A+ A A-

Về thăm di tích miếu Bà Hương

alt
Họ là những người khách đến từ miền đất xa xôi. Họ là những người yêu mến  miền quê di sản bên dòng sông Thu êm ả, thơ mộng, cùng nhiều những dấu ấn của lịch sử nay đã thành huyền thoại. Họ yêu mến những con người cần cù, chân chất, mộc mạc.
Đoàn gồm nhiều người, đến từ Nhật, Mỹ, trong đó có một người là người con ưu tú của “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm”. Người Nhật đi du ngoạn tìm thú vui trong vẻ đẹp tự nhiên của đất trời, sông núi, một số khác chuyên nghiên cứu khảo cổ trên vùng đất giàu trầm tích văn hóa ở Trà Kiệu, Mỹ Sơn, người Mỹ thăm lại những địa danh lịch sử năm xưa. Còn người ấy, tóc đã nhuốm bạc, trở lại thăm một nơi đã từng gắn với ông như máu thịt, cho ông không ít những kỷ niệm khó quên trong suốt quãng đường chiến tranh và hòa bình.

Còn tôi, người con của quê hương, luôn tôn trọng quá khứ hào hùng của cha ông và ngưỡng mộ trước những gì mà đất trời đã đặc ân cho vùng đất địa linh nhân kiệt này. Tình nguyện làm một hướng dẫn viên không chuyên để đưa những người khách quí về với Duy Xuyên. Đón đoàn ở ngã ba Nam Phước, đến Trà Kiệu - nơi vang bóng một thời là kinh đô Simhapura với dáng đất như hổ phục, rồng chầu lưu dấu những huyền thoại. Đến nỗi pháp sư lừng danh người Tàu một thời phải nhọc công, tốn sức để yểm bùa vì họ sợ với long mạch tinh tú cùng khí thiêng sông núi của vùng Hàm Rồng này sẽ sản sinh nhân kiệt.

 Trước tiên, đoàn rẽ trái theo hướng vào Khu thủy điện Duy Sơn II. Người khách quí tóc hoa râm muốn ghé thăm một nơi không thể thiếu trong suốt lộ trình chuyến đi của mình. Với ông, chuyến tham quan sẽ mất đi ý nghĩa nếu ông không ghé thăm  nơi đã đắp tổ trong ký ức. Theo yêu cầu của người khách tóc hoa râm ấy, điểm đầu tiên khá quan trọng tôi đưa đoàn đến là di tích miếu Bà Hương.

Miếu Bà Hương nay thuộc tổ 3, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nằm phía sau hợp tác xã Duy Sơn II. Theo lời kể của các vị bô lão ở địa phương cho biết, xưa kia nơi đây là khu rừng rậm, cây cối um tùm, ít người lui tới, khí hậu khắc nghiệt, cảnh thiêng nước độc không một ai chống chọi lại. Việc duy trì sự sống nơi đây thật khó khăn. Lúc bấy giờ có người đàn bà tên Hương rất khác người, một thân một mình đến ở và lập một am nhỏ để thờ thần linh. Từ đó, dân chúng khắp nơi về đây sinh sống và hình thành nên làng, xã. Sau khi bà Hương mất, để tỏ lòng tôn kính công ơn của bà, nhân dân trong vùng vận động quyên góp tu sửa lại am miếu và từ đó miếu có tên miếu bà Hương.

Cũng tại đây, mảnh đất và con người Duy Sơn đã chắt chiu nuôi giấu các đồng chí hoạt động cách mạng đầu tiên trong những năm 1930-1945, là nơi nhân dân phải chịu nhiều ác liệt, tàn khốc nhất của chiến tranh. Cũng trong thời gian này, miếu bà Hương được biết đến như một nơi linh thiêng. Nhiều chuyện kể hoang đường về nơi này làm cho nhân dân và bọn mật thám không dám đến. Vì thế, thực dân Pháp và bọn tay sai cũng không hề để ý. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho hoạt động cách mạng ở Duy Sơn. Các đồng chí lãnh đạo cách mạng đã chọn miếu bà Hương để làm cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ, đồng thời cũng là nơi cất giấu, in ấn tài liệu và ẩn náu an toàn nhất. Nhiều lần mật thám bủa vây, lùng bắt đồng chí Võ Chí Công, tìm nơi cất giấu tài liệu của Xứ uỷ Trung Kỳ nhưng chưa bao giờ chúng bén mảng tới nơi này. Trong suốt thời gian dài, địa điểm miếu bà Hương đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chung của đất nước; là nơi an toàn nhất để các đồng chí lãnh đạo cách mạng ở Trung Kỳ và huyện Duy Xuyên chỉ đạo hoạt động cách mạng, giành nhiều thắng lợi to lớn, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Kết thúc cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và trong hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước, miếu bà Hương vẫn âm thầm làm nhiệm vụ che giấu, bảo bọc cho đồng bào đồng chí hoạt động. Nơi đây vẫn là địa điểm đáng tin cậy, an toàn nhất để cơ sở ta thường xuyên tổ chức các cuộc họp quan trọng, tiếp nhận chủ trương kháng chiến của trên cũng như vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.

Người khách già gặp lại những người thân năm xưa, bùi ngùi kỷ niệm. Có người chống gậy đến tay bắt mặt mừng, có người đã thành thiên cổ; tất cả như đang hiện về từ xa xăm ký ức, ẩn hiện trong cái nhìn dịu vợi của khách phương xa trên miền quê một thuở … “Khổ vô cùng nhưng cũng thương lắm, thương ngày đêm lặn lội dưới mưa bom lửa đạn. Có củ sắn, củ khoai cũng dành phần, đêm khuya nghe đâu đó có tiếng súng nổ là sợ đến thót tim…” - bà Vĩnh tâm tình. Dường như vị khách đang cố giấu đi những giọt nước mắt trong ánh nhìn sâu thẳm!

Sau gần 40 năm, đất nước sạch bóng quân thù; làng quê xưa đã dần thay da đổi thịt; nhịp sống mới tưng bừng và nhộn nhịp hơn với những công trình mới về điện, đường, trường học… Cùng với những đổi thay kỳ diệu đó, miếu Bà Hương - nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của địa phương, cũng được các cấp chính quyền xã, huyện và tỉnh quan tâm. Nơi đây, đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Nay, miếu được tu sửa khang trang trên diện tích cao, chính diện xây về hướng đông, có tường rào bảo vệ, chính giữa có nơi thờ Bà thâm nghiêm, đối diện hai bên có bàn án thờ thần. Hàng năm cứ vào ngày mồng mười tháng ba âm lịch nhân dân quanh vùng tựu kề về đây đông đủ với hương đèn và nhiều vật phẩm dâng cúng bà, cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân an vật lợi…

Cũng tại nơi đây, để ghi nhớ và tôn vinh những người đã một thời đồng cam cộng khổ, gắn bó như máu như thịt với địa danh lịch sử này vì sự nghiệp chung của đất nước, một tấm bia đá đã được dựng lên khắc tên các đồng chí hoạt động năm xưa thật trang trọng biết bao! Đó là các đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công ), Huỳnh Cự,  Nguyễn Sắt Kim, Trương An, Lê Chương, Trương Hoàng, Nguyễn Thị Thanh, Võ Huyến, Ngô Huy Diễn, Phạm Thị Đợi.

                                                 ***

Đoàn còn đi đến nhiều nơi như Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, làng dệt Đông Yên - Thi Lai nơi lưu truyền về chuyện tình của cô thôn nữ hái dâu họ Đoàn và chàng công tử thời chúa Nguyễn, thăm Đài tưởng niệm Vĩnh Trinh… Dường như nơi nào trên suốt chiều dài men theo bờ Nam của dòng Thu Bồn hiền hòa, bí nhiệm này cũng gắn kết với một dấu ấn nào đó của thời gian, lịch sử, của những bi tráng và hào hùng…

Đoàn sẽ tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng tôi hiểu, bạn đang muốn biết vị khách có mái tóc hoa râm ấy là ai? Đó chính là đồng chí Võ Chí Công - người đã một thời vào sinh ra tử trên quê hương Duy Xuyên anh hùng. Hôm nay, bác Võ Chí Công kính yêu đã rời xa chúng ta, đi về thế giới của những người hiền. Thế nhưng, hình tượng người con ưu tú ấy của đất Quảng Nam không hề phai mờ trong tâm trí của nhân dân cả nước và nhân dân Duy Xuyên anh hùng./.

Nguyễn Thị Tuyết

 


DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797913
Hôm nay
Hôm qua
2034
10160