A+ A A-

Chốn xưa Bùi Giáng

    Trung tuần tháng 10 năm 1998, ngay sau khi Bùi Giáng “về chín suối đá vàng” như cách nói của chính nhà thơ, tôi đã chạy xe qua những cánh đồng rì rào sóng lúa quê ông và thoảng nghe đâu đó câu thơ ông như lời trăn trối: Ta sẽ nhớ trần gian này mãi mãi/ Vì nơi đây ta có cả vui buồn… Giờ quay lại chốn xưa, câu thơ cũ của ông gợi biết bao buồn vui giữa cái nắng hanh hao của làng quê ngày chớm hạ.

  “Ông trẻ” Bùi Minh Diệu và tấm chân dung tranh thêu ưng ý nhất của nhà thơ là ông nội bác của mình. Ảnh: V.T.L 

Ông trẻ” Bùi Minh Diệu và tấm chân dung tranh thêu ưng ý nhất của nhà thơ là ông nội bác của mình. Ảnh: V.T.L   

   1. Anh Bùi Minh Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Duy Xuyên đưa tôi về thăm lại quê hương của Bùi thi sĩ. Sau khi cha qua đời, anh thay cha làm trưởng tộc Bùi Vĩnh Trinh, quán xuyến mọi công việc của họ tộc. “Ông trẻ” này cho biết, nhà thơ Bùi Giáng quê gốc làng Vĩnh Trinh (nay thuộc xã Duy Hòa), nhưng sinh ra ở làng Thanh Châu (xã Duy Châu) cách đó không xa, trên mảnh đất của cha mình - ông Bùi Thuyên, người đời quen gọi là Cửu Tý.

   Rẽ trái ở Km15 trên tỉnh lộ ĐT 610 Nam Phước - Kiểm Lâm, đi vào đường bê tông liên thôn khoảng 100m là đến khu vườn xưa của ông Cửu Tý, nay thuộc thôn Thanh Châu, xã Duy Châu (trước là xã Xuyên Châu). Ngôi nhà nơi “Trung niên thi sĩ” cất tiếng khóc chào đời giờ đã không còn nữa, nhưng tên gọi “kiệt Cửu Tý”, “xóm Cửu Tý” vẫn còn tồn tại theo cách gọi dân gian mãi đến giờ, cùng với đó là một cái giếng nằm phía bên kia đường. Anh Diệu bảo, người các nơi về muốn ghé thăm chốn xưa chào đời của Bùi Giáng, đến xã Duy Châu chỉ cần hỏi kiệt Cửu Tý ở đâu là ra ngay thôi.

   Đang chuyện trò với ông Hai Cổn, một trong những người từng giúp việc cho gia đình ông Cửu Tý khi xưa, nhà ở gần giếng, thì một ông lão đạp xe đi qua. Ông này tên là Trần Cường (Sáu Cường), nụ cười “lão nông tri điền” bừng lên trong nắng sớm khiến ông trông vẫn trẻ hơn so với tuổi 87. Ông kể, mấy anh em ông sinh gần như cùng lúc với anh em nhà ông Bùi Giáng nên mẹ ông chia sữa cho họ, bởi mẹ ông Bùi Giáng không đủ sữa. Lớn lên, năm 1959, ông Sáu Cường theo Bùi Giáng đi Trung Phước chăn dê, ở nhà ông Cửu Thứ (cha của bác sĩ Bùi Kiến Tín - người sáng chế ra “dầu khuynh diệp bác sĩ Tín” nổi tiếng). “Một bầy khoảng 60 - 70 con, tui sớm chiều lo giữ dê, còn ông Giáng thì lùa dê lên núi xong là đi hết đồi ni lại chạy qua suối kia. Sau này mới nghe nói ổng đi lang thang rứa là để làm thơ…” - ông Sáu Cường nhớ lại.

   2. Hơn 20 năm trước, theo lời ông Sáu Cường, ông Bùi Văn Vịnh (Tám Vịnh) em ông Bùi Giáng ở nước ngoài có gửi về một số tiền, tặng những người ngày xưa giúp việc cho nhà ông Cửu Tý, mỗi gia đình 1 triệu đồng, còn lại nhờ bà con tu bổ cái giếng xưa. Nền giếng được nâng cao, láng xi măng, xây tường thấp bốn cạnh hình vuông bao quanh, chừa một lối vào với hai trụ cổng phía trên có hàng chữ “Sơn cách, thủy cách, tình nan cách”. Khi tôi hỏi về hàng chữ này, ông Sáu Cường bảo đó là do khi làm cái cổng, mọi người nảy ra ý nên để một cái chữ chi lên đó cho có ý nghĩa. Một ông mê hát bội trong làng đề nghị ghi câu trên, có nghĩa là “núi cách, sông cách, (nhưng) tình khó cách”, thể hiện đúng nỗi lòng hướng về quê cha đất tổ của ông Tám Vịnh. Hỏi thêm các nhà nghiên cứu tuồng, thì đúng là trong tuồng cổ có câu này, và câu tiếp theo là “Tinh di, nguyệt di, chí bất di”, nghĩa là “sao dời, trăng dời, (nhưng) chí không dời”.

   Mặt sau của cổng xi măng vào giếng có gắn phiến đá ghi: “Lưu niệm ông Cửu Tý (tức Bùi Thiên), Vĩnh Trinh - Thanh Châu. Tạ thế 5-9-1969” (tên ông Cửu Tý là Bùi Thuyên đã bị ghi sai thành Bùi Thiên). Bên dưới bức tường gần giếng có một thùng gỗ nhỏ, bên trong đựng các vật dụng thờ tự bằng sành sứ như bình bông, nải quả, lư hương, chân đèn... Ông Hai Cổn cho biết cứ đến 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm là bà con trong xóm tập trung về giếng Cửu Tý cúng cầu an đầu năm. Giếng này ngày trước cấp nước uống cho cả làng nên trong tâm thức người dân nơi đây, giếng còn biểu tượng cho niềm tin trong đời sống văn hóa tâm linh. Sau mỗi cơn lũ lụt, người dân ưu tiên đến thu dọn rác rến ở giếng trước, sau đó mới về làm sạch nhà mình.

   Ông Trần Cường (trái) và ông Hai Cổn kể chuyện xưa bên giếng Cửu Tý. Ảnh: V.T.L

Ông Trần Cường (trái) và ông Hai Cổn kể chuyện xưa bên giếng Cửu Tý. Ảnh: V.T.L 

   3. Bác sĩ Bùi Huy Thịnh nguyên là Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng (phó trưởng tộc Bùi Vĩnh Trinh - Duy Xuyên) phụ trách khu vực Đà Nẵng. Trong tộc, ông thuộc phái nhì, Bùi Giáng phái nhất, cùng đời thứ 17. Hai anh em chỉ gặp nhau một lần trong đời, khoảng năm 1959 - 1960, khi nhà thơ về thăm quê. Trong mắt ông Thịnh ngày đó, Bùi Giáng rất “bụi đời”. Dù có nghe tin ông anh họ của mình nổi tiếng trong Sài Gòn về tài thơ văn nhưng ông Thịnh đang tập trung vào chuyên môn nghề y nên không quan tâm lắm. Cho đến khi nhà thư pháp Bùi Hiến về Đà Nẵng tặng ông bức thư pháp ghi câu thơ của Bùi thi sĩ “Cộng trừ nhị bội mà ra/ Áo xanh xuống phố mua quà bình nguyên”, ông mới để tâm đến nhà thơ đình đám của họ tộc mình.

   Đứng ở nhà thờ tộc Bùi Vĩnh Trinh nhìn về phía tây, nổi bật trên cánh đồng lúa xứ Đồng Nam là một ngôi mộ đá rất độc đáo, lạ kỳ. Đó là mộ ông Bùi Văn Bảng (1767 - 1845), tổ phái nhất và phái nhì tộc Bùi Vĩnh Trinh. Nấm mộ bằng đá sa thạch nguyên khối đẽo ra, rất hiếm thấy trên đất Quảng Nam, nên trong Bùi tộc Phổ hệ ghi ông Bùi Văn Bảng (đời thứ 12) có một tục danh khác là “Ông Mả Đá”. Đến giờ ông Thịnh vẫn chưa hết thắc mắc: “Hơn 170 năm trước không biết làm thế nào mà họ rinh được cục đá bự xà lự như thế ra giữa đồng không mông quạnh để làm nấm mộ”. Ông trầm ngâm như tự nói với chính mình: “Con người kỳ lạ, ngôi mộ kỳ lạ nên sinh ra những con người lạ kỳ, chữ cũng hay mà ngông cũng lắm…”.

   Ngày trước lắm cái “kỳ lạ” của người tộc Bùi khiến người dân quanh vùng xôn xao bàn tán. Ông Dương Đức Quý, nguyên Phó Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam kể, thời còn làm Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, ông có lần ghé nhà thờ tộc Bùi Vĩnh Trinh xem qua bức bình phong có nhiều lời “đơm đặt”. Mặt trước đắp phù điêu hình con ngựa (mã), mặt sau đắp hình con rùa (quy), một bình phong “không giống ai” trên đất Duy Xuyên. Một vài người vốn có cái nhìn khắt khe về người tộc Bùi đã dựa vào cách nói lái từ “mã quy” mà “phiên dịch” ra rằng, tộc Bùi mong ngóng “Mỹ qua”(!). Thế nhưng, ông Quý giải thích, qua hình tượng trên bình phong, tiền nhân tộc Bùi đã gửi lại con cháu một thông điệp: muốn giàu có thì phải làm quần quật, dẻo dai như ngựa mà chi tiêu thì chậm chạp như rùa. Phải chăng hành xử theo thông điệp đó mà người tộc Bùi một thời giàu có khắp vùng? Nhà bà nội anh Diệu, chỉ cái chái phía sau thôi đã có 24 cây cột, rộng đến nỗi cha và chú anh ngày trước từng nướng trái bòng cho khô và nhẹ, làm trái banh vô tư đá với nhau trong chái. Nhà ông Cửu Đồng (anh ông Chánh Bảy - cha nhà văn Bùi Văn Nam Sơn) làm cái nhà thuộc hạng nhất nhì xứ Quảng ngày đó. Chỉ một cây cột cái không thôi, thợ đã làm cả tháng trời mới xong. Ba anh Diệu kể rằng, cái nhà lớn quá, tiếng tăm lừng lẫy đến nỗi triều đình Huế phải cử người vào xem sự thể ra sao!

   4. Tộc Bùi Vĩnh Trinh giỗ Tổ vào ngày 8 tháng 3 âm lịch hằng năm, gọi là giỗ xuân, nhưng ngày này lại rơi đúng vào vụ mùa nên mọi người bàn nhau chuyển sang ngày 8 tháng 2. Lần giỗ năm ngoái, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng có đến dự và thông báo với bà con trong tộc rằng tỉnh đã đồng ý về chủ trương xây dựng nhà lưu niệm Bùi Giáng rồi, đề nghị địa phương lên phương án khả thi, trong đó nên nghiêng về phương án xã hội hóa về tài chính.

   Bác sĩ Bùi Huy Thịnh là thành viên ban vận động. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc (con trai bác sĩ Bùi Kiến Tín) nhận nhiệm vụ lập sơ đồ, xin đất. Gần 900m2 đất nông nghiệp gần vườn của ông Bùi Thuyên (Cửu Tý), bao gồm cả cái giếng xưa, nay mai sẽ là nơi lưu giữ những kỷ niệm buồn vui một thuở của nhà thơ Bùi Giáng. “Trước khi lìa đời” là 4 chữ Bùi Giáng chú thêm dưới chữ ký của ông trong bài “Ông chào các con”. Bài thơ chỉ vẻn vẹn 4 câu nhưng dự cảm về sự ra đi của chính ông: “Ông từ viễn mộng tương lai/ Về trong hiện tại ngàn mai giậy giàng/ Mậu Dần mật thể thênh thang/ Ông về chín suối đá vàng chào con”.

   Thật lạ lùng! Ông “về chín suối đá vàng” đúng vào năm Mậu Dần 1998. Trong cái “viễn mộng tương lai” mà ông nói đến trong thơ, có thể không có bóng dáng của cái nhà lưu niệm về ông. Thế nhưng những người yêu thơ ông và chính con người ông lại mong có một nơi chốn quay về như thế, để có thể cảm nhận cái sự “vì nơi đây ta có cả vui buồn” hòa quyện giữa thơ và người trong cuộc đời ông…

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19842703
Hôm nay
Hôm qua
4320
20945