Vào đầu năm 1968, Trạm phẫu tiền phương thuộc Ban Dân
y huyện Duy Xuyên được thành lập, đóng tại nhà bà Trần Thị Xong, thôn Chánh Lộc,
xã Xuyên Hiệp- xã Duy Sơn ngày nay. Trạm phẫu tiền phương có nhiệm vụ đón nhận
thương binh ở các nơi để sơ cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh xá Duy Xuyên đóng
tại căn cứ cách mạng Hòn Tàu để chữa trị. Trạm phẫu tiền phương có 8 cán bộ,
dân y, do y sĩ Hồ Lâm làm Trạm trưởng. Cán bộ, dân y của Trạm hoạt động ở vùng
giải phóng, vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, cứu thương và sản xuất.
Ông Trần Hữu Đức người may mắn sống sót trong trận pháo địch
Sự kiện lịch sử đau thương và rất đỗi tự hào diễn ra vào trưa ngày
28/4/1969. Dưới căn nhà của bà Trần Thị Xong bị giặc đốt vừa mới dựng lại là
căn hầm rộng 24 mét vuông, được xây băng đá chẻ rất kiên cố, đang sơ cấp cứu 17
bộ đội bị thương trong chiến đấu ở khắp các chiến trường Điện Bàn, Hòa Vang,
Duy Xuyên chuyển đến. Một buổi trưa như mọi ngày, nếu không có sự xuất hiện 3
đồng chí bộ đội trên đường công tác ghé vào nhà bà Xong uống nước. Lúc này, bọn
địch đóng ở đồn Hòn Cóc cách Trạm phẫu thuật về phía nam khoảng 2 km phát hiện
sự di chuyển của các đồng chí bộ đội, gọi pháo từ đồn An Hòa( Duy Hòa), đồn Bồ
Bồ ( Điện Tiến, Điện Bàn) bắn tới tấp vào Trạm. Ban đầu, các đồng chí cán bộ,
dân y nghĩ là bọn địch bắn vu vơ, nên không ai chịu xuống hầm ẩn nấp. Pháo địch
bắn quả đạn khói đầu tiên để đánh dấu tọa độ và sau đó là loạt pháo bắn tới
tấp.
Đồng chí Trần Hữu Đức, hiện ở khối phố Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, là
người may mắn sống sót sau trận pháo kích của địch bồi hồi nhớ lại: Sau đó phát
hiện địch bắn pháo đào công sự, mọi người vội lao vào hầm. Một quả pháo bất ngờ
rơi trúng hầm, làm sụp một góc hầm bít cả cửa, đồng chí Trần Hữu Đức bị đất đá
lấp kín cả nửa người. Đồng chí Phạm Hưng trúng mảnh pháo hy sinh nằm đè lên em
Nguyễn Thị Bốn 11 tuổi con bà Xong. Các đồng chí Văn Phú Nhẫn, Nguyễn Quang
Thời, Lê Công Khanh, Nguyễn Thị Hồng Ân và Phạm Hưng là cán bộ dân y của Trạm
và 17 thương binh đang cấp cứu trong hầm đều hy sinh. Rất may, đồng chí Nguyễn
Thị Chiến, y tá của Trạm ra ngoài suối giặt băng gạt cứu thương và 4 đồng chí
là cán bộ giao vận của huyện đóng gần đó phát hiện pháo địch đánh trúng hầm đã
kịp chạy đến đào bới, nhanh chóng đưa các đồng chí Hồ Lâm, Trần Hữu Đức, Huỳnh
Thông và em Nguyễn Thị Bốn đến Bệnh xá Duy Xuyên để cấp cứu và chữa trị.
Đến 4 giờ chiều địch ngưng bắn pháo, đồng chí Quảng Văn Giỏi, chính trị
viên Bệnh xá Duy Xuyên phân công các đồng chí Vũ Văn Đáng, Nguyễn Dũng của Bệnh
xá Duy Xuyên cùng các cán bộ giao vận của huyện ở căn cứ Hòn Tàu nhanh chóng
đào bới, tìm kiếm các đồng chí hy sinh do đạn pháo địch bắn trung hầm. Ngay
trong đêm 28/4, các đồng chí tổ chức chôn cất 5 cán bộ dân y Trạm phẫu thuật và
17 thương binh dưới rảnh sắn vườn nhà bà Xong. Bọn địch đóng trên đồn Hòn Cóc
luôn dòm ngó và do điều kiện chiến tranh nên việc chôn cất các đồng chí đã hy
sinh không quan tài, không vải liệm, không có một manh chiếu. Các cán bộ dân ý
Trạm phẫu thuật tiền phương và 17 thương binh đã hy sinh anh dũng, nằm lại mảnh
đất Xuyên Hiệp anh hùng. Sau ngày đất nước giải phóng, năm 1976, đồng đội cũ và
người thân của các đồng chí mới tìm về, bốc dời hài cốt 22 đồng chí qui tập vào
nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Sơn. Một sự kiện lịch sử bi hùng nhưng cũng rất xót
xa là chỉ có 5 đồng chí cán bộ Trạm phẫu thuật tiền phương có tên trên bia mộ,
còn 17 đồng chí thương binh hy sinh, trên bia mộ chỉ ghi vỏn vẹn “vô danh”.
Bà Nguyễn Thị Chiến năm nay đã ngoài 60 tuổi, trở lại nơi mình cùng đồng
đội chiến đấu hy sinh, bà Chiến bồi hồi nhớ lại “Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh
các đồng chí bị đạn pháo địch vùi lấp, những gương mặt rạng ngời niềm tin, phơi
phới tuổi đôi mươi”.
Tưởng niệm đồng đội đã hy sinh
Sau gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức của các cán bộ y tế phục vụ tại
Trạm phẫu tiền phương năm xưa còn sống sâu nặng tình đồng đội, đồng chí. Trong
họ vẫn đau đáu niềm cảm xúc, thương nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Vì
vậy, các cựu cán bộ y dân y Trạm phẫu tiền phương đã vận động đóng góp được gần
40 triệu đồng xây dựng Bia tưởng niệm ghi
danh tất cả những liệt sỹ đã hy sinh thân mình đến hơi thở cuối cùng cứu chữa
thương bệnh binh. Mới đây vào đầu tháng 5, đồng đội cũ của những cán bộ, chiến
sĩ hy sinh trong trận pháo của địch đã hội tụ về thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, nơi
máu lửa, khắc ghi sự kiện lịch sử để khánh thành bia tưởng niệm và kính cẩn
thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đồng đội của mình đã nằm lại đất lành. Niềm tự hào
xen lẫn nỗi đau thương khi nhìn vào tấm bia đá khắc ghi dòng chữ: “Bia tưởng
niệm: Nơi đây vào ngày 28/4/1969 tại nhà Bà Trần Thị Xong( Tạo) Trạm phẫu thuật
Ban dân y huyện đang chăm sóc thương binh thì bị pháo kích địch làm sụp hầm làm
5 đồng chí y tế và nhiều thương bệnh binh hy sinh. Liệt sĩ anh hùng lực lượng
vũ trang Nguyễn Quang Thời, sinh năm 1945, y tá quê xã Duy Hòa; Văn Phú Nhẫn, sinh
năm 1940, nhân viên y tế, quê thị trấn Nam Phước; Nguyễn Thị Hồng Ân, sinh năm
1941, nhân viên y tế, quê tỉnh Quảng Trị; Lê Công Khanh, sinh năm 1943, y tá,
quê ở xã Duy Tân, và Phạm Hưng, sinh năm 1948, y tá, quê ở xã Duy Vinh. Và
nhiều thương bệnh binh không rõ họ tên….”.
Bia tưởng niệm thể hiện tình cảm sâu
sắc của cán bộ ngành y huyện Duy Xuyên qua các thời kỳ đối với các anh hùng
liệt sĩ, là nơi bày tỏ lòng thành kính,
nơi hội tụ linh thiêng của những cán bộ dân y huyện Duy Xuyên đã hy sinh, nhắc
nhở mọi người không được quên một sự kiện lịch sử bi hùng và đau thương xảy ra
cách đây gần nửa thế kỷ.
Hoàng
Thơ