Những làng nghề một thuở “theo sông”, như cuộc đi của đời người. Ngang qua những bến, những làng, gom nhặt câu chuyện của nghề truyền thống – nghe như những nốt lặng lửng lơ sau mỗi điệu hò trên chuyến đò ngang dọc dòng sông.
|
Ông Nguyễn Đình Lắm 30 năm qua vẫn giữ chiếc chảo nấu mật làm đường bát - một kỷ vật về nghề gia truyền. |
Dẫu biết như một quy luật, không điều gì là bất biến, không điều gì vẹn nguyên, nhưng khi con đò vừa cập bến cũ, lại nghe lòng xao xác vì những tiếc nuối. Quê tôi nằm ngay ở làng Đại Bình, một thuở nổi tiếng với nghề tằm tang, ngay ở khúc thượng nguồn này. Dâu xanh ngắt bãi. Dâu trải rộng chập chùng ngút ngàn tầm mắt. Từ bến Gà Tang (người dân địa phương gọi trại thành Cà Tang), bến Đại Bình, bến đò nào thuở ấy cũng ăm ắp ghe chờ hái dâu về nuôi tằm. Con gái Gà Tang khi ấy không dệt lụa giỏi bằng người Đại Bình. Mặc dù khung cửi hay cách giăng tơ, cũng đều từ một thầy dạy. Đò thuở ấy hết xuôi dòng chở lụa về Hội An, lại ngược nguồn chờ khung lụa mới. Chưa vào đến làng đã nghe tiếng kẽo kẹt dệt vải. Ở cái đoạn núi cao sông dài này, chỉ cần một nghề như vậy thôi, đã đủ nức tiếng xa gần. Nhưng cái nghề tằm tang này không phải xuất phát từ những ngôi làng ở đầu nguồn Thu Bồn. Phải đi về nơi lòng sông rộng nhất, bờ bến mênh mang, mới đúng là quê xứ của những khung cửi cũ, tấc vải xưa. Những ngôi làng trên thượng nguồn Thu Bồn chỉ là cái cớ để nhắc rằng, phù sa của sông Mẹ là nguồn nguyên liệu vô tận đối với làng nghề và là thứ để nuôi nấng đời sống con người. Từ bao đời, trong tâm thế đi tìm kiếm và khai phá mảnh đất mới từ thuở xưa xa, con người luôn biết phải nương vào điều kiện tự nhiên mà sinh tồn. Nên dễ thấy, dọc dài Thu Bồn, hầu như bờ bãi nào ngày trước cũng tràn ngập màu xanh của nương dâu.
Khúc sông Thu Bồn ôm qua Duy Trinh (Duy Xuyên), Gò Nổi (Điện Bàn) vẫn xanh ngắt đến nao lòng. Nhưng cũng như đò Trung Phước, bến Đại Bình, lòng người không tránh khỏi những nụm nịu của quá khứ. Còn đâu cảnh nàng thôn nữ hái dâu bên triền sông, buông tiếng hát lững lờ giăng mắc trái tim lữ khách. Có còn đâu thanh âm rộn ràng, đứng phía này sông vẫn mường tượng được cảnh người thiếu nữ đang ngồi quay tơ, cả làng chộn rộn và đầy màu sắc. Tất cả đã không còn. Xứ của “Bà chúa Tằm tang”, một thuở “người Phủ Thăng, Phủ Điện dệt được các loại the, đoạn, lụa, là hoa hòe chẳng kém gì Quảng Đông” (Phủ biên tạp lục - Lê Quý Đôn), giờ chỉ còn những nỗi buồn nhớ về dĩ vãng. Người làng Đông Yên (Duy Trinh, Duy Xuyên), quê xứ của Đoàn Quý Phi - Bà chúa Tằm tang, mỗi chiều lại dõi mắt về phía sông, như những ngóng ngoải về thuở hưng thịnh xưa. Hậu duệ của gia tộc họ Đoàn - ông Đoàn Giáp, giờ cũng đành gác khung cửi lên xà nhà, bán lại máy móc, đồ nghề. “Phá bỏ cái nghề của cha ông là một cái tội. Nhưng khó khăn quá! Chúng tôi không giữ được nghề” - ông Giáp nói. Trong gia tộc họ Đoàn chỉ còn ông Đoàn Lượng vẫn gắng gỏi với nghề, “được ngày nào hay ngày ấy” vì cái tiếng 400 năm tơ lụa Đông Yên. Nhưng chỉ có mình ông, khó lắm!…
*
* *
Trong bút ký “Đứa con phù sa”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết rằng “trong khoảng một nghìn năm trăm năm từ ấy đến giờ, trải biết bao hoạn nạn của trời đất, thế mà cái dòng chảy của sông Thu Bồn hầu như không thay đổi”. Dòng chảy không đổi, sông vẫn đắp bồi những tốt tươi cho cuộc sống con người, nhưng đúng như bản chất cuộc đời, không thứ gì mãi ở yên. Rời Đông Yên trong niềm nhớ tiếc, lại gặp cảnh người giữ khư khư chảo đường ở Bảo An (Gò Nổi) đã mấy chục năm ròng. Cái nghề hình thành nên cả địa danh, nên tên của con bến, giờ cũng ngậm ngùi trôi theo dòng chảy của sông. Mà Bảo An đâu chỉ có nghề đường bát (hay đường táng). Đất bên sông này còn là một thời thịnh phát của nghề dệt vải, từ dệt vải ta - một sản phẩm đóng góp khá lớn cho phong trào Duy tân của Quảng Nam, đến nghề dệt tussor - từng một thời thay cho vải ngoại của Pháp để may âu phục cho người giàu có, nghề dệt hàng, dệt lãnh; nghề nấu rượu... Nhưng Bảo An xưa, nổi tiếng nhất phải nói đến đường. Bến Bảo An được thương lái gọi tên thành Bến Đường. Các lái buôn từ thượng nguồn chở về lâm sản, thổ sản các loại, thường ghé vào Bến Đường tiếp thêm mặt hàng đường bát, trước khi xuôi Hội An, ra Đà Nẵng. Đường của Bảo An được chuyên chở bán đi nơi khác bằng đường sông, xuất phát từ bến ghe này. Những cụ già dựng nhà bên bến sông kể rằng, ngày xưa ở Bến Đường thường có vài chục chiếc ghe đậu qua đêm. Một số chủ ghe sống nhiều đời như gia đình ông Kiểm Lài, ông Thơ trở thành vạn ghe. Tại bến có đội khuân vác hàng chục người vận chuyển hàng hóa, có cả xe kéo, kéo người và hàng hóa. Nhưng nghề cũ không còn. Khi bãi mía ven sông bị phá bỏ, cũng là lúc người người ở Bảo An nghỉ nghề làm đường, sau khi tồn tại ngót gần 4 thế kỷ (từ thế kỷ XVII). Ông Nguyễn Đình Lắm hơn 30 năm nay vẫn giữ chiếc chảo nấu mật làm đường - một kỷ vật về nghề gia truyền, vẫn không ngờ rằng, có ngày Bến Đường chỉ còn là một cái tên của bến sông, trong ký ức xa mờ của những người đã chạm ngưỡng tuổi 50. Bát đường vàng ươm màu mật, giờ biết tìm nơi đâu, trên những ngôi làng dọc dài sông quê?
Đò đến Câu Lâu, nghệ nhân đất nung Lê Đức Hạ nơi Bến Xích (Điện Phương, Điện Bàn) nhắc chuyện, những hòn đất quê mình, dòng nước Thu Bồn trong vắt này, hay cả ngàn năm trầm tích ẩn mình dưới sông sâu, đều là những câu chuyện nuột nà của niềm yêu thương. Nên sông, sẽ luôn công bằng để người nơi ấy chọn đường sống tốt nhất. Với Lê Đức Hạ, ông chọn đất sét bên dòng Thu Bồn làm nguyên liệu chính trong suốt hành trình kể câu chuyện của đất với niềm đam mê “đượm như gỗ trắc cứ âm ỉ cháy”, làm nên những sản phẩm gốm hoàn hảo trong mắt người xem.
Tiến về sâu hơn, cả trục không gian lẫn dặm dài thời gian, cũng bên bến sông nơi Thu Bồn neo lại, một làng gốm hình thành từ thế kỷ XV và phát triển song hành cùng cảng thị Hội An từ bấy đến nay. Làng gốm Thanh Hà đủ bề dày lịch sử để nhận lãnh sứ mệnh là một bảo tàng sống, nguồn tư liệu quý hiếm để các nhà khoa học, nhà văn hóa tìm hiểu nghề gốm Đông Nam Á đặt trong nhiều giai đoạn, bối cảnh. Chính sự thương khó bền bỉ, cái tâm của người sống bên sông hiền lành, nên trước sự nghiệt ngã của thời gian, Thanh Hà - cũng như những làng nghề truyền thống ở khúc hạ du Thu Bồn này, từ lồng đèn Hội An, làng mộc Kim Bồng… vẫn luôn đầy lên sức sống để tồn tại. Dù vẫn còn nhiều ngóng ngoải, dù lắm những thách thức từ một thị trường sôi động, những nghề - làng nghề còn sống được, tìm cách sống, tin rằng sẽ kiên gan như sông Mẹ Thu Bồn qua nhiều bận bể dâu.
Đã từng có rất nhiều dự án kết hợp giữa việc phát triển làng nghề và du lịch, muốn vậy, làng nghề phải thật sự là một chuỗi nối kết trên cung đường du hành của khách. Những làng nghề ven sông Thu, với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, với những trầm tích văn hóa đủ dày dặn, nếu được nối kết cùng nhau, sẽ tạo ra sản phẩm du lịch đầy sức hút. Còn chúng tôi, trong suốt cuộc hành trình, cứ mong sao nhìn lại được nương dâu xanh ngát thuở nào!
Theo Báo Quảng Nam.