến
cùng. Hiện 32 sắc phong đang được cất giữ cẩn thận tại nhà ông Nguyễn Văn Thanh
84 tuổi, ở xóm Mỹ Nga, thôn Xuyên Đông 1.
Không những thế, hiện làng Mỹ Xuyên Đông còn có
bộ lư đồng, nặng gần 150 Kg, với lư hương to đồ sộ, cặp chân đèn to bằng bắp chân
người lớn cao gần 1 mét.
Ông Văn Công Chân- Phó ban trị sự làng Mỹ
Xuyên Đông cho biết: :“Đến hôm nay, 32 sắc
phong vẫn được lưu giữ và bảo quản cẩn thận. Đó là báu vật quý giá mà làng
chúng tôi thừa hưởng được. Thế hệ chúng
tôi và con cháu luôn ý thức và ghi nhớ công ơn của các vị tiền hiền, nhất là vị
hùng long hầu Lê Qúy Công. Nhờ vậy mà chúng tôi có mảnh đất phì nhiêu làm ăn,
sinh sống. Chắc chắn rằng, con cháu sau này luôn phát huy đạo lý uống nước nhớ
nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, gìn giữ và tôn kính 32 đạo sắc phong”.
Do thiên tai địch họa nên những chứng tích của làng gần như bị xóa
mờ, song gần nhà ông Nguyễn Quang Ấn- Trưởng ban trị sự làng vẫn còn cái giếng
có niên đại gần 150 năm. Theo ông Ấn, từ nhỏ ông đã thấy cái giếng này rồi và
cha ông kể lại rằng cái giếng này là của ông Nguyễn Văn Tiến (đã mất). Giếng được
xây bằng đá tảng, miệng hình vuông, sâu hun hút, nước đầy quanh năm. Bây giờ
người ta không dùng nước giếng đào nữa nên bà con trong xóm dùng lưới B40 rào để
bảo vệ. Trước kháng chiến chống Mỹ, tại làng còn có trường hát chợ Đình, đêm đêm
nam thanh nữ tú dìu dặt rủ nhau đi xem hát, xóm làng nhộn nhịp, đông vui.
Bây giờ, mỗi năm, vào ngày 12.2 Âm lịch, làng Mỹ
Xuyên Đông lại tổ chức lễ Tế xuân cầu an, với phần lễ nghiêm trang, con cháu
trong làng dâng cúng những sản vật làm ra từ mảnh đất màu mỡ của làng, để tỏ lòng
ghi lòng, tạc dạ, tri ân công đức các bật tiền nhân, đã có công khai cơ lập làng,
lưu giữ cho muôn đời sau; phần hội tưng bừng náo nhiệt với những trò chơi dân
gian mang đậm bản sắc của văn hóa lúa nước. Trong những ngày hội làng con cháu
trong làng cùng quần tụ về đình làng, ngồi dưới gốc đa nghe các bô lão kể
chuyện, căn dặn phải quý trọng những báu vật mà cha ông hàng trăm năm nay đã
cất công tạo dựng và gìn giữ.
Bà Lưu Thị hiền Phương- Trưởng phòng Văn hóa
và Thông tin huyện Duy Xuyên khẳng định:“Đây
là ngôi đình có nhiều đạo sắc phong nhất Việt Nam. Vì vậy, nhằm bảo tồn và phát
huy các giá trị di tích đó, hàng năm, ngành có sự phân công, phân cấp cho địa
phương để quản lý, hỗ trợ, tào điều kiện tổ chức lễ hội, tôn tạo, trùng tu để bảo
tồn. Và trong chương trình nhà trường thân thiện, học sinh tích cực, đã lồng
ghép giáo dục di sản, di tích vào đây. Đồng thời, huyện đã có chủ trương xã hội
hóa công tác tổ chức lễ hội và trùng tu tôn tạo. Qua đó, nhân dân đoàn kết,
cùng nhau giữ gìn tôn tạo di tích và giáo dục thế hệ mai sau”.
Ngôi làng gần 550 năm hình thành gắn liền với danh tướng Hùng Long
Hầu Lê Quý Công, mộ của ông được công nhận lịch sử cấp tỉnh vào năm 2006 . Đình
Mỹ Xuyên Đông được xếp di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2011. Người dân làng Mỹ
Xuyên Đông giữ gìn 32 sắc phong như là báu vật của làng, của mỗi gia đình, tộc
họ và kế thừa, phát huy truyền thống của cha ông trong công cuộc xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Hoàng Thơ