Cụ Thái Văn Lịch tuổi đã gần 80, người
làng Thu Bồn. Còn người đàn ông kia là người Chăm vùng Ninh Thuận. Họ gặp nhau
ở sự nhiệt thành dành cho hội lễ Bà Thu Bồn. Cả hai lặng lẽ đóng góp công sức
và sự hiểu biết của mình để lễ hội văn hóa truyền thống sống mãi với thời gian…
Người giữ sắc của làng
Ở làng Thu Bồn Đông (Duy Tân, Duy Xuyên), ai cũng dành cho cụ Thái
Văn Lịch một sự kính trọng. Bởi cái tâm tánh của con người đi qua hơn 2 cuộc
chiến với nhiều huân huy chương, dãi dầu nắng mưa, về già vẫn nguyện làm việc
có ích cho quê hương. Cụ lấy mốc thời gian là những lần tổ chức Lệ Bà để nhớ về
tuổi của mình. Cứ mỗi một mùa lễ hội đi qua là cụ lại thêm một tuổi. Hơn 40
năm, cụ cứ từ tốn góp nhặt, làm dày thêm kiến thức về vốn dân gian. Người làng
gọi cụ là pho sử sống của làng Thu Bồn và gửi gắm niềm tin của một tín ngưỡng
dân gian nơi cụ. Ngày Lệ Bà, cụ khăn áo chỉnh tề, thắp mấy nén nhang trên bàn
thờ sắc phong vua triều Nguyễn ban cho Bà Thu Bồn, kính cẩn dâng sắc phong đến
lăng Bà, rồi lại đợi đến tàn hội, “rước sắc phong” về lại nhà mình. Nhiều người
lạ đến xứ này dự lễ hội, cứ thắc mắc vì sao cụ Lịch lại được chọn làm “thủ
sắc”, từ bao nhiêu năm nay? Cụ từ tốn trả lời: “Ngày trước dân làng đặt ra một
điều lệ, người giữ sắc của Bà phải là người có kinh nghiệm trong làng, chưa làm
điều gì sai trái, con cái ngoan hiền, gia đạo yên ổn. Ngày xưa, sắc đặt ở lăng
Bà. Sau này, khi chiến tranh loạn lạc, phong tục về ngày Lệ Bà không còn được
như trước, tôi bàn với mấy anh em huy động bà con trong làng tổ chức lại ngày
Lệ Bà cho tươm tất. Rồi khi Lăng Bà được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh,
khoảng năm 2005, mọi người trong làng mới cử tôi giữ sắc phong của Bà. Từ đó,
tôi rước sắc Bà về thờ tự, cứ đến ngày Lệ Bà thì dân làng lại rước về lăng”.
Bốn mươi năm làm chánh bái trong những ngày Lệ Bà, phong tục
truyền thống của làng như đã ăn vào máu thịt. Từng cung cách quỳ, bái, đọc văn
tế đã quá quen thuộc với cụ Lịch. Câu chuyện làm chánh bái trong chừng ấy năm
được cụ kể lại bằng một giọng trầm đều. Sau ngày giải phóng, đời sống
người dân lưu vực Thu Bồn còn lắm khó khăn, hội lễ cũng mai một theo gánh nặng
áo cơm. Nhưng cụ Lịch, cùng hai người bạn trong làng - những con người đã lớn
lên cùng ngày Lệ Bà, không thể chấp nhận một tục lệ thiêng liêng của dân làng
bị mất. “Cái lễ hội đầu tiên sau chiến tranh, do chúng tôi tự bỏ tiền túi ra tổ
chức, tự đi tìm kiếm trang phục, với mong mỏi cả dân làng sẽ đến dự, rồi phục
dựng lại lễ truyền thống của cha ông, tôi vẫn còn nhớ lắm. Đó cũng là lễ hội
đầu tiên tôi làm chánh bái. Lấy hết sổ sách của cha ông còn lại, cộng thêm bao
nhiều lần tham dự Lệ Bà, lấy hết vốn liếng tuổi thơ nữa, vậy mà cũng làm nên
một lễ hội để dân làng nhớ, mà tiếp tục cho những năm sau” - cụ Lịch nói. Lễ
hội thuở ấy, theo lời cụ, trang nghiêm hơn, và cũng đông đúc hơn bây giờ. Người
ở Trung Phước - Phường Rạnh cũng xuôi ghe xuống dự, người từ Đại Lộc qua, người
từ Gò Nổi lên, rồi con cháu xa quê về, làng Thu Bồn thuở ấy chật như nêm. Lễ tế
Bà xong, con trâu làm lễ cũng được mổ thịt, nấu nướng đãi khách thập phương và
bà còn dân làng Thu Bồn một bữa, coi như phúc ngày Lệ Bà. “Ngày xưa, phần lễ
xong mới đến phần hội, vui chơi. Mà chơi thì phải chơi hết mình. Đua ghe là
đông nhất, rồi đến đá gà... kéo từ đầu làng đến cuối làng, dọc hai bên đường
đi. Bữa ni thì hội trước rồi mới cúng tế sau, giữ đua ghe lại sau cùng, nhưng
cũng không huy động được nhiều ghe đua như hồi trước nữa” - cụ Lịch nói.
Và người đàn ông Chăm
Gần 10 năm Bo Trầu tham dự lễ hội Bà Thu Bồn của người Kinh ở cách
nơi ông sống hơn 660km. Vượt một quãng đường dài, chỉ để cùng vốc ngụm nước
sông Thu Bồn trong lễ rước nước với bà con ở đây, đã trở thành một thói quen
của Bo Trầu. Năm mươi tuổi, người đàn ông Chăm này với phong thái như một đạo
sĩ phóng khoáng trong tư tưởng và dễ gần trong giao tiếp. Ông nói, về dự Lệ Bà
cũng như về với một phần gốc gác của mình, về với tục thờ Thánh Mẫu từng tồn
tại rất lâu trong tín ngưỡng người Chăm. Với Bo Trầu, lễ hội Bà Thu Bồn không
còn là ngày hội của đất khách mà đã là ngày hội của quê hương. “Ở đây có thánh
địa Mỹ Sơn. Dọc lưu vực sông Thu Bồn vẫn còn rất nhiều dấu tích của người Chăm,
chứng tỏ họ đã từng sống rất lâu nơi này. Lễ hội Bà Thu Bồn tôn vinh thần Nước,
Mẹ xứ sở - cũng như thần Naga của người Chăm, nên tôi về tham dự Lệ Bà cũng như
đứa con về với mẹ mà thôi” - Bo Trầu nói.
Bo Trầu đến Duy Xuyên, dự hội, gặp đâu thì ăn ngủ nhờ ở đấy. Bà
con làng Thu Bồn ai nấy đều muốn rộng cửa mời ông. Bởi đã quá quen, nên họ xem
ông như người con của quê xứ, đối đãi như một người đã thân từ lâu. Bo Trầu
cũng không ngại ngần. Trong cái túi luôn mang theo bên mình luôn có vài dăm gỗ,
được lấy từ cây trong rừng vùng Ninh Thuận. Bo Trầu mang đến lễ hội Bà Thu Bồn,
đứng trước mộ Bà và thành tâm khấn nguyện. Những câu khấn bằng tiếng Chăm không
ai biết nhưng nhìn sắc diện người đàn ông này, ai cũng tin rằng đó là những câu
kinh lành ý, cầu mong mọi điều tốt đẹp cho người dân xứ này. Bo Trầu chia sẻ,
người Chăm ở Ninh Thuận có lễ Cầu Đảo, hay còn gọi là lễ cầu mưa, cũng suy tôn
thần Nước như ở lễ hội Bà Thu Bồn. Chưa ai nghiên cứu về mối quan hệ giữa 2 lễ
hội này, nhưng nói như Bo Trầu, 2 lễ hội ở hai vùng khác nhau, nhưng có một sợi
dây gắn kết, ấy là cùng suy tôn vị Thần đã ban bình yên và phước lành cho cư
dân địa phương.
Con người đi tìm đất sống qua nhiều ngả, cuối cùng cũng chọn cho
mình một miền quê để trọn vẹn với cuộc đời. Cuộc gặp gỡ ngắn với Bo Trầu, hay
những câu chuyện dài với cụ Thái Văn Lịch, dù chỉ xoay quanh vốn văn hóa dân
gian, những hội lễ dân gian, nhưng cũng đủ để nhận ra, rằng con người làm nên
cuộc đời, làm nên những cuộc vui, những hội hè chứ không phải điều gì khác. Hội
sẽ nhạt nhòa nếu không có những con người như vậy.
Xuân Hiền
(Báo Quảng Nam)