Cách bến đò Cẩm An - Duy Hải khoảng 1km,
chùa Thành Lương (thôn An Lương, Duy Hải, Duy Xuyên) được biết đến như là một
trong số ít những ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở Quảng Nam. Đặc biệt, chùa cũng
là nơi lưu dấu nhiều hiện vật văn hóa Champa đã từng tồn tại trong lịch sử.
Theo bút tích khắc trên xà gồ bằng chữ Hán của chùa cho thấy chùa
được trùng tu lần đầu tiên dưới thời vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Hưng, năm
1740). Còn theo tài liệu của Tổ đình Chúc Thánh, Tổ Minh Giác đời thứ 36 dòng
Lâm Tuế đã lập và trụ trì chùa này. Do bị thất lạc tư liệu nên từ khi lập chùa
đến năm 1702, tên tuổi các sư trụ trì đều không rõ danh tính. Năm 1969, chiến
tranh ác liệt, nhân dân 3 xã vùng đông Duy Xuyên không chịu thực hiện chính
sách “dồn dân lập ấp chiến lược” của chính quyền Sài Gòn nên địch cho phi pháo
bắn phá cày trắng vùng đất này, hầu hết nhà dân và chùa Thanh Lương đều bị bom
phá nát; các pho tượng bằng gỗ, gốm, sứ, đồng trong chùa bị bom đạn vùi sâu
trong đổ nát. Sau ngày giải phóng, người dân trong vùng đã góp công, góp của xây
dựng lại chùa ngay trên nền móng cũ và cho đào tìm lại những pho tượng cũ đem
vào thờ, cất giữ. Đến năm 1989, một trận bão tràn qua làm cho chùa ngã đổ lần
nữa. Năm 1991 người dân trong vùng lại góp tiền vào trùng tu, từ đó chùa được
gọi tên mới là Phước Hải.
Chùa được trung tu khá khang trang trên mảnh đất có diện tích
khoảng 1ha, mặt xây về hướng Đông, tường xây bằng gạch và chất liệu vôi trộn
với nhiều loại cây lá. Phía sau chùa có Bàu Sấu nguyên là một cái ao rộng còn
gọi là âu thuyền, tương truyền nơi tàu bè thường vào nghỉ chân, buôn bán với
người dân địa phương. Đặc biệt, do trước đây chùa Thanh Lương được xây dựng
trên nền một phế tích Champa nên hiện còn lưu giữ hàng trăm hiện vật có giá trị
bằng gốm và đất nung. Năm 2005, chùa Thanh Lương được UBND tỉnh xếp hạng di
tích cấp tỉnh, dù không còn giữ được tính nguyên gốc về kiến trúc nhưng chùa
còn khá nhiều tượng quý có giá trị nghệ thuật, chất liệu cần nghiên cứu thẩm
định.
Đến viếng chùa, khách không chỉ tìm kiếm sự bình an giữa một khung
cảnh thanh vắng, cảm nhận cái vô thường trong tiếng chuông trầm bổng, tiếng
kinh mõ đều đều, nếu có duyên du khách sẽ được chiêm ngưỡng những pho tượng kỳ
lạ bằng gốm, sứ đang được lưu giữ cẩn thận trong tủ kính phía dãy nhà sau của
chùa…
VĨNH LỘC