Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về,
các cụ ông ở thôn Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa phối hợp với các cụ thôn Cổ Tháp, Cù
Bàn, xã Duy Châu lại đi chúc Tết bằng những câu hát Sắc Bùa với mong muốn sang
năm mới nhà nhà sẽ làm ăn khấm khá, sức khoẻ dồi dào.
Đêm cuối năm, không khí
Tết đã tràn ngập trên khắp các nẻo đường quê. Nhà nhà ai nấy đang tất bật sửa
soạn cho ngày Tết cổ truyền và chờ đợi giây phút giao thừa giữa năm cũ với năm
mới. Chúng tôi về với bà con thôn Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa để xem các cụ cao niên
đi hát Sắc Bùa.
“Lồng đoạn âm hát sắc bùa”…
Thật khó xác định rõ
ràng nguồn gốc hát sắc bùa cũng như thời gian xuất hiện của loại hình sinh hoạt
văn hóa, văn nghệ dân gian mang đậm văn hóa tâm linh tín ngưỡng này. Ở xã Duy
Châu và Duy Hòa, huyện Duy Xuyên còn lưu giữ nghệ thuật hát sắc bùa và đã trở
thành nét sinh hoạt cộng đồng, mang tính quần chúng. Hát sắc bùa đã trở thành
niềm đam mê máu thịt của người dân nơi đây. Mỗi khi Tết đến, xuân về nhà nhà
đều được dạo ngõ, mở cổng chào đón đội hát vào xông đất.
Sau ba hồi trống vang lên,
những làn điệu hát dạo ngõ do 6 cụ già và các anh trung niên trong đội hát cất
lên. Đây là những khúc dạo đầu để chủ nhà ra ngõ đón khách và người đi hát nói
lên mục đích đến nhà. Khúc dạo ngõ bắt đầu từ những người hát chính, trong đội
hát Sắc Bùa thường có 2 người hát chính để bắt nhịp cho những người còn lại hát
theo.
“Xin ông mở ngõ cho chúng
tôi vào/ Đầu xuân tôi mới bước vào/ Trước mừng mặt ông bà/ Sau xin hầu tổ
tiên”…
Có thể nói, bên cạnh
những hiệu quả tích cực mà các thiết chế văn hóa mang lại trong việc tuyên
truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực
hiện nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương, hát sắc bùa không chỉ đơn
thuần là những lời chúc xông
đất để mong một năm mới tốt đẹp mà là công cụ tuyên truyên truyền miệng
sắc bén về đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước
nhanh chóng đến với người dân.
Anh Hồ Tấn Dũng, 45
tuổi, thành viên trong đội hát sắc bùa thôn Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa nói:“Hồi còn nhỏ tôi đi theo đội hát sắc bùa và
rồi yêu cái công việc này từ lúc nào không biết. Những ngày xuân lẽ ra phải
nghỉ ngơi thăm bạn bè nhưng vì ham mê hát sắc bùa quá nên tôi không dứt ra được.
Cái hay của sắc bùa là ca từ trong câu chúc phúc cho mọi nhà rất thực tế, như
mang đến những gì tốt đẹp cho mọi người trong những ngaỳ xuân nhựt và khi đội
hát sắc bùa đến nhà mọi người tiếp đón rất nồng hậu như một khách quý”.
Trong
tâm niệm của người dân Duy Xuyên mà đặc biệt là người dân hai xã Duy Châu và
Duy Hòa, Tết đến sẽ buồn nếu như không được đội hát sắc bùa đến nhà hát. Bởi
trong quan niệm của họ, nhờ hàng năm đội đến hát chúc Tết nên gia đình làm ăn
khấm khá, sức khỏe dồi dào, con cháu hiếu thảo, chăm ngoan học giỏi, tình cảm
gia đình, hàng xóm, láng giềng ngày càng gắn bó, keo sơn. Và phải chăng cũng
nhờ hát sắc bùa với những ca từ ca ngợi, động viên nhân dân hăng hái thực hiện
tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là hưởng ứng tích
cực phong trào hiến đất, hiến tài sản để góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa
phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
“Chúng tôi là những
người nông dân nên chưa am hiểu hết nghệ thuật hát sắc bùa, nhưng làn điệu hát
sắc bùa hay hay nên chúng tôi tất thích. Đêm giao thừa mà có đội hát sắc bùa
đến dạm ngõ là chúng tôi mở cửa đón rước vào ngay. Theo tôi nghĩ, hát sắc bùa
không chỉ cầu may, cầu an cho gia đình đầu năm mới, mà bên cạnh nó là kênh
tuyên truyền miệng dễ nghe, dễ hiểu về đường lối, chủ trương của đảng, chính
sách pháp luật của nhà nước mà hiện này các kênh thông tin đang đẩy mạnh tuyên
truyền”. Chị Đặng Thị Thúy Vân, thôn Cổ Tháp, xã Duy Châu chia sẻ.
Những câu
chúc trong bài hát đều thể hiện sự thành kính đối với những người đi trước và
thể hiện sự mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với những người còn sống và
hậu thế mai sau. Ngoài ra còn có bài hát mừng nhà mới, hát chúc cho những con
vật nuôi trong nhà, hát kể tháng nhằm đúc rút về những vấn đề thời tiết, những
kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Mỗi tháng một kinh nghiệm khác nhau nhằm
cho gia chủ và tất cả mọi người tránh được những điều xấu, bất trắc, thiên tai
để hướng tới những điều tốt đẹp. Có những bài hát cầu mong sức khỏe cho con người. Nhiều thế kỷ trôi qua, hát Sắc
Bùa quê tôi vẫn lưu giữ và phát huy.
Làn
điệu hát sắc bùa rất thi vị, mộc mạc, gần gũi làm sao. Trong tiếng trống, tiếng
gõ sinh tiền của từng thành viên đội hát sắc bùa, chúng tôi cảm nhận được sự
chân tình, mộc mạc từ lời ca vang lên chính trong cuộc sống lao động, sản xuất.
Ẩn chứa trong đó là cả niềm khát vọng về một cuộc sống thanh bình, yên ả, mưa
thuận gió hòa, về một mùa xuân an lành, hạnh phúc trước thềm năm mới.
Đội trưởng hát sắc bùa
thôn Vĩnh Trinh, xã Duy Hòa là ông Nguyễn Long. Ông Long năm nay đã 83 tuổi
nhưng rất ham mê nghệ thuật hát sắc bùa. Ông thuộc trên 20 bài hát sắc bùa, lại
có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả đội và có khả
năng ứng xử tình huống nhanh.
Ông Nguyễn Long cho
biết: “lên mười tuổi, tôi rất mê hát sắc
bùa và theo cậu ruột của mình đi hát trong những ngày xuân nhựt. Chiến tranh
loạn lạc đội cũng tan rã. Sau ngày giải phóng, tôi vẫn còn mê hát sắc bùa nên
mua sắm dụng cụ và thành lập một đội hát sắc bùa duy trì cho đến bây giờ”.
Nhạc cụ trong múa hát sắc bùa có trống
cơm, sinh tiền, phách tre, tạo nên âm thanh vui tai, hấp dẫn người nghe. Trang
phục của đội được thống nhất là áo sơ mi, quần tây. Thường vào sau giao thừa,
toàn đội tập trung tại nhà đội trưởng và bắt đầu đi đến từng nhà để hát chúc
mừng năm mới. Dưới sự chỉ huy của đội trưởng, toàn đội sắc bùa sẽ vỗ trống cơm,
gõ sinh tiền và hát các bài hát sắc bùa với nội dung chúc tụng đầu xuân. Tùy vào hoàn cảnh của từng gia chủ mà đội sẽ hát tặng
những bài hát phù hợp. Nhưng thông thường bài “Chúc gia đình ông bà” được hầu
hết nhà nhà yêu thích vì nó đã thể hiện được tình cảm gia đình keo sơn: “Chúc cho ông bà, phú quý sang
giàu/ Chúc cho vườn tược trước sau/ Chúc cho cây mít, cây cau, cây trầu/ Ông bà
trồng trọt bấy lâu/ Bán được cây trầu, tiền được dư trăm”...
Có lẽ những điệu hát
múa sắc bùa dân gian của xã Duy Châu, Duy Hòa vẫn còn đang được lưu giữ với
những người tâm huyết như ông Long, ông Nhự, ông Dũng, ông Năm, ông Tá, anh
Tuấn là điều may mắn cho một làng quê.
Hát sắc bùa là cách chúc
tết độc đáo của nhân dân ta, thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con
người trước thềm năm mới. Đây một nét văn hóa cổ truyền đặc sắc cần được lưu
giữ, bảo tồn./.
Phan Lý