Khu di tích Mỹ Sơn gắn với một diện tích rừng
tự nhiên lên đến 1158 ha được Thủ tướng chính phủ ký quyết định khoanh vùng bảo
tồn, nằm bao trùm địa bàn các xã: Duy
Phú, Duy Hòa, Duy Sơn và trong đó có một phần diện tích rừng giáp ranh với xã Quế Trung, huyện Nông Sơn.
Phần lớn diện
tích rừng Mỹ Sơn là rừng tự nhiên, có hệ động thực vật đa dạng và phong phú.
Trong đó có một số loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam. Rừng cảnh quan Mỹ
Sơn là một phần quan trọng không tách rời trong giá trị lịch sử văn hóa Di sản
văn hóa thế giới. Do vậy, việc bảo tồn rừng đặc dụng Mỹ Sơn - Hòn Đền cũng có
nghĩa bảo tồn cho sự tồn tại của chính khu di tích. Trong đó, công tác phòng chống
cháy rừng là công việc lưu tâm của Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn.
Vì địa bàn rộng, tương đối phức tạp, có khí hậu
khắt nghiệt, lại gắn với hoạt động du lịch và hoạt động lâm nghiệp cư dân địa
phương nên đây là nơi có nguy cơ đối mặt với hỏa hoạn cháy rừng vào mùa khô rất
cao. Ông Nguyễn Duy - Đội trưởng Tự vệ Mỹ
Sơn cho rằng: “Chỉ cần một mẫu tàn thuốc,
một đám lửa trong một buổi sinh hoạt tập thể, Mỹ Sơn cũng có thể xảy ra cháy lớn”.
Cho nên công tác bảo vệ rừng được xác định là vô cùng quan trọng như công tác bảo
vệ di tích, bảo vệ an ninh trật tự tại khu di sản này. Hiện nay, ngoài các lực
lượng liên ngành, trách nhiệm của địa phương thì Ban Quản lý Di tích và Du lịch
Mỹ Sơn là lực lượng tại chỗ trực tiếp trong quản lý bảo vệ. Theo ông Nguyễn
Công Hường, Trưởng Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn, phương án bảo vệ rừng
được xây dựng theo phương châm “bốn tại chỗ”, bao gồm lực lượng tại chỗ, hậu cần
tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ. Trong đó xây dựng lực lượng nòng
cốt là Đội bảo vệ và lực lượng tự vệ. Hai lực lượng này luôn duy trì trực sẵn
sàng cơ động phòng chống chữa cháy giai đoạn đầu trước khi có sự phối hợp với
các bên liên quan. Để chủ động đối phó mọi tình huống có thể xảy ra, Ban Quản
lý tiến hành tập huấn các phương án giả định trong việc tiếp cận hiện trường, đầu
tư trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu như vĩ dập lửa, bình chữa cháy, can nhựa, đồ
bảo hộ… Đồng thời cải tiến một số công cụ chữa cháy phù hợp với điều kiện thực
tế tại địa hình thung lũng Mỹ Sơn. Ngoài ra, công tác phòng ngừa luôn được xem
trọng. Việc phối hợp với các lực lượng liên ngành như kiểm lâm, xã Duy Phú tuần
tra truy quét rừng được duy trì thường xuyên hằng tháng, quý. Vào thời điểm những
ngày nắng nóng này, Ban Quản lý luôn cắt cử con người bám sát địa bàn, trực báo
cháy trong ngày. Cùng với đó là việc giáo dục nhắc nhở đến du khách và tuyên
truyền đến dân người dân tại địa phương.
Theo báo cáo qua nhiều năm của cơ quan Mỹ Sơn,
do làm tốt và chủ động trong công tác bảo vệ rừng nên diện tích rừng được bảo vệ
toàn vẹn. Sinh cảnh Mỹ Sơn ngày một đa dạng. Riêng tháng 8/2012, tại vùng lõi
di tích (vùng II - khu vực Thủy Điện) xảy ra một vụ cháy nhưng do có phương án
chủ động đối phó kịp thời nên với lực lượng tại chỗ, Ban Quản lý đã cơ động bao
vây dập tắt đám cháy trước khi lực lượng phối hợp đến.
Năm nay, theo dự báo thời tiết nắng nóng xảy
ra sớm và khô hạn kéo dài hơn mọi năm. Do vậy, ngay từ những ngày đầu mùa hạ,
công tác phòng cháy chữa cháy rừng được các cấp ngành huyện Duy Xuyên, cơ quan
Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn cùng vào cuộc. Với trách nhiệm và sự chủ động
cao này, rừng cảnh quan Mỹ Sơn sẽ mãi giữ được màu xanh di tích.
Văn Khoa( Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn)