Vào ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch sắp đến, xã Duy
Tân và người dân làng Thu Bồn sẽ tổ chức lễ hội văn hóa, tâm linh “ Lễ hội Bà
Thu Bồn”.
Đây là lễ hội độc đáo và thu hút hàng vạn người đến dâng hương, tham
quan và tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian. Lễ hội
này vừa mang ý nghĩa tôn vinh “Bà mẹ xứ sở”, vừa giao thoa giữa văn hoá Việt –
Chăm – Cơ Tu, và cũng là một hoạt động văn hóa du lịch, gắn kết với những hoạt
động lễ hội ở Mỹ Sơn.
Các bô
lão của làng Thu Bồn cho biết: Sự tích về “Bà Thu Bồn” có nhiều truyền thuyết.
Nhưng thuyết phục hơn cả là câu chuyện lưu truyền trong dân gian ở làng Thu Bồn
như sau: Bà Thu Bồn hay còn gọi là bà Bô Bô - một vị nữ tướng của nhà Lê bị
giặc truy đuổi đến làng Thu Bồn thì bị ngã ngựa do tóc bà bị quấn vào chân ngựa
nên bà bị giặc giết. Bà đã được các vua triều Nguyễn sắc phong là Bô Bô phu
nhân, là Thượng đẳng thần. Có lẽ chính vì vậy mà những người dân nơi đây truyền
tụng những truyền thuyết về "Bà mẹ xứ sở" mang màu sắc màu thần bí
nhưng luôn là biểu tượng của cái đẹp, của khát vọng thái bình.
Theo tục lệ, thuyền thuộc lăng miếu nào
thì được vị thần ở lăng miếu đó bảo hộ. Phía bên kia con sông Thu Bồn có thuyền
bà Phường Chào -Người Việt, cũng tham gia đua thuyền cùng bà Thu Bồn. Trước khi
tranh giải cả đoàn trạo thủ phải đến làm lễ, khấn vái trước lăng rồi mới làm lễ
xuất phát. Mỗi thuyền đua cử ra một người ngồi ở mũi thuyền mặc áo đỏ, được coi
như "tùy phái’ của thần chủ thuyền. Người đó có nhiệm vụ vừa hát, vừa múa
để khích lệ trạo thủ khi nghe tiếng hô ấy sẽ cảm thấy mình được thần linh trợ
lực nên bơi khỏe hơn. Con sông Thu Bồn như cuộn sóng bởi tiếng hò reo của trạo
thủ, tiếng cổ vũ của nhân dân hai bên bờ.
Tiếp theo đó là rước cộ, người tham gia
rước cộ càng Đông thì càng vui. Cộ là một bàn lớn hay có thể là một xe kéo được
hóa trang lộng lẫy, bên trong để rất nhiều thức ăn như bánh, hoa quả, gạo
thịt... Người rước cộ mặc trang phục truyền thống của làng. Dân làng cùng quây
quần bên nhau cùng hát bội. Ngày hội đã đem đến cho mỗi người dân niềm vui, tin
yêu cuộc sống. Người dân
ở đây cảm phục lập lăng thờ ngay trên mộ bà và mở hội tế lễ hàng năm vào ngày
12 tháng 2 âm lịch. Việc tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn là để tỏ lòng thành kính
biết ơn sự che chở của bà cho dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước
được bình an, ấm no, thịnh vượng.
Trong
những ngày diễn ra lễ hội, từ đường làng, sân vận động, lăng Bà Thu Bồn đến bãi
sông Thu Bồn đều tấp nập rừng người kéo về đây trẩy hội. Đây là lễ hội lớn mang
màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân
tộc Chăm, Kinh và Cơ Tu sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng
Nam).
Mới 3 giờ
sáng ngày 12, tiếng trống đã giục mọi người chuẩn bị ghe thuyền ngược dòng sông
Thu lên Phường Rạnh lấy nước. 5 giờ thuyền đến dinh bà thuộc thôn Trung An, Quế
Trung (Nông Sơn). Tại đây, các vị bô lão tiến hành cúng tế rồi cùng phường bát
âm ra giữa dòng Thu Bồn lấy nước. Thuyền lại xuôi dòng.
Đúng 8
giờ thuyền về bến, trên bến dưới sông đã đông nghịt người chờ đón đám rước với
năm chiếc kiệu “Ngũ hành tiên nương” và năm mâm ngũ quả đẹp nhất do 5 người con
gái đẹp nhất bưng theo. Đám rước nước với khoảng 500 người từ người già đến các
em thiếu niên trong trang phục sắc màu đẹp mắt đi từ bãi cát bờ sông lên làng
vào trước lăng Bà Thu Bồn. Và kết thúc ở lễ đại tế tại lăng Bà.
Đặc biệt,
phần tế có một con trâu đực nghé đã làm sạch lông mà da ngoài được phết máu
trâu có màu đỏ, hai bên sừng có cặm hai cây đèn cầy, trông rất huyền bí và ấn
tượng.
Hơn 500
con người trong trang phục truyền thống dân tộc, mang cờ ngũ sắc, với những
kiệu Ngũ hành tiên nương, dân vũ Chăm tiến ra bờ bãi. Chuẩn bị lễ cúng tiên
thường, chức sắc cử người chèo thuyền ra giữa sông Thu Bồn để lấy nước rồi đặt
lên kiệu, có đầy đủ các đồ nghi trượng, rước về lăng để tắm rửa thần vị và làm
nước cúng.
Ngoài bờ
bãi, trên dòng sông, không gian như bồng bềnh theo sóng nước sông Thu hòa quyện
với tiếng trống giục, tiếng hò reo theo cuộc đua thuyền. Trong khu vực lăng Bà,
có các trò chơi như cờ người, hát bài chòi với lời ca dân dã xứ Quảng. Khu chợ
ẩm thực, các trò chơi nằm khu vực sân banh với các loại bánh trái, thức ăn, đặc
biệt là cháo lương, mì Quảng, bánh tráng đập…
Kết thúc
lễ hội là cuộc đua ghe truyền thống của các đội nam, nữ mặc áo quần nhiều màu
sắc đẹp mắt in trên làn nước trong xanh và hàng trăm ghe thuyền “lênh đênh”
trên sông hò reo, cổ vũ.