A+ A A-

Một gia đình đặc biệt

    Một gia đình có 6 anh em trai đều tham gia cách mạng, trong đó, 4 người là cán bộ Tiền khởi nghĩa. Khi các con tỏa đi các chiến trường tham gia chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm, thì 21 năm người mẹ vò võ chờ đợi các con trở về. Sau khi chồng mất và trong sự truy bức gắt gao của kẻ thù, người mẹ đã phải vào Sài Gòn nương tựa nhà chùa, đợi ngày con cháu đoàn tụ...

   Mot gia dinh dac biet - Anh 1

 

Năm anh em trong gia đình khi ở miền Bắc (từ trái sang): Ông Nguyễn Văn Điền,Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Chiến, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Bộ (ảnh do gia đình cung cấp).   

    Đó là câu chuyện về gia đình cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đình Tấn, ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam). Ông Nguyễn Đình Tấn nay đã ở tuổi 89 nhưng vẫn rất minh mẫn. Cha mẹ của ông là cụ Nguyễn Quá và cụ Hồ Thị Nam, trước đây ở làng dệt Châu Hiệp, vốn khá giả nhờ dệt lụa, ươm tơ. Con cái của hai cụ đều được đi học chữ, riêng ông Tấn học đến Prime. Gia đình cụ Nguyễn Quá ngày đó có 3 máy dệt, 3 lò ươm và thêm nghề buôn bán. Với lòng yêu nước nồng nàn, gia đình cụ Nguyễn Quá trở thành địa chỉ nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng như: Võ Chí Công, Phạm Thị Đợi, Phan Bình, Trần Hoài Ân... Sống trong không khí cách mạng, 6 người con trai của hai cụ đều mang trong lòng ngọn lửa yêu nước, căm thù quân xâm lược. Tháng 7-1930, chi bộ đầu tiên của làng Châu Hiệp được thành lập với những đóng góp to lớn của gia đình cụ Nguyễn Quá. Sau đó, cơ sở cách mạng bị mật thám đánh phá, chi bộ không thể hoạt động. Năm 1942, đồng chí Võ Chí Công và Phạm Thị Đợi bắt được liên lạc với ông Nguyễn Liễu (người con thứ hai trong gia đình cụ Nguyễn Quá) và một số đồng chí khác thành lập lại chi bộ, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng.

    Năm 1942, người con trai cả của cụ Nguyễn Quá là Nguyễn Chiến bị địch bắt vì treo cờ, rải truyền đơn ở Vĩnh Điện. Một năm sau, ông Nguyễn Chiến được thả ra và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Trò chuyện với chúng tôi, CCB Nguyễn Đình Tấn kể: "Ngày đó, tôi thường cùng mẹ ra thăm và mang thư của chi bộ gửi cho anh Nguyễn Chiến, rồi nhận tin tức đem về phản ánh lại với các đồng chí trong chi bộ". Tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm nên 4 người con lớn của cụ Nguyễn Quá gồm: Nguyễn Chiến, Nguyễn Liễu, Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Văn Phú đều trở thành những người nòng cốt vận động nhân dân vùng lên cướp chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông Nguyễn Chiến là Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên. Năm 1947, ông là Tỉnh ủy viên, Bí thư kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính H. Duy Xuyên. Sau đó, ông Nguyễn Chiến lên Gia Lai, Kon Tum hoạt động, rồi ra Bắc giữ cương vị Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức Ủy ban Dân tộc Trung ương. Vợ ông Chiến là bà Nguyễn Thị Phương cũng là cán bộ Tiền khởi nghĩa, làm việc ở Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam. Riêng ông Nguyễn Liễu, sau Cách mạng tháng Tám là Thư ký công nhân cứu quốc huyện, rồi làm Thường vụ công nhân cứu quốc tỉnh Quảng Nam. Năm 1948, trên đường đi công tác, ông bị sốt rét và mất tại H. Phước Sơn, đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Điều này làm gia đình vẫn luôn day dứt mãi.

   Ông Nguyễn Đình Tấn và em trai Nguyễn Văn Phú sau khi tham gia cứu quốc, tiếp tục gia nhập quân đội, kinh qua nhiều chiến trường. Năm 1954, cả hai tập kết ra Bắc, rồi trở lại miền Nam chiến đấu. Em trai kế là ông Nguyễn Văn Điền nhập ngũ vào Trung đoàn 96 tham gia đánh trận Đăk Pơ, rồi tập kết, chuyển ngành, làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Em trai út là Nguyễn Văn Bộ (tức Tám) được ra Bắc học ở trường học sinh miền Nam, làm ở ngành LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội. Năm 1954, gia đình cụ Nguyễn Quá được Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam cấp bảng vàng danh dự vì có nhiều đóng góp cho cách mạng.

  5 người con ra Bắc, trong đó có 4 người đi tập kết, gia đình cụ Nguyễn Quá bị địch liệt vào "sổ đen". Do bị địch khủng bố liên tục nên hai cụ phải bỏ hết gia tài ở quê nhà để tản cư lên Phước Sơn. Cụ ông mất, cụ bà trở về quê lại bị kẻ thù đánh đập, bắt "sám hối" gọi các con về. Nhà cửa thì bị địch phá dỡ xây thành đồn bốt. Cụ bà bơ vơ phải vào Sài Gòn, rồi tìm đến một ngôi chùa, hằng ngày làm công quả. 8 năm cụ nương náu ở chùa, tâm niệm cho các con bình yên. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông Tấn từ miền Bắc trở về quê hương, rồi vào Sài Gòn tìm mẹ. Mẹ con gặp lại nhau nước mắt lưng tròng. Cùng lúc, Nguyễn Chiến cũng từ miền Bắc trở về quê hương tìm mẹ... Khi biết 5 con đều bình yên, cụ Hồ Thị Nam như trẻ lại và cùng các con trở về quê sinh sống cho đến năm 1983 thì mất.

   Nối tiếp truyền thống gia đình, đa số con, cháu của ông Tấn đi theo nghề dệt Mã Châu, vững vàng trụ vững giữa thương trường. Có người theo con đường binh nghiệp, trở thành cán bộ cao cấp quân đội, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến (con trai của ông Nguyễn Đình Tấn), hiện là Phó Tư lệnh Quân khu 5, người được đồng đội biết đến vì tấm lòng nhân ái, thường xuyên cưu mang, đỡ đầu các cháu là con thương binh, liệt sĩ ở chiến trường K có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, 6 anh em trong gia đình cách mạng năm xưa chỉ còn lại 3 người. Giữ nếp nhà ngày xưa, các ông luôn sống giản dị, khiêm nhường; thể hiện tình yêu đất nước, yêu Đảng bằng cả niềm tin và truyền cho con cháu niềm tin ấy, để sống sao cho xứng đáng với truyền thống gia đình, quê hương.

Hồng Vân

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19799237
Hôm nay
Hôm qua
3358
10160