Có một cảm giác ấm áp mỗi khi nghe nhắc đến tên vùng đất nằm “gọn lỏn” giữa mênh mông Quảng Nam yêu thương. Cũng không biết vì sao. Hay, vì từng một thời mê mệt bởi những tà áo dài duyên dáng của mấy cô trò nhỏ trung học Duy Xuyên ngày trước (một dạo trường mang tên Trung học Duy Xuyên và sau này là Trung học Sào Nam nổi tiếng có nhiều người học giỏi, xinh đẹp và hát hay).
Hay, vì những câu thơ sáng láng của Tường Linh? Sáng Duy Xuyên tơ vàng giăng nghẽn lối? Hay, vì đó là quê nhà mấy độ xa mù của Bùi thi sĩ - Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa? Hay, vì quê ngoại Duy Xuyên đã cho mình tinh huyết!
1. Là Duy Xuyên của vùng chợ Cũ thôn An Lạc, chợ mới thôn Nhưn Bồi mà phía cuối làng kề những căn nhà tranh tre đơn sơ là um tùm dừa nước. Ở đấy, những ngày cuối năm 1964, rất nhiều những anh bộ đội đã ôm súng bẹ dừa làm nên cuộc giải phóng các xã vùng đông Duy Xuyên thuộc hàng sớm nhứt nhì của tỉnh. Và cũng từ những rặng dừa nước um tùm ấy, bao nhiêu trận đánh đã khởi lên từ đây mà nhớ đời là trận xuân 1968 và 1975. Là cái ba ra ngăn mặn đắp ngang sông Ly Ly- Bà Rén làm từ hồi Ngô Đình Diệm đến mãi những năm cuối thế kỷ XX mới hoàn thành. Ở cái xứ mà một thời muốn đi từ Nam Phước xuống không dễ gì đi nổi trong những ngày mưa lũ. Không ít những cô giáo từ thị trấn xuống dạy học đã bị trượt theo cái trơn trợt của thứ đất màu mỡ đệ nhất đẳng điền mà phải bỏ dạy nửa chừng! Nên cũng khá nhiều năm vùng đông, chưa, mới chỉ là vùng cận đông, vẫn thuộc loại khó khăn của Duy Xuyên. Đến tận bây giờ các trường học nơi ấy vẫn còn nhận tiền chế độ bãi ngang kia mà. Nhưng bây giờ thì quá sướng so với hồi ấy.
Đò dọc sông Thu. Ảnh: HIỂN TRÍ
2.Là vùng đông xa tít mù theo con đò Duy Nghĩa xuôi về vùng cát trắng đầy những bọ chét một thời. Hồi ấy chỉ có ba đường, một từ bến đò Duy Nghĩa, một từ bến đò Hội An, một theo con đường ngập cát trắng đi một bước thụt lùi hai bước từ phía đường xuống Bình Giang, Bình Dương để về xã Duy Nghĩa này. Xa đến độ cứ như là Duy Nghĩa thuộc… Hội An (có đứa bạn ở tỉnh xa tới chơi từng bảo với tôi rằng hình như Duy Nghĩa gần giáp giới với… Cù Lao Chàm kia đấy!). Mà cũng đúng thôi, chỉ một thôi đò là lên phố thị, chẳng cần phải vòng vo lên quốc lộ chi cho mệt. Vậy bao nhiêu ngày vẫn cứ phải vòng vo! Giờ thì đã hai xã hai bến đò và một chiếc cầu bắc ngang Thu Bồn, chỉ chờ ngày thông tuyến. Rồi sẽ nối hẳn đôi bờ. Nơi ấy có một quá khứ đầy ấn tượng của một thị tứ cổ gắn với những chuyến hải hành huyền thoại của khá nhiều cư dân nhiều nước trên thế giới. Vâng, họ đã đến đây rất sớm, trước khi tạo nên một Hội An - Faifoo sầm uất. Một anh bạn đã dùng từ rất đắt cho cái quá khứ kiêu hãnh ấy- những hồi quang của một vùng đất tiên phong! Bây giờ, ở đó vẫn còn dấu tích của chiếc giếng cổ từng cung cấp nước cho bao nhiêu thủy thủ trên chuyến hải hành quốc tế. Một ngôi chùa cổ. Và nhiều, rất nhiều pho tượng đa số là tượng Phật có xuất xứ từ nhiều nước được các thủy thủ cúng lại cho chùa, ghi dấu những chuyến hành trình đầy dông bão xuyên qua đại dương bao la của không ít thủy thủ lẫn những nhà buôn lãng mạn một thời. Là một Trà Nhiêu hoang sơ của vùng du lịch làng quê hôm nay hay của một Trà Nhiêu từng là một cảng thị phồn thịnh, trên bến dưới thuyền vang bóng một thời? (Sự phồn thịnh và suy vong của Trà Nhiêu có liên quan mật thiết với sự di cư của người Hoa trong khoảng thời gian từ 1645-1653). Các dấu tích xưa thu hút những người nghiên cứu văn hóa cổ và làng quê thanh bình thu hút bao nhiêu du khách nước ngoài. Cũng không phải là một nét dịu dàng của Duy Xuyên hay sao?
3. Một thời gian dài người ta tranh cãi rằng Cần Húc- cái xuất xứ ban đầu của dinh trấn Thanh Chiêm phồn thịnh một thời, ở bên ni hay bên tê Thu Bồn? Ở bên tê sông là đất Điện Bàn thì chẳng có gì để nói nhưng nếu ở bên này sông thì thật lạ, bởi sao lại phải để cái Cần Húc xa đến vậy cho đến khi định rõ được một Thanh Chiêm lộng lẫy một thời? Và nếu nó ở bên này sông thì dấu tích còn lại là những gì? Người ta nhắc tới tên một ngôi chùa nhưng cũng chưa có gì để đủ làm chứng cứ!
Là vùng trung Duy Xuyên, nơi con đường cái quan xuyên Việt đi qua từ lâu lắm. Nên có cả trạm đổi ngựa cho quân lính truyền tin đi khắp nước và còn lại cái tên Nam Phước bên cạnh những Nam Ô, Nam Ngọc… Còn có cả những địa danh thoạt nghe đã hình dung ra nội hàm: Tiệm Rượu, Bàn Thạch, Chợ Gò Mỏ Neo… Có cả văn chỉ Duy Xuyên một thời hiển hách. Có làng cổ Mỹ Xuyên ghi dấu những bước chân đầu tiên mở cõi về phương Nam… Nhưng có lẽ Duy Xuyên dịu dàng từ cái tên những làng lụa. Và chết thành tên qua những câu thơ Tường Linh: Sáng Duy Xuyên tơ vàng giăng nghẽn lối... Một thời chưa xa đi ngang qua Nam Phước, Mã Châu, Duy Trinh… còn nghe vang tiếng thoi đưa. Những tiếng thoi đưa cả một nghề dệt nên thơ vào tận đất Sài Thành! Những triền dâu xanh ngắt trải dọc theo sông Thu Bồn cả chục cây số giờ chỉ còn trong hoài niệm. Mất đi những triền dâu Duy Xuyên phần nào mất đi nét duyên dáng hiếm gặp ở các làng quê Việt, âu cũng là lẽ biến thiên của đất trời!
4. Càng đi ngược về phía tây càng dễ nhận ra các trầm tích văn hóa lắng sâu trong lòng đất. Simhapura-Kinh thành sư tử là một ví dụ. Trung tâm chốn ấy, xuất phát ban đầu với những cung điện nguy nga sau đó chồng lấn lên là ngôi chùa Bửu Châu trước khi trở thành thánh địa Trà Kiệu của người công giáo sau này. Ở đó, còn lưu dấu những người khai cơ lập nghiệp của vùng đất màu mỡ qua Nhà thờ Ngũ Xã. Các dấu tích Champa khai quật được ở Duy Trung và mới đây, tại vùng đất Chiêm Sơn, nơi con đường cao tốc sắp mở, đã cho thấy rằng giấu sâu dưới lòng đất Duy Xuyên còn bao điều bí ẩn! Duy Xuyên đi vào huyền sử qua chuyện người con gái hái dâu trở thành hoàng hậu như một nét duyên dáng chạm lên trang sử mấy trăm năm chiến tranh liên miên trải nhiều đời chúa hai nhà Trịnh - Nguyễn. Những năm tháng ấy đã tạo nên một Hội An, một Thanh Chiêm danh tiếng và cũng có một cô gái hái dâu - Đoàn Quý Phi - Hiếu Chiêu hoàng hậu vô cùng nên thơ trong sử sách.
Một thời chưa xa người ta còn nhắc đến chuyện anh hùng lao động Lưu Ban, chủ nhiệm Hợp tác xã bỏ công sức ra cùng với cha quản xứ đạo Trà Kiệu Nguyễn Trường Thăng vận động bà con lương - giáo trong xã xây dựng nên thủy điện Duy Sơn - hồi ấy được coi như điển hình đầu tiên của công cuộc điện khí hóa nông thôn và bước đầu hiện đại hóa nông nghiệp. Bây giờ công trình xây dựng thủy điện và mô hình một xã nông nghiệp Duy Sơn đi vào công cuộc hiện đại hóa vẫn còn nhiều điều để học tập.
Ở phía cực tây, Mỹ Sơn như một nét son khuyên tròn dành cho nét độc đáo của Duy Xuyên. Bao nét xinh đẹp, bí ẩn của mấy thế kỷ văn hóa Champa dường như trầm tích hết ở đó. Hệt như trò chơi kính vạn hoa, người ta nhìn nhận Mỹ Sơn, cảm xúc Mỹ Sơn, khám phá Mỹ Sơn không biết chán. Càng khám phá càng nhận ra bao nhiêu ẩn tàng của nó. Hơn trăm năm trước, khi những nhà thám hiểm người Pháp phát hiện ra Mỹ Sơn chắc không thể ngờ tới những giá trị vô cùng to lớn của khu thánh địa này. Một Mỹ Sơn trên đất Duy Phú - Duy Xuyên.
Nếu ví Mỹ Sơn như một nàng Chiêm nữ xinh đẹp được thức dậy sau bao nhiêu năm ngủ quên trong rừng thì há không phải là một nét dịu dàng của Duy Xuyên hay sao?
LÊ TRÂM