A+ A A-

Lãng du trên đất bờ nam Thu Bồn

Bờ nam sông Thu Bồn ẩn chứa cả bề dày lịch sử. Một ngày du hành sẽ thấy nhiều điều thú vị.
 alt
Rời Nam Phước. Bỏ lại sau lưng không gian đặc quánh tiếng ồn nơi thị trấn, để cơn gió buồn thổi qua hai trụ đá trơ trọi còn sót lại của Văn Thánh hàng huyện “trôi” qua vùng hoài niệm về cổ tháp. Cuộc hành trình về quá khứ, hiếm hoi lắm mới thấy một người đàn bà ra sông giặt áo. Những chiếc khung cửi cuối cùng được dỡ khỏi làng tằm vào một ngày cuối cùng của mùa đông. Nong kén xếp chất chồng lên gác đầy bồ hóng và ven sông chỉ còn lác đác thân dâu gầy guộc, trụi lá. Nhưng trên con đường băng qua làng lụa Mã Châu, Đông Yên ấy, vẫn còn nguyên một bến đò tơ, vài con đò đìu hiu trong nắng sớm, mưa chiều, cắm sào… chờ đợi trên dòng sông hoài niệm và gái làng lụa vẫn còn đẹp đến mê hồn. Có thể gặp trên kinh thành Trà Kiệu xưa sự đa dạng và phong phú của nền điêu khắc Chăm pa để lại trên mặt đất cùng giấc mơ gặp vàng sau mỗi đêm mưa… vẫn khiến người ta kinh ngạc. Một ngày lang thang, đắm mình trong thế giới lạ lùng của đền tháp, giữa ảo ảnh của những viên gạch vỡ, nóng lạnh thất thường theo những cuộc tranh luận hay chiêm ngưỡng nụ cười thầm kín của vũ nữ Apsara giấu mình giữa những tượng sa thạch, trước sự hoang tàn, đổ nát của di tích, cảm nhận sự ngậm ngùi trước những bước đi đầy trăn trở và đớn đau của lịch sử con người? Bởi không thể tìm thấy gì dưới lớp tro bụi thời gian về cảm hứng nào đã khiến vua Chăm chọn thung lũng này dựng đền thờ phụng tất cả triều đại vương quốc.
alt
Không chỉ có “thung lũng thần linh” hay những cánh đồng mơ tưởng, mảnh đất phía bờ nam sông Thu ấy cũng đã chứng kiến bao nền văn minh hình thành và lụi tàn trên các bến sông. Không ai lý giải nổi tại sao có một lát cắt khá sắc lộ diện một tầng văn hóa mỏng văn minh Sa Huỳnh đã hóa thành văn hóa Chăm pa được tìm thấy ở các hố đào khảo cổ tại Trà Kiệu mấy năm trước. Người ta có thể tìm thấy ở nghệ thuật điêu khắc đa dạng và phong phú nhất trong toàn bộ nền điêu khắc Chăm pa tại di tích Trà Kiệu về tâm hồn tinh tế, trong sáng, ấm áp và đầy mơ mộng của nghệ nhân ở kinh thành Simhapura. Sự chuyển đổi khá đột ngột này là do chiến tranh hay là sự tiếp nhận dòng văn hóa mới đến từ Ấn Độ, Nam Đảo…vẫn là mật ngữ. Các đồng tiền Ngũ Thù, Vương Mãng của nhà Tây Hán (đầu thế kỷ I trước CN) có trong các mộ chum hoặc một nhà sàn gỗ có niên đại khoảng 2.000 năm bị cháy thành than vùi sâu dưới 1 mét đất tại khu di chỉ Gò Cấm - Mậu Hòa… cùng với các mũi tên sắt, tiền đồng… đã chứng tỏ họ đã có sự bang giao kinh tế thương nghiệp và nền sản xuất hàng hóa khá phát triển. Nhiều học giả cho rằng chính sự va chạm giữa hai nền văn minh nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa; sự va đập các yếu tố văn hóa không ai kém ai để rồi dung hợp để trở thành bản sắc độc đáo của dân xứ Quảng? Điều đó còn tìm thấy trên những con đường làng vết dấu cổ xưa một thời mở đất của những lưu dân “kiêu hùng” từ Thanh Nghệ. Một cái giếng được gắn bia ở đình làng Ngũ xã Trà Kiệu hay chùa Lầu (Ngũ Thôn hay Nam Yên) - một công trình kiến trúc độc đáo mang dáng dấp nghệ thuật Ấn - Trung do Tuệ Tĩnh thiền sư sáng lập vào năm Ất  Hợi… và những ngôi nhà cổ ở Duy Sơn không có gì để ngắm nhìn mà chỉ như một không gian dễ chịu, thư giãn, sẵn sàng mở cửa đón chân người…

Chỉ một ngày đã như trải qua cuộc hành trình dài hàng thiên niên kỷ. Không thể dựng lại không gian mấy trăm năm hỗn cư của những nền văn minh khổng lồ của nhân loại đã lụi tàn trên mảnh đất này. Khách du hành chỉ có thể chọn cho mình một ngày lang thang phía bờ nam sông Thu để thấy chỉ một ngày như đã trải qua cuộc hành trình dài hàng thiên niên kỷ, một ngày như thấy cả ngàn năm xưa?

Trịnh Dũng

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797844
Hôm nay
Hôm qua
1965
10160