Nói đến Hồ Thấu chúng ta nghĩ ngay đến một
trí thức cách mạng, một nhà thơ tài hoa. Nhà thơ Huy Cận từng viết: “Tưởng niệm
Hồ Thấu, chúng ta tưởng niệm một nhà thơ tài hoa, xuất sắc bạc mệnh đang đà nảy
nở”
Hồ Thấu có bút danh Huyền Thông, sinh năm
1918, tại thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, trong một gia đình nhà
nho có truyền thống hiếu học và yêu nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tham
gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại phủ đường Duy Xuyên, Hồ Thấu
được nhân dân tín nhiệm cử vào Ủy ban cách mạng lâm thời phủ Duy Xuyên, được
phân công Ủy trưởng phụ trách công tác văn hóa, tuyên truyền. Với lòng nhiệt
tình cách mạng và sự năng động của người cán bộ trí thức trẻ, trong một thời
gian ngắn, đồng chí đã vận động tổ chức được nhiều lớp học truyền bá quốc ngữ
xóa nạn mù chữ, xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ đều khắp ở các thôn xã của
huyện Duy Xuyên. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Hồ Thấu được
Tỉnh ủy Quảng Nam điều động về làm Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Nam,
đặc trách công tác trí thức, công tác văn hóa, văn nghệ.
Ngoài hoạt động chính trị, Hồ Thấu
vừa dạy học vừa làm thơ, viết văn, sáng tác kịch bản. Tài năng của ông được bộc
lộ khá sớm, từ lúc còn là học sinh trung học ở Quy Nhơn và Huế. Thời còn tuổi
học sinh trường Quốc học Huế, nhà thơ Huy Cận đã viết về Hồ Thấu vào giai đoạn
này như sau: “Anh Thấu và tôi đều học trường Quốc học Huế, tôi lớp trước, anh
lớp sau. Lúc ở trường tôi đã nghe nhiều bạn nhắc đến thơ anh, nhưng thơ anh ít
đăng báo nên chưa được phổ biến rộng rãi”. Dù vậy, mãi về sau này, suốt những
tháng năm hoạt động cách mạng cho đến ngày qua đời (1949), Hồ Thấu sáng tác
cũng không nhiều, hầu như chỉ là những bài thơ viết ra để chuyền tay cho bạn bè
và đồng đội đọc. Thế nhưng cái đẹp của một trái tim thi sĩ và khát vọng chân
thành đã chiến thắng được thời gian.
Những năm dạy học tại trường Tân
Tân, Hồ Thấu sáng tác nhiều bài thơ vừa làm tài liệu giảng dạy, vừa tuyên
truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng: “Bạn có nghe muôn
trùng sóng dậy/Bạn có thấy khắp nhân gian máu chảy/ Đời lên rào rạt triều mênh
mông/ Lửa hạn muôn trung chảy núi sông...”. Ông kêu gọi các tầng lớp trung
gian, trí thức đứng lên nhập vào cao trào cách mạng: “Kẻ lo chi định mệnh/ Kẻ
ôm chi kinh thư/ Kẻ chờ chi ngày tạnh/ Kẻ mở chi trường tư/ Hãy đứng dậy lên
đường/ Nhập vào lòng biển cả/ Đời không còn xa lạ/ Đời chỉ là mến thương” (Lên
đàng, 1944).
Chứng kiến cuộc sống của người dân
mất nước, luôn luôn khao khát với tự do, độc lập, Hồ Thấu đã sớm hóa thân nhập
cuộc với phong trào vận động cách mạng ở ngay trên quê hương mình: “Thấy đời
còn quặn khổ đau/ Mắt trong sầu héo trước màu đục nhơ/ Lên đường như đứa trẻ
thơ/ Kể gì nguy hiểm bụi bờ chông gai”. Khi được tiếp xúc cơ sở cách mạng và
được giao nhiệm vụ truyền bá rộng rãi những tài liệu tuyên truyền vận động cách
mạng của Việt Minh, đồng chí đã làm việc không kể ngày hay đêm, biến cả phòng
ngủ của mình thành cơ sở in nhân sao tài liệu, rồi đem đi phân phát nhiều nơi,
cổ vũ phong trào vận động cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong
học sinh, sinh viên, trí thức có tư tưởng yêu nước tiến bộ. Trong những năm đầu
cuộc kháng chiến chống Pháp ở Quảng Nam, ở trường học, các cơ quan... đâu đâu
mọi người cũng thuộc lòng thơ Hồ Thấu. Thơ ông mang khí phách cách mạng, mang
tính kêu gọi nhưng vẫn toát lên một tâm hồn lãng mạn của người thanh niên cộng
sản.
Giữa lúc tài năng đang được phát huy
và góp phần vào những thắng lợi bước đầu của quân và dân Quảng Nam sau 2 năm
tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì Hồ Thấu lâm bệnh - căn bệnh
lao phổi, lúc bấy giờ chưa có thuốc đặc trị. Trên giường bệnh đồng chí vẫn tiếp
tục làm thơ nói lên nỗi nhớ quê hương, bạn bè da diết: “Nắng reo ta nhớ đường
xa/ Nhớ đàn bướm trắng, nhớ hoa ven rừng” (Nhớ đường, 1947). Và nhớ những đoàn
cán bộ đi công tác: “Ai đi sứ mệnh nặng vai/ Lòng vui nhiệm vụ chẳng nài gian
lao/ Nằm đây ta nhớ thao thao/ Nhớ sông, nhớ núi, dạt dào bốn phương/ Bao giờ
gió mới gặp hương/ Trời xanh chân rộng, dặm đường thênh thênh...”.
Ở tuổi 30, trước mắt mình cái chết
đang cận kề, song đồng chí vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào tương lai tương
sáng của dân tộc. Chính những ngày giằng xé đau đớn với bệnh tật trong một ngôi
miếu cũ giữa bãi cát nắng cháy Tam Thăng, con người thi sĩ của Hồ Thấu đã tỏa
sáng hơn bất cứ bao giờ hết. Trong một thế giới mà sự cô đơn cùng với căn bệnh
nan y vây bủa, Hồ Thấu âm thầm chống chọi với sự tuyệt vọng. Vào những ngày
tháng đó, khoảnh khắc đó, nguồn cảm của thi sĩ thể hiện rõ bước đi định mệnh
của mình đến bờ bến vô cùng: “Chiều lên theo nẻo đẹp thơ/ Ra đi chỉ tiếc cuộc
cờ thiếu tay”. Đứng bên bờ tử sinh mà câu thơ đẹp một cách kiêu sa. Và hiệu quả
là sức sống của thơ Hồ Thấu đã gieo vào lòng công chúng những cảm xúc mạnh mẽ,
khó quên. Đây có thể nói là bể chứa của thời gian, qua những thanh lọc khắc
nghiệt, cũng của thời gian. Cái đẹp như một niềm tin vững chãi nâng con người
đứng dậy: “Một lần tin chắc tương lai/ Trời xanh, thơ đẹp, không ai, riêng
mình”.
Vào những ngày cuối tháng 12.1949,
Hồ Thấu ra đi. Trước đó, ông đã kịp sáng tác bài “Gửi Kỳ”. Đây là những lời
trăng trối, di chúc bằng thơ của người biết trước giờ phút ra đi để trở về với
đất: Chừ đây ôn lại đời ta/ Một đời trong trắng như hoa giữa đồng/ Ái ân chưa
bận tấc lòng/ Bạc tiền chưa bẩn túi không bao giờ/ Trong đời chỉ đẹp và thơ/
Yêu đời dù đến ngẩn ngơ cũng đành/ ...Mắt ta khô lệ từ lâu/ Mà lòng vẫn thấy
tủi sầu nhân gian/ Chết đi như khách qua đường/ Ôm đầy hoa lá giàu sang xuống
mồ/ Đời lên theo nẻo đẹp thơ/ Ra đi chỉ tiếc cuộc cờ thiếu tay/ Lên đường vững
bước mà say/ Ta vừa thức giấc sáng đầy bình minh/ ...Thấy đời còn quá khổ đau/
Mắt xanh sầu nhớ những màu đục nhơ/ Lên đường như đứa trẻ thơ/ Kể gì nguy hiểm
bụi bờ chông gai/ Một lòng tin chắc tương lai/ Trời xanh, thơ đẹp, không ai,
riêng mình.
Sau khi đồng chí qua đời, để tưởng
nhớ công lao của nhà trí thức cách mạng, nhà thơ tài hoa, bạc mệnh, Tỉnh ủy đã
lấy tên đồng chí đặt cho tên trường Đảng của tỉnh - trường Đảng Hồ Thấu.
Phòng Lịch sử Đảng
Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam