A+ A A-

Bản sắc văn hóa Việt trên bàn thờ ông bà tổ tiên trong ngày Tết

      Theo phong tục tập quán của Việt Nam, mỗi độ Tết đến Xuân về là dịp để tống cựu nghinh tân. Mọi người tất bật quét dọn, sửa sang nhà cửa sạch đẹp, sáng sủa. Và không thể thiếu một công việc rất hệ trọng đó là lau chùi, quét dọn, chăm chút, bài trí bàn thờ ông bà tổ tiên. Đây là nếp văn hóa truyền thống, bản sắc của dân tộc Việt Nam.
      Việc làm này, xuất phát từ tục tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên là một trách nhiệm có tính cách luân lý đối với người Việt Nam, nó thể hiện cho nhu cầu được phát lộ tình cảm và niềm tin huyết thống trong môi trường gia đình.
     Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân, vì thế nó thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Điều này không chỉ để tránh sự va chạm mà còn tránh gió, bụi bặm và ô tạp. Trong tâm thức người Việt, người đã khuất và người còn sống luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Không gian thờ tự là không gian thiêng liêng trong gia đình, là nơi lưu giữ nhiều ẩn ức tình cảm giữa các thế hệ, chính vì thế việc giữ gìn bàn thờ luôn sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người.
alt 

    Vào những ngày cận Tết, mọi thành viên trong gia đình tất bật sắm sửa, trang trí nhà cửa và không quên việc dọn dẹp và sắm sửa đồ thờ cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên. Từ việc đánh sáng lại bộ lư đồng, lau chùi di ảnh, thay cát bát hương … đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu hình và thế giới tâm linh vô hình. Việc dọn dẹp, lau chùi, sắp đặt, bài trí bàn thờ ông bà tổ tiên là trách nhiệm của đàn ông, con trai. Có lẽ do nhận thức của thời kỳ chế độ phụ hệ nên công việc này là sự mặc định. Hơn thế nữa, người đàn ông là chủ gia đình, phải đại diện chăm lo nơi thờ phụng ông bà tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính.

     Tôi còn nhớ, hồi niên thiếu ở với ông ngoại, độ 23 tháng Chạp là ông giao việc lau chùi, quét dọn, sắp đặt bàn thờ cho con, cháu trai. Việc này, ông ngoại tôi xem là một việc rất thiêng liêng và nghiêm cẩn. Trước hết phải đốt nén nhang cẩn vái ông bà tổ tiên cho di dời hương án và trắp gia phả, sau đó mới được quét dọn, lau chùi bàn thờ. Thời đó, không có điện nên việc lau chùi bộ lư đồng đều làm bằng tay, dùng khế chua hoặc lá thơm, tro bếp để lau chùi. Tôi ý thức việc làm này là trọng trách và tự hào, nên làm miệt mài, chăm chỉ, cần mẫn, độ một ngày là có bộ lư đồng, cặp chân đèn bóng loáng, sạch bong. Công việc tiếp theo là thay cát nồi hương, phải dùng cát khô, sạch, tuyệt đối không dùng cát bẩn, làm ô uế nơi thờ cúng, ông bà sẽ quở trách, không chứng giám. Việc tiếp theo là lau chùi các đồ thờ cúng khác. Cây đèn dầu phải lau chùi, thay tim- thổ ngữ Quảng Nam(bấc – chuẩn ngữ), thay dầu cây đèn bóng( đèn hột vịt- đèn dầu); thay nước bình bông, cắm bông, xong mới được đặt lên bàn thờ. Ông ngoại tôi thường chỉ bảo: đèn phải đổ đầy dầu, đủ thắp sáng liên tục trong mấy ngày Tết, không được để hết dầu, đèn tắt. Như vậy, là bất kính với ông bà tổ tiên, mang tiếng con cháu để bàn thờ ông bà tổ tiên hương tàn khói lạnh trong ba ngày Tết. Mặt khác, thời đó không có bất lửa ga như bây giờ, nên việc thắp đèn dầu cháy sáng liên tục để con cháu đến thăm ông bà cha mẹ, họ hàng mấy ngày Tết có lửa để thắp hương ông bà tổ tiên.
 
alt 

     Việc sắp đặt, bài trí trên bàn thờ ông bà tổ tiên cũng có qui ước. Ở chính giữa đặt bát hương- lư hương để đốt hương, trầm( xem như ngôi nhà của ông bà tổ tiên ngự vị trong ba ngày Tết); hai bên bao giờ cũng có cặp chân đèn tượng trưng cho mặt trời bên trái và mặt trăng ở bên phải. Đĩa trái cây, bình bông(hoa) cũng theo qui luật đông bình, tây quả( đông là tay trái, tây là tay phải, hướng của bàn thờ, chứ không phải hướng của người cúng). Đĩa trầu cau, chung(ly) rượu cũng được cẩn kính đặt lên bàn thờ dâng cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết. Mâm ngũ quả dâng cúng ông bà tổ tiên tùy theo quan niệm và lòng thành của con cháu, nhưng quan niệm chung nhất của văn hóa phương Đông, là mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên. Theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường theo 5 sắc màu đó để phối trí. Ở miền Nam, mâm ngũ quả thường thấy các loại mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu, thơm… đọc chệch thành các tên "cầu vừa đủ xài" hoặc "cầu vừa đủ sung”. Mâm ngũ quả dâng lên ông bà tổ tiên là lời khấn cầu của con cháu mong các bậc tiền nhân độ trì đạt được nguyện ước cầu tài tấn tài, cầu lộc tấn lộc trong một năm làm ăn, sinh sống. Theo phong tục tập quán và theo đạo thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt Nam mình, thì bàn thờ ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết không thể thiếu bánh tét, bánh rò, bánh lăn, bánh tổ, bánh rỗ(nổ). Hương khói còn tạo nên một không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình. Hương dùng cho những ngày Tết cũng thường là các loại hương có mùi thơm ấm cúng, linh thiêng, như hương quế, hương trầm, hương nhài… là những loại hương có mùi thơm hết sức đặc trưng.

    Những sản vật dâng cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết, con cháu dễ dàng sắm sanh ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này. Cuối cùng, những sản vật thanh tao, tinh tuý nhất, được dâng bày với những tình cảm hiếu kính, trang trọng và thiết thân nhất. Bàn thờ tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống mà đó còn là nơi chúng ta gửi gắm những lời chúc may mắn và một năm mới an khang, thịnh vượng.

      Trong xu thế mở cửa hội nhập, văn hóa ngoại lai du nhập vào nước ta thiếu chọn lọc đang ngày càng lan rộng, còn đó linh vật ngoại lai chễm chệ nơi di tích, đền đài, miếu mộ; không thiếu những gia đình thờ cúng linh vật ngoại lai trên bàn thờ ông bà tổ tiên. Đáng lo ngại, là việc bài trí bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết của nhiều gia đình không còn giữ bản sắc Việt. Nơi thờ cúng ông bà tổ tiên trở thành nơi trang trí sặc sỡ sắc màu, lễ vật dâng cúng thì đồ ngoại nhập, màu mè lòe loẹt, đủ thứ ngôn ngữ tây, tàu. Bàn thờ ông bà tổ tiên thì trang trí dây điện màu, đèn led nhấp nháy, sáng rực rỡ. Thậm chí đồ thờ cúng ông bà tổ tiên trong ngày Tết có người xem đó là dịp để khoe khoang đẳng cấp giàu sang, tức thời, sành điệu, được thẩm định bởi giá trị vật chất, nhiều tiền. Hương thắp bàn thờ thì sực nức mùi nước hoa, xà phòng gội tóc của phụ nữ. Như vậy, thì còn gì không gian uy nghiêm, ấm cúng, thiêng liêng nơi thờ cúng, ngưỡng vọng ông bà tổ tiên?!. Và như vậy, đâu phải là thành tâm của con cháu đối với bậc tiền nhân?

      Vậy nên, đạo thờ cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết phải theo đúng phong tục tập quán tốt đẹp bao đời nay của cha ông, đó là bản sắc văn hóa Việt cần được bảo tồn, gìn giữ, lưu truyền./.

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19839604
Hôm nay
Hôm qua
1221
20945