Làng hến ở thôn An Lạc, xã Duy Thành bao đời nép mình bên dòng sông Ly Ly hiền hòa, cứ ngỡ sẽ biến mất vì chẳng mấy ai còn sống được với nghề. Thế nhưng, vài tháng trở lại đây, làng bỗng trở nên nhộn nhịp bởi nhiều gia đình đã quay lại nhóm lò, đỏ lửa.
Chìm nổi theo con hến
Giữa tháng 7 dương lịch, chúng tôi quay lại thăm làng hến An Lạc. Vừa tới đầu làng, mùi hến ngọt bùi đã vờn quanh sóng mũi. Tiếng rây hến, tiếng gọi nhau í ới vang cả một vùng. Trên bến sông, những người đàn ông với gương mặt đen sạm vì nắng gió vẫn thoăn thoắt chuyển hến lên bờ dẫu đã quá mệt nhọc sau một ngày ròng ngâm mình dưới nước. Từng tốp phụ nữ và trẻ nhỏ hối hả nhặt cỏ rác lẫn lộn trong các mủng hến đầy ắp. Thấy khách lạ, ông Nguyễn Minh Thứ - một người dân địa phương liền nghỉ tay, tiếp chuyện. Ông Thứ nói: “Tôi không biết cái nghề này có từ khi nào, chỉ biết rằng ngày trước cả làng có hơn 20 hộ dân chủ yếu sống nhờ con hến. Mấy năm gần đây, môi trường sông bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến hến không thể sinh sản nên các gia đình chuyên làm hến trong làng lần lượt chuyển sang ngành nghề khác để mưu sinh. Thế rồi, sau Tết Đoan Ngọ vừa qua, bỗng dưng hến xuất hiện rất nhiều trên dòng sông Ly Ly này. Thấy vậy, người dân liền quay lại với nghề cũ và bây giờ làng hến đã nhộn nhịp như xưa. Tính sơ bộ, hiện nay cả làng có ít nhất 13 gia đình đang có nguồn thu nhập khá từ nghề cào hến”.
Thời điểm này, làng hến rất nhộn nhịp.Ảnh: B.N
Bao đời gắn bó với con hến, người dân làng An Lạc ai cũng thuộc nằm lòng câu hò “Nghề hến không đói mà lo. Cái ruột, cái vỏ, cái tro cũng tiền”. Để theo đuổi được nghề làm hến không phải là chuyện đơn giản, bởi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và biết chịu khó. Đàn ông trong làng phải thức dậy đi cào hến từ lúc nửa đêm đến xế chiều mới về. Còn phụ nữ thì phải quần quật cả ngày với việc rửa hến, rồi ngâm hến trong nước khoảng 8-10 tiếng đồng hồ để hến nhả hết cặn bẩn. Đến 3 giờ sáng hôm sau, người làm hến lại thức giấc chuẩn bị cho công việc quan trọng nhất: nấu hến. Theo kinh nghiệm của nhiều người có thâm niên trong nghề, khi nấu phải để lửa rất lớn, đun đủ “ba sôi, hai trào” rồi khuấy đều, nếu không khuấy thì hến sẽ câm, không nở. Hến sau khi nấu còn nghi ngút khói sẽ được đổ ra thúng, sau đó đem đi rửa lại một lần nữa cho sạch. Lúc đãi hến, tay phải khuấy thật mạnh để cho ruột còn nằm trong vỏ bung ra. Ruột hến có thể để riêng theo từng sanh, chảo cho dễ bán. Nước hến múc đựng vào các thùng nhựa bán cho người ta nấu canh. Còn vỏ hến thì gom lại để nung thành vôi bón ruộng hoặc bán cho người dân trong vùng xay nhỏ và trộn làm thức ăn cho gà, vịt. Tro nấu hến cũng được tận dụng để bán cho nông dân rải vườn trồng các loại hoa màu.
Con hến do người làng An Lạc này làm ra được tiêu thụ ở nhiều ngôi chợ trong vùng và các địa phương lân cận. Hến nơi đây nổi tiếng thơm ngon, vị đậm đà nên bạn hàng tìm đến tận nơi mua chứ người nấu hến không phải gánh ra chợ ngồi bán từng lon. Ấy vậy nhưng, một thời gian trước, có một số người đồn thổi rằng hến nhập từ nước khác qua không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khiến hến của làng An Lạc bị mất giá thê thảm, thậm chí nhiều khi làm ra chẳng ai thèm mua. Chị Huỳnh Thị Ba - một chủ lò nấu hến An Lạc chia sẻ: “Nghề này bấp bênh lắm, hễ có ai đồn thổi gì là cả làng điêu đứng. Cũng may, hiện nay giá hến đã ổn định, bình quân 1kg ruột hến tôi bán được 30 - 40 nghìn đồng. Gần 2 tháng nay, trung bình mỗi ngày gia đình tôi cào được 120 - 150kg hến sống, nấu ra được 8 - 10kg ruột hến và thu về 240 - 400 nghìn đồng. Còn phần vỏ hến, tôi để dồn lại bán cho người ta chở về nung vôi, 1 bao vỏ có giá khoảng 5 - 7 nghìn đồng. Công việc tuy vất vả nhưng nhờ có thu nhập khá nên vợ chồng tôi đủ trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học”.
Mai mốt có còn…
Tranh thủ kỳ nghỉ hè, những em học sinh phụ giúp cha mẹ vận chuyển hến từ bờ sông vào lò.
Thời gian gần đây, nhờ con hến, cuộc sống của người dân làng An Lạc có phần đủ đầy hơn. Tuy vậy, cái nghề này cũng lắm nhọc nhằn, vất vả như bao nghề lao động chân tay khác. Theo ông Nguyễn Văn Tình - một người dân địa phương thì người cào hến phải thức dậy đi cào từ lúc 1 giờ khuya cho tới hơn 12 giờ trưa. Cào hến còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và con nước. Khi trời lặng, nước cạn thì cào được sản lượng nhiều chứ nếu trời chuyển và nước sâu thì chẳng được mấy con vì hến rủ nhau trốn sâu dưới cát. Ông Tình bảo, nghề này phần lớn do đàn ông đảm trách. Nhưng đàn ông khỏe thì lội quanh mấy vòng là chân tay mỏi đơ. Quanh năm dang nắng, ngâm mình dưới nước nên nhiều người dân ở đây dễ mắc các bệnh về xương khớp, cột sống... Ông Tình chia sẻ thêm: “Cào hến trong mùa hè tuy phải chịu cái nắng nóng nhưng bù lại là được ngâm nước mát thỏa thích. Còn đến mùa đông hay những buổi tối chuyển trời, ngâm nước suốt nhiều giờ làm cả người lạnh cứng, tay tê buốt, chân lại rất dễ bị chuột rút. Vì thế, trước khi đi cào phải uống chút rượu cho ấm bụng mới mong chống chịu nổi với cái lạnh đó. Nói thật, do ngâm nước quanh năm nên sức khỏe của tôi ngày càng kiệt, không biết tôi còn theo cái nghề này được bao nhiêu năm nữa. Từ trước tới giờ sống chủ yếu bằng nghề cào hến, mai này nếu nghỉ chẳng biết gia đình sẽ sống bằng nghề gì đây”.
Làng hến An Lạc giờ lại đỏ lửa.
Dẫu cực nhọc là vậy nhưng qua bao thăng trầm, người dân An Lạc vẫn quanh quẩn với nghề cào hến. Theo người dân địa phương, sau mùa mưa năm ngoái, hến bắt đầu xuất hiện trở lại trên sông Ly Ly và liên tục sinh sôi nảy nở. Ông Ngô Văn Hà ở làng An Lạc hồ hởi: “Từ đầu tháng 6 dương lịch đến nay, các hộ dân trong vùng hết sức phấn khởi vì ngày nào cũng cào được khá nhiều hến. Những năm trước, vào mùa này sản lượng hến rất thấp, thậm chí là không có. Còn năm nay, chắc nhờ thời tiết và con nước thuận lợi nên hến sinh sản nhiều, phát triển tốt. Nhờ được mùa hến nên hiện giờ gia đình tôi và những hộ dân khác có rất nhiều mối tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, cứ sáng sớm là nhà nào cũng nhóm lò nấu hến, không khí rất rộn rã”.
Từ sáng sớm, người dân đã dậy nấu hến để kịp cung ứng cho các đầu mối.
Mừng thì mừng vậy nhưng điều mà người dân làng hến An Lạc vẫn luôn canh cánh vì sự bấp bênh của nghề. Với sự hủy diệt môi trường của con người và sự thất thường của thiên nhiên, liệu rằng mai đây hến có còn tồn tại và sinh sôi trên dòng sông Ly Ly? Theo lời ông Ngô Văn Hà, trước đây người ta cào hến rất thủ công. Cứ đi thụt lùi và tay giật đều chiếc cào là có hến. Cào thủ công như vậy nên chỉ lấy hến to, còn những con hến nhỏ thì để lại cho chúng có điều kiện sinh sản. Nhưng bây giờ, người ta cào hến bằng những chiếc vợt sắt, khi vợt thì cứ thế mà xúc, không để lọt bất cứ con nào, kể cả hến mới ra đời. “Việc khai thác bằng phương thức đó đang vô tình giết dần giống hến. Năm nay hến xuất hiện nhiều nhưng mấy năm nữa thì sợ hến sẽ ít dần rồi không chừng chẳng còn con nào sống nổi” - ông Hà nói.
Phóng sự: MAI NHI - LÊ BÌNH