Đối với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn báo chí đóng vai trò quan trọng đặc
biệt
trong việc giới thiệu, quảng bá đến với nhân loại trên toàn cầu.
Không
những thế, báo chí còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo
và phát huy giá trị văn hóa- nghệ thuật, lối kiến trúc độc đáo của Mỹ Sơn.
Hơn 14 năm qua, kể từ khi trở thành Di sản văn hóa của nhân loại, Mỹ Sơn có
được như ngày hôm nay, báo chí góp một phần không nhỏ vào công tác bảo tồn cũng
như giới thiệu di sản đến với du khách. Đây cũng là lực lượng tham gia vào công
tác phản biện xã hội. Báo chí đã làm tốt vai trò của một kênh thông tin, truyền
tải một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất đến độc giả, du khách cũng như đánh giá,
phân tích những mặt được và hạn chế trong công tác quản lý gìn giữ giá trị di
sản quí báu của nhân loại.
Ông Nguyễn Công Hường, Trưởng Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn nhớ
lại: “Những năm đầu của sự nghiệp quản lý Mỹ Sơn, trong khi giao thông còn trở
ngại, phương tiện thông tin liên lạc khác còn chưa phủ sóng thì báo chí là lực
lượng quan trọng giúp Mỹ Sơn đưa thông tin ra với bên ngoài, đồng thời thu nhận
những thông tin làm nguồn tư liệu quý bổ sung cho công tác bảo tồn, giải quyết
hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, phát triển bền vững”.
Kể từ năm 1995, công tác quản lý, khai thác Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn
được giao cho UBND huyện Duy Xuyên. Đây là công việc vô cùng mới mẽ đối với
huyện. Đặc biệt, kể từ tháng 12 năm 1999, khi Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa
thế giới thì công tác quản lý nhà nước đối với một di sản của nhân loại là một
công việc không còn nằm trong địa hạt của một địa phương mà phạm vi của nó mở
rộng đến các tổ chức quốc tế, các khu vực. Chính vì vậy, chính quyền huyện Duy
Xuyên luôn luôn lắng nghe, đón nhận những thông tin phản biện trên báo chí.
Nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã đưa ra các chính kiến độc lập
giúp Mỹ Sơn ngày một hoàn thiện hơn. Trong các hoạt động lễ hội, báo chí luôn
là người tiên phong trong việc quảng bá, giới thiệu đến du khách. Nhiều bài báo
đã cung cấp thông tin chuẩn xác về giá trị độc đáo của Mỹ Sơn và đánh giá cao
vai trò nỗ lực của chính quyền, nhân dân huyện nhà trong công việc quản lý, giữ
gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá Mỹ Sơn. Đặc biệt từ khi Internet trở
thành thế giới phẳng của toàn cầu, chỉ cần gõ Mỹ Sơn vào mạng Google và nhấp
chuột thì xuất hiện hàng trăm kết quả tìm kiếm.
Những năm qua, chịu ảnh hưởng
của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số lượng du khách đến Việt Nam sụt giảm. Gói
kích cầu của Chính phủ với du lịch được triển khai với các chương trình khuyến
mãi lớn nhằm xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra bên ngoài. Quảng Nam thực
hiện một loạt các biện pháp kích cầu như: hoạt động quảng bá du lịch Quảng Nam
ở Hồng Kông, Thái Lan; tổ chức thành công lễ hội “Quảng Nam - hành trình di sản lần thứ IV”; chương trình “Tuần văn hóa du lịch Quảng Nam” hướng
tới ngàn năm Thăng Long – Hà Nội tại thủ đô Hà Nội; lễ kỷ niệm 10 năm Mỹ Sơn, Hội
An được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới; Đêm Mỹ Sơn huyền ảo”....
Những hoạt động này đến với công chúng trong và ngoài nước cũng chính là nhờ
qua kênh báo chí.
Nhiều năm qua, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, ngành du lịch
hoạt động khó khăn, tụt giảm thì báo chí lại càng quan tâm nhiều hơn đối với Mỹ
Sơn. Hình ảnh Mỹ Sơn xuất hiện trên các loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo
hình, báo mạng với tần suất dày hơn, nhiều hơn. Nhiều bài viết về Mỹ Sơn trong
tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hay những bài báo đề cập về những kết
quả ở giai đoạn II trùng tu nhóm tháp G
cũng như thẩm định giá trị Mỹ Sơn qua các hoạt động lễ hội. Hoạt động phát huy
giá trị văn hoá phi vật thể như “Đêm Mỹ
Sơn huyền ảo”, chương trình nghệ thuật Chăm Mỹ Sơn... Có thể dẫn chứng về
sự quan tâm của báo chí đối với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn: Trên mạng toàn
cầu BBC đăng tải công cuộc trùng tu nhóm tháp G qua cuốn sách của giáo sư Mauro
– Cucazi (Italia). Tờ điện tử Việt Nam Net có bài phân tích đánh giá rất sâu
sắc cùng với những nhận định về công tác bảo tồn và phát huy giá trị ở khu di
tích Mỹ Sơn, trong đó đánh giá rất cao về cách thức quản lý di tích. Hoạt động
tuần văn hoá- du lịch Quảng Nam ở Hà Nội được Báo Văn Hoá đã có bài viết về mô
hình quản lý hiệu quả ở hai di sản Quảng Nam với tựa đề “Hai di sản văn hoá thế giới – hai mô hình quản lý khác nhau” đã
cho rằng đây là địa phương điển hình trong công tác bảo tồn văn hóa cần được
các địa phương khác học tập. Nhiều tờ báo thường xuyên viết về Mỹ Sơn như Sài
Gòn Time, Du lịch Việt Nam hay các tạp chí Văn hoá, Du lịch... Năm 2007, độc
giả của tờ báo Sài Gòn Tiếp thị đã bình chọn di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn là điểm
đến được hài lòng nhất. Ở địa phương, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh-
Truyền hình Quảng Nam là hai tờ báo đã liên tục đăng phát nhiều bài báo, phóng
sự truyền hình, phim tài liệu về Mỹ Sơn. Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện
Duy Xuyên dành hẳn chương trình phát thanh chủ nhật hàng tuần cho chuyên mục “
Bạn hãy cùng tôi giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới
Mỹ Sơn” và mở chuyên mục Mỹ Sơn trên trang Website:duyxuyenrt.vn của Đài
Cuối
năm 2011, Mỹ Sơn chính thức có Logo. Logo với hai màu vàng- nâu, lấy cảm hứng
chủ đạo từ màu gạch Chăm rêu phong qua thời gian. Hình tượng thần Siva cách
điệu vốn làm nên điểm đặc sắc nhất trong văn hóa của người Chămpa cổ ở Việt Nam
được sử dụng làm điểm nhấn. Logo này cũng sử dụng hình ảnh cách điệu từ chữ
tiếng Anh “W0RLD CULTURAL HERITAGE - Mỹ
Sơn”, viết tắt “WMS” mang nghĩa tiếng Việt “Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn”.
Chữ “WMS” được cách điệu thành hình ảnh Tháp Chăm và hình phù điêu vũ điệu
SIVA. Và tất nhiên, hình ảnh Logo Mỹ Sơn có đến được với đông
đảo công chúng trong và ngoài nước rất cần vào sự giới thiệu, quảng bá của các
cơ quan báo chí.
Không những báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá
và có vai trò phản biện đối với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, mà còn góp phần
không nhỏ giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Duy
Xuyên nói riêng. Trên hành trình đến với di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn, du
khách còn có thể dừng chân tham quan kinh đô Trà Kiệu- kinh thành sư tử của
Vương quốc Chăm, Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh – Chăm pa, Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu
để hiểu hơn về mảnh đất và con người bên dòng sông Thu.
Trên con đường đồng hành cùng sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản
văn hoá thế giới, Mỹ Sơn hy vọng đón nhận được sự quan tâm nhiều hơn của báo
chí trong và ngoài nước. Bạn muốn khám phá những điều sâu lắng và mới lạ về Di
sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cũng có thể vào trang Website:www.mysonsanctuary.com.vn, ở đây sẽ
đáp ứng niềm đam mê của bạn.
6/2013
Hoàng Thơ