Ít ai biết rằng, giữa lòng thị trấn Nam Phước vẫn
tồn tại ngôi làng cổ nổi tiếng với kỳ tích lưu giữ đầy đủ 32 đạo sắc phong từ
thời Minh Mạng đến thời Khải Định.
Thị
trấn Nam Phước từ lâu được biết đến như một trong những đô thị phát triển và
sầm uất nhất xứ Quảng. Nhưng ít ai biết được rằng, ngay giữa lòng Nam Phước vẫn
đang tồn tại một ngôi làng cổ, lưu giữ trọn vẹn những giá trị truyền thống của
làng quê Việt Nam, từ sân đình, bến nước cho đến gốc đa cổ thụ... Không những
thế, làng còn rất nổi tiếng với kỳ tích lưu giữ đầy đủ 32 đạo sắc phong từ thời
Minh Mạng đến thời Khải Định.
Gốc tích bí ẩn của ngôi làng cổ
Lịch sử làng Mỹ Xuyên (thị
trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) gắn liền với tên tuổi vị Chánh
đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công. Ông là vị tiền hiền đã có công "khai
sinh" ra làng Mỹ Xuyên được mọi người thừa nhận. Tuy nhiên, việc ngài Lê
Quý Công đã lập nên ngôi làng cổ này như thế nào thì cho đến nay vẫn chưa ai
làm sáng tỏ được.
Các vị bô lão trong làng
cho biết, nếu căn cứ vào văn bia khắc ở lăng ngài tiền hiền Lê Quý Công thì năm
1471, sau khi lập ra Đạo Thừa tuyên thứ 13 ở Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông đã để
Chánh đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công cùng 12 vị tướng khác ở lại vùng đất vừa
mới khai lập để giữ vững bờ cõi, làng Mỹ Xuyên hình thành từ đó.
Nhưng theo tài liệu của
phòng Văn hóa - Thông tin huyện Duy Xuyên, sự việc lại diễn ra như sau: Năm
Nhâm Tuất (1442), vua Lê Nhân Tông lên ngôi khi tuổi còn nhỏ, Hoàng Thái Hậu
Nguyễn Thị Anh được quần thần mời buông rèm trông coi việc chính sự. Lúc này,
bà nghe lời dèm pha của các gian thần, giết hại những tướng đang làm nhiệm vụ
tại Chiêm Thành như Trịnh Khả, Lê Khắc Phục...
Các tướng lính bất mãn
không quay về đất Bắc nữa, ở lại lập làng định cư. Lê Quý Công là một trong số
đó và làng Mỹ Xuyên được lập nên trong giai đoạn này. Như vậy, rất có thể làng
Mỹ Xuyên được lập trước cả ngôi làng cổ lớn nhất Quảng Nam - Ngũ xã Trà Kiệu
(năm 1470).
Làng Mỹ Xuyên ngày đó rộng
1.700 mẫu (tương đương 850 ha) nằm ở bờ Nam sông Thu Bồn, toàn bộ là đất công
điền. Người dân đến tuổi được cấp đất làm ăn và không có nạn bao chiếm như làng
khác.
Nơi đây ngoài thôn xóm liền
kề đông đúc với những ruộng lúa rộng lớn, còn có nhiều bãi dâu ven sông như bãi
dâu Đông Khương (nằm sát bên Dinh trấn Thanh Chiêm, Điện Bàn), bãi dâu Đền Đài
(gần Cầu Đen cũ, đường qua vùng Gò Nổi), bãi dâu Chơn Tâm (phía Cầu Chìm). Vì
vậy, nghề dâu tằm sớm phát triển ở Mỹ Xuyên.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho
đào con sông chia làng thành Xuyên Đông và Xuyên Tây. Hiện, sông này vẫn còn
dấu tích là một vùng trũng rộng, kéo dài từ Cầu Chìm vòng qua làng Mỹ Xuyên đến
phía đông cầu Câu Lâu. Từ khi có con sông chạy qua giữa làng, Mỹ Xuyên hình
thành cảnh trên bến, dưới thuyền đông vui tấp nập.
Trong Nam ngoài Bắc đều ghé
vào mua sản vật tơ - lụa - đường - gạo (một cơ cấu kinh tế nông - công - thương
nghiệp hình thành rất sớm trên đất Thăng Hoa mà Lê Quý Đôn đã viết trong Phủ
biên tạp lục: "Người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các loại the, đoạn, lụa,
là hoa hòe chẳng kém gì Quảng Đông").
Bến nước của làng có tên là
bến Giá. Tương truyền, năm đó, chúa Nguyễn Phúc Lan đang giương thuyền rồng
thưởng ngoạn phong cảnh thì bỗng đâu trên bờ văng vẳng tiếng hò: "Tai nghe
chúa ngự thuyền rồng/Thiếp thương phận thiếp má hồng hái dâu/Thuyền rồng chúa
ngự nơi đâu/Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình". Vua bèn sai lính
dừng thuyền rồng lên bờ tìm thôn nữ vừa hát và đưa về cung, sau này bà là Hiếu
Chiêu Hoàng hậu. Từ đó, nơi thuyền vua dừng lấy tên là bến Giá.
Hơn 200 năm bảo vệ sắc
phong
Tuy có thể chưa phải là
làng cổ nhất xứ Quảng nhưng Mỹ Xuyên có quyền tự hào là làng sở hữu nhiều sắc
phong nhất Việt Nam hiện nay. Các vua triều Nguyễn, từ năm Minh Mạng thứ 5
(1824) đến năm Khải Định thứ 9 (1924) đã ban cho làng 32 Đạo sắc phong.
Trong đó, triều Minh Mạng:
5 đạo; Thiệu Trị: 10; Tự Đức: 11; Đồng Khánh: 2; Duy Tân: 2; Khải Định: 2. Các
vị thần được phong cho làng bao gồm những vị cao quý nhất trong hệ thống phong
thần của triều Nguyễn như: Đông Hựu Thuận, Đông Quảng Hậu, Bạch Mã Tôn... Và
đặc biệt, sắc phong của vua Minh Mạng ban năm 1824 thuộc hàng sắc phong cổ nhất
còn được lưu giữ ở Quảng Nam.
Ông Nguyễn Văn Bổn (nhà
nghiên cứu lịch sử làng Mỹ Xuyên) lý giải việc Mỹ Xuyên được ban nhiều sắc phong
là nhờ việc đào con sông đi ngang qua làng, dân vẫn thường gọi là sông Đào, để
phục vụ nhu cầu thủy lợi và quân sự của trấn Quảng Nam xưa. Hơn nữa, làng có vị
tiền hiền Lê Quý Công đã khai khẩn đất đai cho bà con canh tác nổi tiếng khi
xưa.
Nhưng để có thể bảo tồn
trọn vẹn 32 đạo sắc phong trước dòng thiên di của lịch sử và bao trận càn quét
của giặc, người dân Mỹ Xuyên đã tốn không ít công sức. Các bô lão trong làng kể
lại rằng, thời chiến tranh, mặc cho mưa bom, bão đạn, cả làng chuyền tay nhau giữ
sắc phong đến cùng.
Đầu tiên, người làng giấu
các đạo sắc phong trong đình, miếu, nhà dân..., nhưng sau đó, địch càn quét
ngày càng rát hơn nên người làng buộc phải chôn sắc phong xuống đất để bảo vệ.
Khi hết giặc Pháp, Mỹ thì lại đến giặc "lụt", có trận lụt lớn, sợ
nước lũ cuốn trôi "báu vật" của làng, người dân "hò nhau"
ôm các đạo sắc phong lên cầu Câu Lâu làm lều lánh nạn, đợi nước rút mới dám đem
sắc phong về đình làng cất giữ. "Mất sắc phong, còn gì là làng nữa!",
ông Nguyễn Quang Pháp (Trưởng làng) khẳng khái.
Hiện tại, toàn bộ 32 đạo
sắc phong làng Mỹ Xuyên đã được ép nhựa, cuộn lại kỹ càng và đặt trang trọng
trong gian thờ nhà cụ Nguyễn Văn Thanh (84 tuổi), một trong những bậc cao niên
có uy tín nhất trong làng. Ông Pháp cho biết: "Sau giải phóng, làng bắt
đầu chọn những bô lão hiền từ, phúc đức, kỹ tính nhất cất giữ các đạo sắc
phong. Chỉ khi có lễ làng, bộ sắc phong mới được "thỉnh" ra đình để
con cháu cùng chiêm ngưỡng...".
Cây đa cổ thụ hiếm có
Ngay giữa làng Mỹ Xuyên là
lăng mộ của ngài Hùng Long Hầu đề đốc Lê Quý Công. Về hướng Tây cách lăng này
gần 100 mét là ngôi đình làng được kiến thiết tam gian nhị hạ, theo kiểu chồng
rường giả thủ với cột kèo được chạm khắc công phu, bên ngoài trang trí cổ tân
hội họa vô cùng tinh xảo.
Trước đình có cây đa cổ thụ
với đường kính gốc tới 20 mét, cành lá tỏa ra che kín 5 sào đất. Dưới tán đa
này là ngôi chợ có tên là chợ Đình (còn gọi là chợ Cây Đa), ngôi chợ lớn nhất
Duy Xuyên từ năm 1965 trở về trước.
Cây đa cổ thụ của làng được
trồng từ khoảng năm 1836 khi vua Minh Mạng cho đào sông. Qua thời kháng Pháp,
cây đa này vẫn tồn tại và phát triển xanh tốt, tán lá che kín cả một vùng rộng
lớn. Sau năm 1954, hầu hết các trò chơi xuân như bài chòi, bài ghế, lô tô, xổ
tam hường, bịt mắt đập nồi đất... đều diễn ra ở đây.
Gốc đa chằng chịt rễ lớn
bao quanh nên có nhiều chim sáo đến ở. Năm 1965, chiến sỹ du kích đã nấp trong
các hang hờm trên thân cây, ném lựu đạn xuống tiêu diệt hai trung đội Bảo an.
Ba năm sau, địch đã đem xăng bột tới chất quanh gốc đa và châm lửa đốt ba ngày
ba đêm và chúng dùng DKZ từ đồn Đại Hàn (gọi là đồn Thám) bắn thẳng vào làm đa
cháy tận gốc.
Nơi cây đa bị đốt sụp xuống
một hố sâu, bà con đã nhiều lần có ý định trồng lại cây đa khác, nhưng do giặc
quần thảo vùng ấy quá nhiều nên không thể. Năm 1974, tình hình chiến sự yên ắng
hơn. Lúc này, ông Nguyễn Văn Hạc ở Đà Nẵng đã đem về một cây đa nhổ từ một ngôi
miếu ở đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn, Đà Nẵng). Chính ông Nguyễn Quang
Hành (Mười Ngữ) và ông Ninh Tặng đã lấy xà beng đào đất chỗ gốc đa bị cháy để
trồng cây đa mới. Cây đa mới ngày một phát triển.
Người dân nơi đây nói rằng, mới hơn 40 tuổi mà cây đa này sum suê, cả chục
người ôm không xuể là bởi nó sống bằng tro mùn của cây đa cũ. Mỗi năm, "cụ
đa" thay lá hai lần vào mùa xuân và mùa thu và điều kỳ lạ, tất cả lá rụng
một lần, chứ không kéo dài từ ngày này sang ngày khác, hễ cây ra rễ con trắng
ngần như giá đỗ là báo hiệu trời sắp mưa...
Mỗi năm, vào ngày 12.2 Âm
lịch, làng Mỹ Xuyên lại tổ chức lễ Tế xuân cầu an. Con cháu trong làng cùng
quần tụ về đình làng, ngồi dưới gốc đa nghe các bô lão kể chuyện, căn dặn phải
quý trọng những báu vật mà cha ông hàng trăm năm nay đã cất công tạo dựng và
gìn giữ.
Theo PL&ĐS