Sau nhiều năm bỏ nghề, nhiều hộ dân ở làng dệt Đông Yên - Thi Lai (xã Duy Trinh đã bắt đầu trồng dâu nuôi tằm trở lại, nhưng không phải để ươm tơ dệt lụa mà là để chế biến nên những đặc sản rượu tằm, tằm xào...
Thuở Thi Lai, Đông Yên còn bạt ngàn dâu tằm, người người dệt lụa, món tằm xào có mặt thường xuyên ở bữa ăn. Và đâu chỉ có tằm xào, còn có rượu tằm. Bây giờ, ở Duy Trinh có cơ sở ươm tơ của ông Nguyễn Nhất Tuấn (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh) là sản xuất rượu tằm bài bản. Ươm tơ gần 30 năm, ông ngâm rượu tằm cũng chỉ 5 năm trở lại đây. "Đừng nhầm rượu tằm chỉ đơn giản bỏ tằm vào rượu như kiểu ngâm ba kích, thuốc bắc. Ngâm thế ngộ độc đấy. Rượu tằm có công thức khác, mỗi gia đình có mỗi cách thức riêng, bí truyền"-ông nói.
Để làm được rượu tằm, theo ông có 3 nguyên liệu chính là rượu, mật ong và tất nhiên là tằm. Tằm phải tằm giá, tức tằm đứng cửi nhưng không bệnh. Tằm giá ăn rất ngon, lợi sức khỏe, là nguyên liệu để chiết xuất ra đạm. Theo dân gian xưa bị cọp vồ ăn một nong tằm giá là có thể hồi phục. Muốn giữ tằm lâu phải làm lạnh. Mà tằm giá phải tằm mùa thu, chứ mùa xuân, đông, ngâm là ngộ độc liền vì tằm vôi. Ông kể một lần, nhìn nước lũ tràn vào ngập tổ ong ở đống củi sau nhà, ông nảy ý tưởng kết hợp tằm, mật ong và rượu. Rượu phải nước nhất 45 đến 50 độ. Cả mí tằm 20 - 30 hộp trứng, cả tấn kén mới được mấy ký tằm giá. Rượu gạo đặt riêng người ta nấu, ngâm tằm với mật ong rừng, sau đổ rượu vào, hạ thổ. Từ mùa thu năm này đến mùa thu năm sau thì khai thổ. Ngâm lâu thế để tằm chiết hết hoạt chất dược liệu, và để uống không bị đau đầu. "Nói đơn giản nhưng để làm ra một chai rượu còn có rất nhiều bí quyết riêng nữa"-ông Tuấn cười.
Chai rượu tằm cùng đĩa tằm xào, bên cạnh ngàn dâu, đủ để bạn cảm nhận hết hồn quê xứ Quảng. 400 năm trước, nhiều mặt hàng tơ lụa như đoạn, lãnh, gấm, vóc, trừu, sa, the xuyến...từ Mã Châu, Thi Lai, Đông Yên chuyển đến thương cảng Hội An đi khắp mọi nơi, ra cả nước ngoài. Ngày đó, món tằm xào rất phổ biến, và rượu không chỉ có rượu tằm, còn có rượu ngài, rượu trứng, mỗi kiểu là một công thức pha chế riêng. Nhưng đến những năm 90 thế kỷ trước, thị trường tơ lụa khủng hoảng, Duy Xuyên vắng sạch khung cửi. Từ 2 năm trở lại đây, Duy Trinh đã có hơn 10 hộ trồng dâu nuôi tằm trở lại, có người trồng lên đến 3 ha dâu. Và họ trồng dâu nuôi tằm không phải để ươm tơ dệt lụa mà là dùng tằm để chế biến nên đặc sản rượu tằm, hoặc bán tằm con cho người quanh vùng đem về làm món ăn. Ông Nguyễn Văn Truyền (làng Đông Yên - Duy Trinh), người sở hữu 3 ha dâu, nói: "Tôi đặt trứng tằm ở ngoài Bắc để ủ, rồi dùng dâu mình tự trồng để nuôi tằm. Khi tằm lớn, tôi bán cho dân quanh vùng, bán cho khách phương xa nữa, giá là 50 nghìn/1kg tằm con, bây giờ người ta chuộng món tằm xào lắm".
Ông Nguyễn Nhất Tuấn thì chia sẻ: "Người ta rất ít biết đến rượu tằm hay món tằm xào, bởi họ cứ đinh ninh nuôi tằm chỉ để ra kén. Hơn nữa, chừ dâu không ai trồng, tằm không ai nuôi, nên cũng không mấy ai biết có những loại rượu, hay món tằm xào như thế"-ông Tuấn nói. Hủ rượu ngâm tròn một năm, ông Tuấn đào lên, tôi nhấm thử: nóng lan tỏa toàn thân, lâng lâng, rồi dịu nhẹ, đọng lại một nồng nàn. Ngoài bán cho người trong vùng, sản phẩm của ông còn được đem ra Hà Nội, Sài Gòn, triển lãm trong các hội chợ. Mỗi mùa thu, ông ngâm chừng hai thùng - mỗi thùng 30 lít. Hiện ông đang mở rộng diện tích trồng dâu lên 3 ha để chủ động nguồn đầu vào. Theo ông, đã không còn ai trồng dâu nuôi tằm, nên khó khăn về nguyên liệu; làm ra một hủ rượu quá kỳ công, nên, ông chưa đăng ký bản quyền sản phẩm. Hai năm trước có một công ty ở địa phương định sản xuất hàng loạt rượu tằm, nhưng cũng chào thua, bởi, họ không nắm được bí quyết ngâm rượu. Ông Tuấn bày tỏ: "Lụa vẫn ế ẩm, nhưng nếu mình chuyển hướng, nuôi tằm làm món ăn, làm rượu, biết đâu lại là một hướng đi khả quan". Những triền dâu đang dần xanh lại trên biền bãi vùng lụa Duy Trinh. Riêng với rượu tằm, sự quan tâm của các cấp ngành hướng đến khôi phục phương thức ngâm, mở rộng sản xuất, đăng ký bản quyền, quảng bá sản phẩm là rất khẩn thiết.
Mai Thành Dũng