Làng
chài An Lương (xã Duy Hải, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) được biết đến nhiều với nghề
hấp cá nục, cá cơm. Mỗi ngày, hàng chục tấn cá hấp, cá khô từ đây được chở đi
tiêu thụ khắp nơi...
Vừa đến đầu làng An Lương
đã ngửi thấy mùi cá hấp thơm nồng tỏa ra từ cả chục lò hấp cá lớn nhỏ. Hàng
chục tấn cá nục, cá cơm tươi xanh vừa cập bến đã được sơ chế và đưa ngay vào lò
hấp để giữ trọn độ tươi ngon, vẹn nguyên vị béo béo nồng nồng của hải sản.
Đánh vật với cả chục chiếc
vỉ cá vừa được tời lên khỏi nồi hấp và đặt vào đúng vị trí, anh Lê Thuận (thôn
3, làng An Lương) lại xốc ngay một bao tải muối sống trút thẳng vào những chiếc
nồi hấp đang phả khói như muốn xông chín cả người anh. “Cơ sở của tôi tuy nhỏ
nhưng hấp cá bằng 4 nồi cùng một lúc, và hấp liên tục 5 đến 7 tấn cá mỗi ngày.
Phải thường xuyên cung cấp đủ lượng muối, đảm bảo độ mặn thì cá hấp ra mới đạt
yêu cầu, phơi khô để lâu mấy cũng được”, anh Thuận giải thích.
Ngay trước cơ sở hấp cá là
những chiếc thùng nhựa lớn được xếp thành dãy chứa đầy nước đá. Cá cơm tươi
xanh được kéo từ thuyền về đem ngâm ngay vào những thùng nước đá, sau đó vớt ra
để ráo, ra vỉ và đưa vào lò hấp. Trong khi nhóm các chị em này thuần thục ngâm
và vớt cá thì nhóm kia đẩy những chiếc xe kéo trở lại thuyền để cân những mẻ cá
kế tiếp. Cứ như vậy, cả làng chài rộn ràng, nhịp nhàng với công việc thường
nhật.
Nếu đầu ngày, đi đến đâu
trong làng An Lương cũng thơm nức với mùi cá hấp thì trưa và chiều là thời điểm
cá “ăn nắng” dần khô và dai dòn. Dọc làng An Lương là hàng nghìn vĩ cá phơi
mình “ăn nắng” hai bên đường. Bên này, những vỉ cá nằm ken dày bờ kè, chen nhau
đến sát cả mép nước thì bên kia, những giàn phơi cá lấn cả những cánh ruộng vừa
thu hoạch. Làng biển đặc quánh một mùi cá khô mặn mòi, đậm đà vị biển.
Sống được với làng nghề
Chiều tối, hàng trăm chiếc
thuyền của làng An Lương cùng ra khơi với nghề chính là nghề mành đèn, để sáng
hôm sau lại trở về với những khoang thuyền đầy ắp cá. “Hôm nay thuyền tôi về
với hơn 2 tấn cá cơm. Vào mùa cá nục, cá cơm, thuyền đánh bắt về nhiều cũng
không lo bị ế vì ngoài số cá tươi đưa đi tiêu thụ các chợ, còn lại bao nhiêu
các lò hấp ở đây thu mua hết để làm cá hấp, chế biến cá khô”, anh Nguyễn Đức,
chủ một tàu cá ở bến An Lương cho biết.
Với tỉ lệ 4/1, cứ 4 tấn cá
tươi thì cho ra 1 tấn cá khô, mỗi ngày, từ làng cá An Lương xuất khoảng 50 tấn
cá khô đi khắp các tỉnh thành, cả miền ngược lẫn miền xuôi, xuất khẩu sang thị
trường các nước trong khu vực. Làng nghề cá hấp ngày một thịnh, không những các
cơ sở chế biến cá mọc lên ngày càng nhiều mà hàng trăm lao động nữ của làng An Lương
nói riêng, xã Duy Hải, Duy Nghĩa nói chung cũng có thêm việc làm, thêm thu
nhập.
“Với công việc này, mỗi
ngày chị em chúng tôi được trả công 13 ngàn đồng/giờ. Vào mùa nắng, mùa cá hấp
thì mỗi ngày chị em ở đây làm từ 10 đến 15 giờ đồng hồ được 130 đến 170 ngàn
nên cũng có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt, nuôi các con ăn học”, chị
Nguyễn Thị Bé, một phụ nữ làm công trong cơ sở hấp cá cho biết.
Với công việc làm thêm ở
xưởng cá, một mình chị Bé nuôi 4 đứa con ăn học, trong đó có đến 3 đứa vào đại
học. Ở làng An Lương, không riêng gì chị Bé, mà các chị Võ Thị Sáu, Phạm Thị
Bảy... cũng một mình nuôi các con học đại học, cao đẳng và thành tài bằng chính
cái nghề của làng. Sống được với nghề, đó là lý do khiến người dân An Lương
ngày càng gắn bó hơn, có ý thức giữ gìn và phát huy làng nghề truyền
thống.
An Dy