A+ A A-

Còn đâu quê lụa

alt
Nơi đây vẫn còn nguyên dáng dấp của một làng quê thanh bình, nhưng tơ lụa mỹ miều chỉ còn lại trong câu hát của dân làng nghề có trên bốn trăm năm tuổi. Còn đâu những dải lụa mềm óng ả? Vẳng đâu đó vẫn còn tiếng thoi đưa, vẫn còn đó những con tằm, cái kén... nhưng quê lụa đã lùi vào dĩ vãng.
 Vùng đất của “Bà Chúa tàm tang”
alt
Duy Xuyên là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải với những mặt hàng phổ biến như lanh, sa nhiễu, đũi, the... Tơ lụa Đông Yên, Mã Châu từng theo chân các thương thuyền ngoại quốc đi khắp vùng biển Đông. Làng Đông Yên còn là nơi diễn ra câu chuyện tình của thôn nữ Đoàn Thị Ngọc Phi và Chúa Nguyễn Phúc Lan. Khi cô thôn nữ hái dâu cất lên tiếng hát trong đêm trăng thanh cũng là khi Chúa Nguyễn thấy tim mình rung động, thế là thôn nữ họ Đoàn trở thành Quý phi. Đoàn Quý phi mang nghề ươm tơ, dệt lụa của làng mình truyền lại cho muôn dân và sau này được mệnh danh là “Bà Chúa tằm tang”, nghề tằm tang ở quê hương bà tất nhiên cũng theo đó mà phát triển hưng thịnh.

Vào thời kỳ hưng thịnh, tại đây  có trên 400 hộ theo nghề với hàng trăm ha đất trồng dâu. Tơ lụa Đông Yên, Mã Châu khẳng định được chất lượng và được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Người ươm tơ cuối cùng ở Đông Yên

Ngay cổng vào thôn Đông Yên là một tấm bảng khá lớn thể hiện rõ bản đồ quy hoạch chi tiết Làng nghề dâu tằm tơ Đông Yên được dựng lên theo quyết định 4242 của UBND huyện Duy Xuyên. Nhưng khi nhắc đến dâu tằm tơ, nghề truyền thống của làng chỉ nghe những tiếng thở dài.

Chỉ tay vào những chiếc nong to lớn đang dựng xếp lớp ở góc nhà, anh Phạm Tâm, gia đình đã có nhiều đời làm nghề ươm tơ buồn bã cho biết: “Hiện ở Đông Yên không còn hộ nào trồng dâu nuôi tằm. Phần do là thời tiết những năm gần đây quá nóng, lại thêm các hộ dân trồng trọt sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên con tằm không thể sống nổi”. Không còn tằm, những bãi dâu xanh ngát dọc sông Thu Bồn cũng dần nhường chỗ cho những luống ngô, ruộng đậu. Hợp tác xã ươm tơ bề thế ngày nào giờ chỉ còn là khu đất trống giữa làng.

Trồng dâu nuôi tằm đã vậy, những hộ làm nghề ươm tơ cũng không khá hơn. Lần hỏi mãi, chúng tôi cũng đến được nhà anh Đoàn Lượng, người ươm tơ cuối cùng ở Đông Yên. Vừa tranh thủ lượm lặt “xác xả”, anh vừa nói: “Tôi tin rằng sẽ có lúc làng nghề trở lại hưng thịnh, nghề nào mà chẳng có lúc thịnh lúc suy, lăng Đoàn Quý phi còn, nghề không bao giờ mất”.

Để có kén ươm tơ, anh phải lặn lội vào tận vùng sâu ở thượng nguồn sông Thu Bồn để tìm mua vì xung quanh đây đã không còn ai trồng dâu nuôi tằm. “Mà bây giờ cũng còn rất ít người làm nghề, chẳng bù với ngày xưa, Đông Yên có hẳn một phiên chợ tơ họp vào mỗi sáng. Và để khuyến khích người nuôi, mình phải mua kén với giá hợp lý cho người ta, trong khi đó, giá tơ hiện nay chỉ khoảng 600 ngàn đồng một ký, làm để giữ nghề chứ mình có lời lãi chi mô”, một lần nữa  anh khẳng định lý do vì sao mình là người ươm tơ còn lại của làng nghề Đông Yên.

Mã Châu – vắng dần tiếng thoi dệt lụa

alt
Nếu như Đông Yên là làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ thì Mã Châu lại nổi tiếng với những tấm lụa mỹ miều. Đông Yên có phiên chợ tơ lụa mỗi sáng thì Mã Châu cũng có hẳn cho riêng mình một “bến đò tơ”. Từ bến đò tơ này, lụa Mã Châu theo thương thuyền vượt sông Bà Rén ra thương cảng Hội An. Lụa Mã Châu đẹp, tốt có tiếng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, sau hơn 400 năm làm nghề, tiếng thoi đưa đang vắng dần trong những ngôi nhà ở làng lụa Mã Châu. Từ những năm cuối thế kỷ 20, do gặp khó khăn trong thị trường tiêu thụ, từ làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa, giờ Mã Châu đã dần chuyển mình thành một công xưởng dệt.

Lý giải cho nguyên do vì sao Mã Châu không còn mặn mà với nghề dệt lụa, chị Nguyễn Thị Hằng, gia đình đã có hơn 3 đời làm lụa cho biết: “Do nguồn tơ tại chỗ đã không còn nhiều, giá cả lại rất cao không thể cạnh tranh nổi với lụa dệt từ tơ Trung Quốc giá rẻ hơn rất nhiều. Chưa kể đầu ra cũng rất hạn chế nên gia đình phải chuyển sang dệt vải”. Cũng làm để giữ nghề, hiện ở Mã Châu chỉ còn duy nhất Hợp tác xã sản xuất dịch vụ ươm – dệt – may Mã Châu là còn duy trì vài khung cửi dệt lụa.

Lối đi nào cho quê lụa?

alt
Vào năm 2005, nghề lụa ở Duy Xuyên tưởng chừng hưng thịnh trở lại khi cả Đông Yên và Mã Châu đều được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam. Nhà nước đã đầu tư vào đây hàng tỉ đồng để nâng cấp đường sá, khôi phục làng nghề gắn kết với phát triển dịch vụ du lịch. Khách du lịch rất thích thú với việc được tham quan làng nghề, được vào tận nơi xem quy trình nuôi tằm, ươm tơ và tự tay mình dệt nên những tấm lụa. Nhưng con tằm rất “khó chịu”, có mùi lạ sẽ bỏ ăn mà chết.  Những “nghệ nhân du khách ngồi vào khung cửi, chỉ cần lỗi một chút thì tấm lụa cũng phải bỏ đi. Vì vậy mà không hộ nào mặn mà với việc đón du khách ghé thăm. Việc kết hợp làm du lịch ở làng nghề cũng vì thế mà thất bại.

Trong khi đó, việc làm nghề ở Duy Xuyên hoàn toàn thủ công nên mặc dù chất lượng rất tốt nhưng năng suất lại không cao, chi phí đầu vào quá lớn nên không thể cạnh tranh nổi với tơ lụa Trung Quốc sản xuất công nghiệp. Giá cả sản phẩm lại do thương lái quyết định nên khi giá thị trường xuống thấp, người nuôi tằm hay người ươm tơ, dệt lụa đều lâm vào cảnh lao đao không thể trụ nổi với nghề. 

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19797879
Hôm nay
Hôm qua
2000
10160