Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (trái) trong lần gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam.
Ngày 20-5, tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã trút hơi thở cuối cùng, giã biệt văn đàn sau một năm chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 69 tuổi. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là một trong số những nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn - dân vận. Bởi vậy, tuy quê gốc Nam Định, sinh ra ở Sài Gòn, nhưng cuộc đời ông lại có nhiều duyên nợ, cảm xúc với mảnh đất Quảng Nam khói lửa ác liệt trong chiến tranh, để viết nên nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Bay qua cõi chết”, “Học phí trả bằng máu”…Từng gặp gỡ, làm việc với nhà văn Nguyễn Khắc Phục ở chiến trường khu 5 và sau ngày hòa bình, nhà văn Hồ Duy Lệ đã có những hồi ức xúc động về ông-nhà văn gắn bó nghĩa tình với xứ Quảng.
Tôi gặp Nguyễn Khắc Phục lần đầu trên núi Hòn Tàu, năm 1972. Ấn tượng đầu tiên là sau một thời gian ngắn ở trong hang, hóc đá, dưới vòm cây rừng xơ lá vì chất độc và bom, ăn không đủ no, nghe anh chị em từ thành thị, thoát ly lên chiến khu kể chuyện về người Đà Nẵng chống Mỹ, đêm đêm ra ‘‘tảng đá Đà Nẵng’’, nhìn xuống đồng bằng xa lắc, nơi có ‘‘Cái vầng sáng bồi hồi thương nhớ đó, cứ đêm đêm thao thức gọi ta về” (Thu Bồn), Nguyễn Khắc Phục đã gọi anh em trong cơ quan Báo Giải phóng Quảng Đà ngồi lại nghe anh đọc bài thơ mới ra lò ‘‘Đà Nẵng, thành phố rocket, thành phố của những tâm hồn du kích’’. Bài thơ được anh em chuyền tay nhau đọc, rồi bằng nhiều cách đưa lọt vào tận nội thành Đà Nẵng đang hừng hực không khí bãi khóa, xuống đường, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi Mỹ cút về nước... Tôi quen thân Phục từ khi Phục về Đà Nẵng, tá túc trong nhà bạn bè mới quen, nói chuyện với những nhân chứng lịch sử, làm thân cả với dân chơi, bụi đời... để lấy tài liệu viết Bay qua cõi chết, Học phí trả bằng máu- những tác phẩm gây xôn xao một thời. Rồi viết Cuối Xuân, Người say mê trồng lúa...
Trong những năm đánh Mỹ, các nhà báo ở Khu về, ai cũng muốn được đến những vùng ác liệt nhất. Nguyễn Khắc Phục đã đến với anh chị em du kích vùng khói lửa ác liệt Xuyên Phú, Xuyên Hòa của khu Tây. Hấp dẫn nhất là theo du kích đến với Gia Hòa, Mỹ Lược, Phú Lạc, Gò Om, nổng Bà Tình, vườn Thầy Năm (vườn Thầy Năm là tên một vở kịch đầu tay Nguyễn Khắc Phục viết về đất và người Quảng Đà, người khu Tây Duy Xuyên). Từ hơi thở dữ dội của đất và dân bám trụ, Nguyễn Khắc Phục viết được nhiều bài thơ có hồn như bài Nhân dân tin yêu, Mặt ngôi nhà nhìn về hướng ấy... Về với Quảng Đà ác liệt, với khu Tây đánh Mỹ, anh gặp những chiến sĩ du kích như Lê Khả, Trần Việt Hoa, Nguyễn Tiến Dũng, chị Hai Phiên, chị Ba Chủng, chị Tám Chum, bà mẹ Bốn Chồn... và ứng khẩu thành thơ...
Hòa bình, mỗi lần về Quảng Nam, Phục đều muốn đi khu Tây Duy Xuyên, để gặp lại những chiến sĩ du kích ngày ấy còn sống. Năm 2011, Đài PT-TH Quảng Nam (QRT) bắt tay thực hiện bộ phim tài liệu nhiều tập “Mẹ Thu Bồn” do nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản kiêm Tổng đạo diễn, chúng tôi có dịp trở lại khu Tây Duy Xuyên. Đến xã Duy Hòa, trước khi gặp thăm hỏi những cán bộ, du kích anh hùng năm xưa, Nguyễn Khắc Phục tha thiết làm sao đến thắp cho Phan Thị Sỹ một nén hương. Được các anh ở xã Duy Hòa chỉ đường, Nguyễn Khắc Phục và tôi vừa đi đến khúc đường cong vào cổng nhà thì gặp một người đàn ông đạp xe đi ra. Ông ta xuống xe, giở nón lá chào: “Các anh vào nhà ai?” Phục nói: “Dạ, vào thắp hương cho Sỹ”. “Tôi là cha của Sỹ đây. Hôm nay kỵ cơm cho con gái, tôi đi mua chút gì về thắp hương cho con. Các anh vào nhà, tôi đạp xe ra quán, về ngay”. Cuộc gặp bất ngờ làm Nguyễn Khắc Phục và tôi lặng người, có cảm giác như Sỹ báo cho Phục và chúng tôi trở lại khu Tây vào đúng ngày người cha kỵ cơm cho con gái-ngày 24-4 ÂL. Chúng tôi vào nhà, bước tới trước bàn thờ, Nguyễn Khắc Phục nhận ra ngay tấm hình cô du kích ôm cây đại liên. Phục nói, đây là bức ảnh nhà báo Thanh Tụng (P.V Thông Tấn Xã Giải phóng Khu V vừa từ Hà Nội vào) chụp sau trận đánh tiêu diệt đại đội thám báo 161 năm 1972. Chuyến đi khu Tây lần này, tôi và Nguyễn Khắc Phục gặp được mấy chị ở Trung đội Nữ của Sỹ còn sống kể lại chuyện chiến đấu...
Cha của Phan Thị Sỹ là ông Phan Công. Năm 1971, khi Sỹ cùng đội du kích chiến đấu chống quân càn ngoài chiến hào thì ông bị địch bắt đày Côn Đảo. Anh Hai của Sỹ là Phan Văn Đoàn, du kích, hy sinh. Sỹ là con thứ ba. Em kề Sỹ là Phan Văn Bốn, làm liên lạc cho Xã đội Duy Hòa, hy sinh trong một trận xáp lá cà với lính Mỹ trên đường Cái Mới. Phan Thị Sỹ lúc bấy giờ mới 17 tuổi mà đã là xã đội phó, kiêm Trung đội trưởng Trung đội nữ. Còn Nguyễn Đình Long làm Xã đội trưởng, Nguyễn Tiến Dũng làm Chính trị viên.
Khu Tây Duy Xuyên ngày ấy có một tiểu đoàn của Lữ đoàn 196 thuộc sư đoàn American, chốt trên dãy núi Dương Thông - án ngữ phía đông - nam của H. Duy Xuyên, ban ngày thì "tàu gáo đậu nóc nhà", "tàu rà bắn rốc kết", ban đêm thì Mỹ phục, Mỹ lết, sáng ra thì xe cày... Tình hình căng như chảo lửa, nên được tin có các nhà báo của Khu về, các anh Đảng ủy xã vừa mừng, vừa lo. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Phước gọi Chính trị viên Xã đội Nguyễn Tiến Dũng giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các nhà báo. Dũng chọn 3 chiến sĩ trong đại đội du kích, trang bị mỗi chiến sĩ ngoài lựu đạn còn có một cây caran M2 lấy được của Mỹ.
Nguyễn Khắc Phục gặp Phan Thị Sỹ lần đầu vào buổi sáng cùng anh chị em du kích Xuyên Hà. Sáng hôm ấy, thấy mấy chiếc trực thăng bay vào đầu xóm Châu Phú, anh em vừa đưa các anh nhà báo đến chỗ mương nước đầu thôn thì chúng đã quần trên đầu. Tất cả ép sát vào bụi tre nhưng một chiếc tàu gáo trực chỉ về phía bụi tre. Lúc ấy, thấy Nguyễn Khắc Phục còn đứng nhìn, một tên Mỹ ôm cây đại liên chĩa xuống, Nguyễn Tiến Dũng hô to “mấy anh vào hầm ngay”. Thế là tất cả tuôn vào cái hầm chống phi pháo bên bụi tre. Vừa chui vào hầm thì chiếc tàu gáo hạ thấp xuống, nện một loạt rốc kết vào bụi tre. Chiếc tàu gáo hạ thấp, một tên Mỹ mặt đỏ như mặt khỉ, chồm đầu ra gọi... Anh em hiểu bọn chúng gọi đầu hàng. Nguyễn Tiến Dũng ra lệnh cho 2 du kích là Võ Văn Trà và Trần Thị Sáu ôm súng đứng ở cửa hầm phía sau, khi nào anh lệnh thì nổ súng. Sau khi dặn các anh nhà báo bình tĩnh, Dũng ôm cây caran lên đạn ra cửa hầm chính. Chiếc tàu gáo đang kè thấp xuống, tên Mỹ miệng kêu, tay vẫy bảo ra, anh bóp cò, kéo hết một băng caran lên đầu chiếc tàu gáo. Nghe tiếng súng khét cháy bên tai, Trà và Sáu liền bắn đuổi theo ba chiếc cá lẹp đang quần nện rốc kết xuống tới tấp khu vực bụi tre và hầm. Trúng đạn, chiếc tàu gáo lộn lên, quay mòng, chuối ra phía ngoài Hòa Bắc. Ba chiếc cá lẹp quần một vòng nữa, nện rốc kết rồi bỏ trận địa. 11 giờ trưa, khi vừa đưa mấy anh nhà báo vào thôn Châu Phong gửi nhà dân lo cơm nước thì một tốp trực thăng bay vào đổ quân xuống Hội Quán. Trận đánh tiếp theo ngay sau đó, Võ Văn Trà hy sinh, Trần Thị Sáu bị thương. Tiếp đó, trong trận đánh chốt Gò Ôm, Xã đội phó Phan Thị Sỹ trực tiếp chỉ huy một tổ du kích. Trong 15 ngày đánh lui nhiều đợt phản công của địch lấn chiếm vùng giải phóng, Phan Thị Sỹ đã hy sinh...
Tôi viết mấy dòng này thay mặt anh em Đất Quảng không ra Hà Nội dự lễ tang nhà văn Nguyễn Khắc Phục được, như một nén nhang chia buồn với người thân, gia đình, là lời vĩnh biệt, mong anh thanh thản từ biệt tất cả để về nơi vô cùng.
Hồ Duy Lệ