A+ A A-

Mai một nghề nấu tinh dầu chổi

   Hơn 15 năm nay, nghề nấu tinh dầu chổi tại thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) mai một dần, hiện không còn nhiều người theo nghề này.

   Thôn Chiêm Sơn lâu nay nổi tiếng với nghề làm chổi. Cây chổi chà được cắt trên núi về, thân và nhánh dùng để cột thành chổi quét, còn lá được tận dụng để nấu dầu chổi. Theo đó, cùng với nghề làm chổi thì ở đây cũng hình thành nghề nấu dầu chổi.

   Mai một

   Trước nay trên địa bàn huyện Duy Xuyên, nhất là các vùng đồi cao mọc nhiều các loại cây chổi đót, chổi chà. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp người dân phát triển nghề làm chổi cũng như nấu tinh dầu chổi. Cụ ông Đoàn Dị (83 tuổi, thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh) cho biết: “Khi 7 - 8 tuổi tôi đã theo người lớn đi cắt cây chổi, lúc đó nhà tôi cũng đã có nghề nấu dầu chổi rồi. Không ai biết nghề này có từ bao giờ…”. Cũng theo cụ Dị, khi đó, ở Chiêm Sơn có rất nhiều nhà nấu dầu chổi, hình thành làng nghề. Thậm chí, người dân còn đặt các lò nấu dầu chổi ngay trong núi, nơi cây chổi mọc nhiều để thuận tiện sản xuất. Dầu chổi Chiêm Sơn khi đó cũng có tiếng, tiêu thụ ổn định, không bao giờ bị ế hàng.

  Cụ ông Đoàn Dị và sản phẩm dầu chổi. Ảnh: K.T 

Cụ ông Đoàn Dị và sản phẩm dầu chổi. Ảnh: K.T   

    Ở thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) cũng có truyền thống làm nghề nấu tinh dầu chổi. Cụ bà Ba Ruộng - một trong những người có thâm niên làm nghề của địa phương này cho biết, hồi xưa cứ 2 - 3 nhà là có 1 nhà nấu dầu chổi. Ngày nấu 1 - 2 phuy, được vài lít, đem bán ở Đà Nẵng và thu hút người mua.

    Thế nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Hơn 15 năm trở lại đây, làng nghề nấu dầu chổi Chiêm Sơn và cả Mỹ Sơn đều không còn thịnh như xưa. Ở làng Mỹ Sơn, hầu như không còn ai theo nghề này nữa. Còn tại Chiêm Sơn chỉ còn 2 nhà nấu dầu chổi là gia đình cụ Dị và một gia đình khác nhưng không nấu thường xuyên. “Giờ không ai làm nghề này nữa, người già biết nghề thì mất nhiều rồi. Còn người trẻ thì đi làm cho công ty, xí nghiệp hết” - cụ Dị nói.

   Tuổi cao, cụ Dị cũng không còn sức để làm nghề, chủ yếu là 2 người con gái tiếp tục nối nghiệp. Theo chị Đoàn Thị Ánh (con gái cụ Dị), nấu dầu chổi cũng như nấu rượu. Lá chổi được đổ vào 1 cái thùng phuy, sau đó nén thật chặt, đổ đầy nước và nấu trong vòng 4 - 5 giờ đồng hồ. Nước và tinh dầu chổi chảy ra theo 1 đường ống, được dẫn vào 1 nồi chứa ngâm trong nước lạnh. Tại đây, nước nặng hơn sẽ chìm xuống dưới, tinh dầu chổi sẽ nổi lên trên bề mặt và được chiết xuất ra.

   Chị Ánh cho biết thêm, gia đình không nấu dầu chổi mỗi ngày mà khi nào mua được lá chổi thì mới nấu. “Ngày xưa lá chổi tầm 5.000 đồng/bao, giờ tới 120 -130 nghìn/bao. Bây giờ nhiều người ngoài Huế vào mua lá chổi về nấu nên giá càng ngày càng cao ” - chị Ánh nói.

   Hy vọng phục hồi

   Tinh dầu chổi có màu vàng nhạt, tính năng kháng khuẩn cao ở đường hô hấp, tác dụng long đờm, dùng làm thuốc chữa ho, viêm họng, cảm cúm, ngoài ra còn được dùng xoa bóp, chữa đau nhức… Chính nhờ những công dụng này mà cho đến bây giờ sản phẩm vẫn được người dân ưa chuộng.

   Dụng cụ nấu dầu chổi. Ảnh: K.T

Dụng cụ nấu dầu chổi. Ảnh: K.T   

    Theo gia đình cụ Dị, hiện tại giá bán một lít dầu chổi vào khoảng 800 nghìn đồng. Với mức giá này, mỗi ngày gia đình có thể thu được lợi nhuận khoảng 250 - 300 nghìn đồng. Và sản phẩm làm ra không đủ để cung cấp cho thị trường. “Nhà tôi làm chủ yếu bán lẻ, làm không đủ bán. Lúc trước nhiều đơn vị có tìm tới nhà để đặt mua lượng hàng lớn, thường xuyên nhưng mình không dám nhận vì không làm đủ sản phẩm cung cấp cho họ” - con gái cụ Dị chia sẻ.

     Như vậy có thể thấy, hiện tại tinh dầu chổi vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Đầu ra cho sản phẩm tương đối rộng mở. Thực chất, tại Huế, nghề nấu dầu chổi, dầu tràm hiện nay vẫn đang tồn tại và phát triển. Đặc biệt tại các xã Lộc Tiến, Lộc Thủy của huyện Phú Lộc vẫn có hàng trăm hộ dân sống được với nghề này. Sản phẩm ở đây không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn có thể xuất khẩu sang Lào, Thái Lan… Rõ ràng, với lợi thế của nguồn nguyên liệu tại chỗ và tiếng tăm một thời, nghề nấu dầu chổi ở Chiêm Sơn hoàn toàn có hy vọng làm được điều tương tự.

   Hơn thế nữa, làng nghề dầu chổi Chiêm Sơn còn có một lợi thế lớn khi nằm trên tuyến đường du lịch Mỹ Sơn. Những năm nay gần đây, gia đình cụ Dị đã đón nhiều đoàn khách du lịch đến thăm quan quy trình sản xuất dầu chổi của gia đình. Có người còn mua về dùng thử.

   Trên thực tế, đã có nhiều làng nghề truyền thống hồi sinh nhờ du lịch. Việc kết hợp với du lịch không chỉ giúp quảng bá sản phẩm cho làng nghề mà còn mang lại một nguồn thu nhập cho người dân. Nếu thế mạnh này được khai thác một cách hiệu quả thì làng Chiêm Sơn không chỉ giữ lại được nghề truyền thống mà đây sẽ là còn một địa chỉ hấp dẫn cho ngành du lịch địa phương.

KIM THOA

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18634423
Hôm nay
Hôm qua
2351
3647