Từ cổ chí kim, Quảng Nam - Đà Nẵng là
vùng đất luôn sản sinh ra những bậc kỳ tài, trí lực nắm giữ những vị trí lãnh
đạo quan trọng và để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử vùng đất.
Ông Hồ
Nghinh là một trong số đó. Nếu không có một quyết định mang tính lịch sử trong
thời điểm ông giữ vị trí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng (1975-1982), có lẽ
nhân loại đã vĩnh viễn mất hai di sản văn hoá thế giới là Hội An và Mỹ Sơn.
Một người
có chủ kiến
Ông Hồ
Nghinh, quê xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ông sinh ra trong
một gia đình nhà nho có truyền thống hiếu học và yêu nước. Ông nội ông từng
tham gia dưới ngọn cờ “Cần Vương” của Vua Hàm Nghi. Anh chị em đều là những
nhân vật lịch sử nổi tiếng, có vai trò trong lịch sử đất nước, như ông Hoàng
Bích Sơn, một trong những nhà ngoại giao đầu tiên của nước ta; ông Hồ Thấu, một
nhà thơ tài hoa, đã cùng ông Hồ Nghinh vận động, mở Trường Tân Tân (Duy Xuyên),
là mô hình phát triển văn hóa theo tư tưởng yêu nước “Khai dân trí, chấn dân
trí, hậu dân sinh”, mang ý nghĩa nhân văn hiếm có trong đời sống văn hóa ở nông
thôn Quảng Nam trước cách mạng tháng 8.1945. Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ
tịch Nước) nhận xét, cả gia đình anh cùng một chí hướng và cùng có những phong
cách, quan niệm sống giống nhau.
Một ngày đầu năm 1980, trên đỉnh
đèo Hải Vân, ranh giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, đã có cuộc làm việc
giữa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc này là Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch nhà nước
với ông Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngay tại đỉnh đèo lộng
gió, Bí thư tỉnh uỷ đã báo cáo công việc với ông Võ Văn Kiệt. Giữa không gian
lồng lộng đất trời, giọng nói sang sảng nhiệt huyết của ông Hồ Nghinh đã thuyết
phục ngay vị đứng đầu cơ quan tham mưu và tổ chức các kế hoạch xây dựng đất
nước sau ngày hoà bình, một cách thuyết phục.
Chủ nhiệm
UB Kế hoạch nhà nước Võ Văn Kiệt lúc này đã nói ngay với các đồng sự cùng đi:
“Ông ta là người có chủ kiến”. Cho đến sau khi ông về Ban Kinh tế Trung ương
(sau Đại hội Đảng V), Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt kể trong tập sách ghi lại lịch
sử nhân vật Quảng Nam: “Anh Nghinh cùng một số anh chị em có đồng quan điểm như
anh Hà Nghiệp, anh Đoàn Duy Thành đã góp phần làm rõ những nguyên nhân dẫn đến
sự trì trệ trong xây dựng kinh tế do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp ngự trị
quá lâu, cần phải đổi mới toàn diện. Những suy nghĩ đó đã góp phần cho quá
trình chuẩn bị Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, một nghị quyết quan trọng đóng
vai trò then chốt để đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ như ngày hôm
nay”. Ông Võ Văn Kiệt còn nhận xét: “Là một người có chủ kiến, anh rất ghét các
loại cơ hội, bảo thủ và lý luận suông, không gắn liền với thực tiễn cuộc sống
của đất nước.
Trong các
buổi nói chuyện với cán bộ, nhân dân khi còn tại thế, ấn tượng lớn ông luôn để
lại với người nghe đó là một tấm lòng luôn đau đáu về sự phát triển của đất
nước. Trong lưu bút ghi tại sổ vàng vận động Quỹ giải thưởng Tân Tân - ngôi
trường do ông cùng sáng lập với các đồng chí mình trước tháng 8.1945, ông viết:
“Độc lập - Tự do - Hạnh phúc (tức là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh
hạnh phúc. Để đạt được ba mục tiêu đó, chúng ta đồng thời nắm vững ba phương
pháp mà cụ Phan Châu Trinh đề ra là: Cao dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh.
Dân trí là cái gốc của sức mạnh quốc gia”.
Giáo sư
Vĩnh Linh kể, những năm đầu miền Nam giải phóng, phía trước nhà của nhà văn
Phan Tứ có quán bún chả cá của bà Thuý bán rất ngon và rẻ. Vì vậy quán đông
khách và anh em cán bộ hay đến ăn. Trong phong trào cải tạo công thương nghiệp,
có người đề xuất, nên dẹp quán bún bà Thuý này, để mậu dịch ăn uống làm. Ông
gạt luôn: “ Người ta có khả năng làm, người có tiền, người ta ăn, chớ sao buộc
người ta theo mình mà không ăn? Người ta có tiền, người ta ăn để mình lấy thế
mà làm việc khác”.
Một quyết
định lịch sử
Trong
những năm làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Hồ Nghinh, đã có một
quyết định có ý nghĩa vô cùng đặc biệt - quyết định của ông trong một thời khắc
lịch sử đã bảo vệ Thánh địa Mỹ Sơn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay, khi số
phận của nó trước đó được quyết định bị nhấn chìm trong đáy nước của một hồ
thủy lợi.
Đó là câu
chuyện gần 40 năm về trước, được ông Đoàn Văn Lộc, nguyên Chủ tịch UBND huyện
Duy Xuyên, Quảng Nam kể lại: Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, khi
công trình thủy lợi Phú Ninh sắp hoàn thành. Trước sự thúc bách của việc phát
triển các chương trình lương thực, cứu đói cho người dân, các nhà chuyên môn
trong ngành thủy lợi lúc bấy giờ đã tìm mọi giải pháp tưới tiêu,“thay trời làm
mưa” nhằm thâm canh trồng nhiều vụ lúa trên đồng đất và tập quán vốn dĩ từ bao
đời độc canh một vụ. Tại tỉnh Quảng Nam, cùng với hàng loạt công trình thủy
lợi, dự án chặn dòng suối Khe Thẻ, đưa nước về hồ chứa Mỹ Sơn. Điều đó có nghĩa
tất cả di tích Chămpa tại đây sẽ chìm sâu dưới lòng hồ.
Lúc này
đất nước đang rất khó khăn về lương thực. Toàn dân phải độn sắn, khoai, bo bo
đến 60-70%. Ngoài ra cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, sau đó là Tây Nam đã
hút một lượng lớn nhân tài, vật lực vào đây, phục vụ chiến trường, nên khẩu
hiệu “Tất cả cho lương thực” là một trong những chương trình hàng đầu của các
địa phương nông nghiệp. Ở Quảng Nam, các nhà chuyên môn của ngành thủy lợi hạ
quyết tâm xây dựng được càng nhiều công trình thủy lợi càng tốt... Lúc bấy giờ
với tư cách là Chủ tịch huyện Duy Xuyên, ông Lộc được các kỹ sư đưa đến hiện
trường, xem xét khảo sát thực địa để ngăn đập, tạo hồ cho công trình thủy lợi
Khe Thẻ.
Dòng suối
Khe Thẻ, trước khi ra sông Thu Bồn, chảy quanh co trong thung lũng Mỹ Sơn xung
quanh vây bọc bởi núi Chúa, Dương Chỉ, Dương Thông, Mỏ Cày... Theo dự kiến, chỉ
cần đắp một con đập từ núi Mỏ Cày qua Dương Chỉ, Dương Thông ngăn suối là có
một hồ chứa nước đủ để tưới tiêu cho một vùng đất rộng lớn ở các xã thuộc phía
tây huyện Duy Xuyên. Tuy nhiên, khi họp bàn để thống nhất dự án của các nhà
chuyên môn, thì nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng ủy, UBND huyện không tán đồng...
Thực ra lúc bấy giờ số cán bộ này chỉ muốn giữ Mỹ Sơn lại, với hàng chục ngôi
tháp đã gần như sụp đổ hoàn toàn sau các trận bom rải thảm năm 1969, như một
chứng tích “tội ác” của quân đội Mỹ lúc bấy giờ, hơn là hiểu rõ giá trị của
những kiến trúc độc đáo của người Chămpa xưa.
Lúc này
ông Hồ Nghinh làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và vùng này cũng là
quê của ông. Thời đó, ông Hồ Nghinh là người cất công thuyết phục lãnh đạo
ngành thủy lợi và các quan chức kinh tế trung ương cho xây dựng đập Phú Ninh để
giải quyết vấn đề kinh tế, dân sinh của tỉnh. Thế nhưng, ông cũng chính là
người quyết liệt trong việc bác bỏ làm đập Khe Thẻ, để giữ nguyên vẹn di tích
Mỹ Sơn. Một người học rộng tài cao như ông Hồ Nghinh hiểu được giá trị văn hóa
vô giá của Mỹ Sơn, chứ không phải giữ lại để làm chứng tích tội ác chiến tranh.
Ông Lộc nhận định.
Trong
thời gian này, ở phố cổ Hội An, phong trào văn hóa mới cũng dâng lên cao trào.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh cũng là người chỉ thị nghiêm cấm cán bộ địa phương
“quá tả” trong việc đập miếu, phá đình, bài trừ phong kiến… Khi một số cán bộ
đập phá cổng tam quan Khổng Miếu thì ông Hồ Nghinh biết chuyện, liền vội vã vào
tận hiện trường ngăn chặn. Và nhờ thế cả Mỹ Sơn và phố cổ Hội An còn lưu giữ
lại cho đất nước và thế giới được hai di sản văn hoá nhân loại.
Cuộc đời
ông Hồ Nghinh gắn liền với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở quê hương,
ở chiến trường miền Nam và công cuộc xây dựng lại quê hương sau ngày thống nhất
đất nước. Dấu ấn sâu đậm nhất ông để lại vẫn là tinh thần kiên định của một
chiến sĩ cộng sản trong những ngày đối mặt với quân thù trong chiến tranh và
phong thái sáng suốt, thông tuệ của một trí thức cách mạng trong đề xuất, xử lý
các vấn đề quốc kế dân sinh tại quê hương sau ngày thống nhất. Trong cuộc đời
cách mạng của ông, ở bất kỳ cương vị nào, ông luôn gắn lý luận với thực tiễn;
lấy thực tiễn cho mọi tư duy sáng tạo. Ông mất năm 2007, và đã để lại di sản
khổng lồ, đó là những thế hệ cán bộ lãnh đạo theo phong cách ông, tiếp nối ông
với tinh thần kiên định, nhân văn của vùng đất Quảng Nam truyền thống - “chưa
mưa mà đã thấm”.
Nguyễn Trung Hiếu( Báo Lao Động)