A+ A A-

Sắc phong lưu danh một dòng họ

alt
Ông Phạm Văn Nghi người thủ từ, là con cháu đời thứ mười hai của tộc Phạm Văn ở thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thành kính thắp nhang vái xin ông bà cho mở gia phả rồi  nhẹ nhàng kính cẩn lấy trong trắp ra hai tấm sắc phong và cuốn gia phả. Ông làm công việc này như là một sự hệ trọng, đụng đến bảo vật của dòng họ.
 Họ Phạm Văn ở thôn An Lương, xã Duy Hải từ buổi khai cơ, lập nghiệp cho đến bây giờ đã trải qua hơn 3 thế kỷ, với 13 đời. Vị thủy tổ tiền hiền đệ nhị phái của tộc Phạm Văn ở thôn An Lương là ông Phạm Đại Lang, vào năm 1694 đến mảnh đất xã An Lương, Tổng An Thạnh, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (thôn An Lương, xã Duy Hải ngày nay) khai cơ lập nghiệp, con cháu đời này qua đời nọ kế nghiệp cha ông bám biển. Ông Phạm Lương, năm nay đã 83 tuổi, Trưởng tộc họ Phạm cho biết: “Con cháu mười mấy đời nối nhau làm biển và thay nhau giữ gia phả. Càng về sau, chữ Hán chữ Nôm càng ít người biết, nên cứ cất giữ đó mà chả ai biết trong ấy viết gì. Đến năm 1994, tôi mang qua Hội An thuê người dịch. Từ đó, ngoài chuyện tên tuổi các vị, chi, phái, ông bà con cháu qua các đời… thì chúng tôi mới biết tộc mình có mấy vị làm  quan to của triều đình, có cả sắc phong vua ban”.
alt
Hai sắc phong bằng lụa vàng mặc dù đã ngả màu, nhưng vẫn còn tương đối nguyên vẹn với dấu triện đỏ tươi. Nội dung chính là khen tộc Phạm đã có 2 vị quan lớn có công với triều đình là ông Phạm Văn Đường đời thứ tư làm tới chức Hoàng triều Đô úy Phó quân cơ và ông Phạm Văn Cục, đời thứ 5 làm chức Hoàng triều Thủy sư Chưởng vệ 3 đoàn quân thủy. Ông Đường là cha ông Cục. Điểm đặc biệt của một trong 2 sắc phong này, là vua ban sắc khen cho bà Nguyễn Thị Hốt, là vợ ông Phạm Văn Đường được phong danh bà là Tam phẩm Chánh phu nhân, với lý do bà đã có công lo lắng gia đình để chồng yên tâm phò vua giúp nước. Lại khen bà có công nuôi con là ông Phạm Văn Cục khôn lớn, học hành đàng hoàng, nối nghiệp cha làm đến chức Thủy sư. Sắc phong khen tặng bà Nguyễn Thị Hốt có câu : “Đức thục trường lưu bất hủ chi danh”. Sắc phong nầy được ban tặng vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Minh Mạng thứ 21, tức năm Tân Sửu 1841.
alt
Trong cuốn gia phả họ Phạm Văn có nêu thêm một người nữa là ông Phạm Văn Trận đời thứ năm, làm đến chức đứng đầu lực lượng lính thủy là Thủy soái Chưởng vệ đại tướng quân. Theo ông Phạm Lương, cụ Trận chính là người lập gia phả của tộc, vì thời điểm đó cụ là tộc trưởng. Hài cốt, bia mộ khắc tên cụ Trận được lập ở Huế, sau mới đưa về an táng tại nghĩa trang gia tộc tại thôn An Lương, xã Duy Hải. Ông Phạm Lương cho biết, ông nhờ người dịch các tài liệu chữ Hán trong bản sắc phong, con cháu ngày nay mới biết được cha ông xưa đã đi biển, làm nên chức tước to, có công lớn với triều đình. Thời chống Pháp và chống Mỹ, con cháu họ Phạm mang bản sắc phong gửi vào chùa Thanh Lương Tự. Năm 1967, giặc cày  trắng vùng đất Duy Hải, ông thuê người mang sang bên Cẩm An để gởi, rồi sau đó gia đình ông tản cư ra Đà Nẵng mang theo hai bản sắc phong và sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, gia đình ông về lại làng xưa, mang về bản sắc phong thờ cúng tại nhà thờ tộc cho đến ngày nay.
alt
Hai tấm lụa như báu vật của con cháu tộc Phạm, sau mấy trăm năm đất nước loạn lạc mà bây giờ nét chữ vẫn còn sắc nét. Mới đây, tại lễ khai mạc khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế- Xã hội Đà Nẵng cho biết, sắp đến các cơ quan chức năng sẽ tra cứu, sưu tầm hai bản sắc phong ở thôn An Lương, xã Duy Hải để đưa vào lưu giữ xem đây là tư liệu quý, một chứng cứ lịch sử góp phần khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Ông Phạm Văn Nghi, cẩn trọng đặt hai tờ sắc phong và cuốn gia phả vào trắp gỗ đã ngã màu thời gian, chia tay chúng tôi, ông vội vàng chuẩn bị đi biển. Tộc họ Phạm Văn ở thôn An Lương, xã Duy Hải con cháu đông đúc, hơn 50 gia đình, giỗ Tổ tiền hiền vào ngày 20.5 âm lịch hàng năm. Bây giờ, con cháu đi các nơi làm đủ thứ nghề để sinh sống, còn khoảng chục hộ tiếp nối nghề đi biển của cha ông. Dù đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nghề để mưu sinh, đến ngày giỗ Tổ hàng năm con cháu tộc Phạm Văn đều tìm về làng An Lương, xã Duy Hải thắp nén nhang thành kính dâng lên ông bà tổ tiên, nhắc nhở nhau giữ gìn truyền thống của cha ông và cùng nhau lưu giữ bảo vật của dòng họ là hai tấm sắc phong.

                                                                         Hoàng Thơ

 

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797768
Hôm nay
Hôm qua
1889
10160