Từ đầu năm 1965, Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng tổ
chức càn quét đánh phá từ Hòa Vang vào Điện Bàn, Duy Xuyên
(Quảng Nam)...
Lúc bấy giờ phong trào cách mạng của xã Xuyên Hiệp
(Duy Sơn, Duy Xuyên) phát triển mạnh mẽ, sùng sục khí thế chuẩn bị
xây dựng lực lượng du kích, vận động thanh niên tòng quân tham gia bộ
đội chủ lực, dân công tải lương thực, thực phẩm phục vụ hậu cần để
sẵn sàng đánh Mỹ. Lúc đó chúng tôi mới khoảng 11, 12 tuổi nhưng cũng
tích cực tham gia "Đội Thiếu niên Tiền phong" làm thủ pháo,
lựu đạn giả, ban đêm tập đánh giặc, ném lựu đạn, thủ pháo...
ước mơ trở thành du kích, bộ đội để đánh Mỹ-ngụy...
Từ những năm 1966 đến 1968, Mỹ ngụy càn quét
vào Xuyên Hiệp, chúng tôi chia nhau nắm tình hình địch để báo cho du
kích, bộ đội, lấy cắp vũ khí lương thực cung cấp cho du kích xã...
Ngoài giờ đi học, chúng tôi về nhà vừa phụ giúp gia đình chăn
trâu, gặt lúa vừa lân la đến chơi ở những nơi Mỹ đóng để nắm tình
hình, lấy cắp lựu đạn, lương thực. Năm 1967, một lần nghe tin bọn Mỹ
đi càn từ Trà Kiệu vào làng Phú Nham Đông, đang chăn trâu ở Gò Ghẹo,
chúng tôi nhanh chóng lấy ca-nông bi đặt trên đường, chúng đi qua
đạp trúng nổ làm bị thương 3 tên. Tức tối, sau khi gọi máy bay HUIA đến
chở lính Mỹ bị thương, chúng càn vào làng đốt sạch nhà cửa dân.
Còn chúng tôi thì đánh trâu ngược lên phía Đồng Eo chạy ra Xóm Giữa
an toàn.
Từ năm 1968, chiến tranh càng ngày càng ác
liệt, Mỹ-ngụy tiến hành các cuộc càn quét đánh phá vùng giải
phóng, thả bom B52, bom tọa độ xuống Xuyên Hiệp, người dân số chạy ra
Đà Nẵng, số bị chúng xúc tác vào khu dồn, ban ngày cho về làm
ruộng. Trước tình hình đó, xã ra chủ trương xây dựng lực lượng cơ
sở, du kích mật trong thanh thiếu niên để đưa vào khu dồn nắm tình
hình địch. Một ngày mùa hè năm 1968, khi đó tôi đang đi học thì được
anh Nguyễn Văn Năm, Bí thư Đoàn xã phụ trách "Đội công tác phía
trước" nhắn vào xóm bà Thơ họp. Tôi (du kích mật) được giao
nhiệm vụ để nắm tình hình địch ở khu dồn và Mỹ-ngụy đi càn để
báo cho tổ chức. Dù đôi chút lo lắng nhưng tôi phấn khởi nhận nhiệm
vụ. Từ năm 1968-1970 chúng tôi luôn làm tốt nhiệm vụ được giao, góp
phần làm bại lộ nhiều trận phục kích của địch...
Địch vẫn tiếp tục đánh phá ác liệt, nhân
dân phải chạy lánh ra vùng tranh chấp, gia đình tôi thì lánh ra
Xóm Giữa. Tại đây tôi quen hai người bạn là Quý và Sĩ cũng theo
gia đình ra đây lánh giặc. Hằng ngày chúng tôi theo ba mẹ về làm
ruộng, tối lại về xóm ngủ. Qua trao đổi, tôi biết hai bạn cũng tham
gia "Đội Thiếu niên Tiền phong". Tôi tâm sự, trao đổi với Quý,
Sĩ cùng nhau giúp đỡ cách mạng. Tổ "Tam tam" chúng tôi bắt
đầu hình thành từ đó nhưng tôi vẫn chưa dám báo cáo lại anh Năm.
Hằng ngày chúng tôi trao đổi thông tin nắm được, nhận định tình hình
địch để báo cáo cho các anh, các chú và chuyển lương thực, thuốc men
về cho cán bộ du kích xã bằng đường suối, có khi đi-về 10 chuyến
một ngày. Chúng tôi còn lấy thuốc đạn của Mỹ tự chế mìn đặt trên
những đoạn đường Mỹ đi càn, cứ chiều tối phải đi gỡ vì sợ bà con
mình đi làm ruộng về vướng phải. Một lần về gặp anh Năm, tôi báo
cáo việc xây dựng thêm hai bạn Sĩ và Quý. Tôi cứ nơm nớp lo sẽ bị
anh phê bình cho rằng không đảm bảo bí mật, không ngờ anh Năm lại khen,
vì anh nói hai bạn đó cũng gia đình cách mạng. Tôi mừng quýnh, tiếp
tục động viên, giao việc thêm cho hai bạn.
Năm 1970-1972, địch càng tăng cường bắn phá,
càn quét, người dân phải chạy sâu vào khu dồn, Xóm Núi... Ba chúng
tôi cũng theo gia đình chạy mỗi đứa mỗi nơi nhưng thường xuyên liên lạc
nhau để trao đổi tình hình địch. Và cũng từ đó, tổ "Tam
tam" nằm ngay trong lòng địch (khu dồn). Một buổi chiều mùa hè
năm 1971, tôi và Sĩ phát hiện lính nghĩa quân Xuyên Hiệp lên Xóm Núi
để phục kích cán bộ, du kích của ta đang ở Xóm Núi vận động nhân
dân đóng góp nuôi quân, đấu tranh với địch, nên bám theo. Khi đến giữa
sườn đồi, cách nơi bọn nghĩa quân đi qua khoảng 500 m, chúng tôi ném
trái đầu đạn M79 (giấu sẵn trong hang đá) về phía chúng, gây tiếng
nổ lớn. Bị lộ nên bọn chúng rút lui còn cán bộ ta nghe tiếng nổ
cũng kịp bí mật rút đi.
Trên đường về, thấy tôi và Sĩ từ sườn đồi
đi xuống, bọn nghĩa quân nghi chúng tôi ném trái nổ, tên Lộc, Trung
đội trưởng nghĩa quân, người cùng làng tôi, tiến đến hỏi: "Bọn
mày làm tin cho Cộng sản phải không?", chúng tôi trả lời
"không", tên Lộc bảo chúng tôi quỳ xuống. Sĩ quỳ còn
tôi không chịu quỳ bị hắn dùng gậy ba trắc vừa đánh vừa chửi:
"Đồ con Cộng sản...". Đến tối, tên Lộc lên nhà tôi ra vẻ xoa
dịu cha tôi. Đêm đó Lộc dẫn theo mấy tên nghĩa quân phục ở ngoài, một
mình vào nhà ngồi trên tấm phản cha con tôi ngủ nói chuyện. Trước khi
về hắn vờ "bỏ quên" cây súng Colt 45 trong tấm mền trên phản,
hòng thử nếu hôm đó tôi bạo động chắc chắn cha con tôi bị tiêu diệt
hoặc chúng vu oan có súng để bắt chúng tôi... Khi Lộc vừa đi ra tôi
phát hiện cây súng, cầm lên thấy nhẹ, biết súng không có đạn, tôi
nói cha cầm súng chạy theo gọi Lộc: "Chú bỏ quên súng", hắn
lấy lại rồi hô bọn nghĩa quân ra về. Đêm đó cha con tôi không ngủ được
vì nghĩ đến sự nham hiểm của bọn chúng đang bắt đầu...
Tuy hoạt động trong lòng địch rất nguy hiểm
nhưng tổ "Tam tam" chúng tôi vẫn động viên nhau giữ vững lập
trường, tiếp tục nắm tình hình và xây dựng tình cảm với lính
nghĩa quân, nhân dân tự vệ để họ ủng hộ cách mạng. Nhiều lần chúng
tôi cũng bị chúng hăm dọa vì chúng biết cha tôi là Đảng viên Cộng
sản được phân công ở lại hoạt động sau đình chiến nhưng không
làm gì được vì không có chứng cứ. Đến giữa năm 1971, tình hình càng
căng thẳng, chúng đổ quân càn quét trên núi lẫn đồng bằng khiến cán
bộ, du kích ta hy sinh nhiều. Năm đó anh Nguyễn Văn Năm cũng hy sinh. Từ
đó, chúng tôi tạm thời mất liên lạc.
Năm 1972, chị Phạm Thị Chính thay thế anh Năm
làm Bí thư Đoàn xã phụ trách "Đội công tác phía trước" tôi
bắt liên lạc lại với chị Chính và tổ "Tam tam" tiếp tục
hoạt động vận động binh lính nghĩa quân ra đầu hàng cách mạng, phao
tin làm lung lay tinh thần chiến đấu của bọn nghĩa quân, bọn Hội đồng
xã... cho đến ngày Duy Xuyên và quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng giải
phóng. Sau giải phóng, tôi tiếp tục tham gia du kích xã đảm bảo ANTT
vùng mới giải phóng, đăng ký số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền ra
trình diện, tham gia các phong trào địa phương. Năm 1976 tôi về công tác
trong lực lượng CAND. Quý, Sĩ tham gia công tác địa phương, sau Quý đi
bộ đội, phục viên và qua đời sau một TNGT. Còn Sĩ hiện vẫn ở Duy
Sơn. Sau ngày hòa bình, mỗi người một công việc, bận rộn với cuộc
sống gia đình nên chúng tôi vẫn chưa có được ngày hội ngộ đầy đủ.
Hôm nay tôi viết những dòng tâm sự này, cũng ví như một lần được hội
ngộ tổ "Tam tam" ngày ấy.
Lưu Văn Phượng
( Báo Công an Đà Nẵng)