Thuở
xưa, cứ vào dịp năm mới tết đến, các đội hát múa sắc bùa ở huyện Duy Xuyên lại
lần lượt đến gõ cửa từng nhà người dân chúc cho gia chủ một năm mới sức khỏe,
ấm no, sum vầy, phát đạt… Trải bao thăng trầm, đội sắc bùa Lệ Bắc, xã Duy Châu
đến nay còn lưu giữ được là nhờ những con người biết trân trọng vốn quý của
làng quê.
Đã 85 tuổi, nhưng khi nói đến sắc bùa thì hai mắt cụ Trương Tích
sáng lên, thần thái tươi tỉnh hẳn. Ngay từ khi mới lên 7 tuổi, ông đã theo nội
và bố đi hát sắc bùa khắp cả huyện. Hồi đó, không chỉ riêng Lệ Bắc mới có sắc bùa,
nhưng không hiểu sao, lúc đó mỗi lần “gánh bùa” Lệ Bắc biểu diễn đến đâu thì ở
đó thành ra vui vầy lắm. Có khi quá trưa, “gánh bùa” đã mệt, đang định thi lễ
xin ra về thì người dân cuống quýt nắm tay kéo vào nhà rồi tíu tít dọn mời phá
cỗ, nhà nào cũng quyến luyến...
Nhưng với cụ Tích, mọi chuyện bây giờ đã khác xa. Nhất là sắc bùa
- nghệ thuật diễn xướng diễn ra vào thời điểm giao thừa kéo sang ngày mới và
diễn ra trong nhiều ngày đầu xuân - cũng vậy. Ngày trước, tảng sáng, sau khi
làm lễ tự đường nhà gia chủ, đội sắc bùa Lệ Bắc bắt đầu biểu diễn. Các màn
trình diễn thường mở tại sân chính của làng hoặc một khoảng sân rộng ở một ngôi
nhà nào đo. Chương trình khởi đầu với bài chúc rượu đầu năm sau đó sẽ là lô tô
các điệu hát múa đậm chất phóng khoáng và mạnh mẽ của người Quảng Nam như các
điệu hò, điệu lý, hát đối đáp giao duyên giữa trai gái trong làng hay giữa gia
chủ với đội sắc bùa. Tiếp đến là các tiết mục múa trống, múa côn, múa kiếm xen
kẽ với các điệu hò kéo lưới, hò chèo thuyền. Đội có đến 21 thành viên,
gồm 1 ông cái dẫn xướng, 16 con phụ họa và 4 nhạc công, sử dụng rất nhiều nhạc
cụ gồm trống cơm, sáo, kèn, nhị, phách... Còn ngày nay, đội hát múa sắc bùa Lệ
Bắc chỉ có 6 thành viên nam, sử dụng ít nhạc cụ hơn (1 trống tùng dinh, 6 bộ
sinh tiền, 1 bộ phách).
Theo lời kể của cụ Trương Tích, hát múa sắc bùa ở Lệ Bắc, Duy
Châu, Duy Xuyên có từ rất sớm, khi cha ông mới dựng đất, lập làng. Theo thời
gian, sắc bùa Lệ Bắc cũng trải qua nhiều thăng trầm. Từ cuối thế kỷ XIX
đến đầu thế kỷ XX, cùng với nhiều đội sắc bùa của Duy Xuyên, sắc bùa Lệ Bắc rất
ham biểu diễn và được người dân đón nhận với nhiều tình cảm trân quý. Sau đó,
đội vẫn hoạt động nhưng mang tính cầm chừng rồi tự giải tán. Mãi đến năm 1979,
cùng với chủ trương khôi phục vốn quý về văn hóa dân gian, đội sắc bùa Lệ Bắc
tái lập. Lúc này, mặc dù đã đứng tuổi nhưng hai nghệ nhân của làng là ông
Trương Tích và ông Nguyễn Xuân Phú vẫn đôn đáo sưu tầm.
Ông Nguyễn Xuân Phú năm nay đã bước sang tuổi 74. Từng tham gia
kháng chiến, sau giải phóng ông về địa phương tham gia nhiều phong trào. Từ năm
1979, khi đội sắc bùa Lệ Bắc được thành lập trở lại, ông đã miệt mài sưu tầm
các làn điệu và các “bài tủ”. Mặc dù gặp nhiều khó khăn vì sắc bùa bị quên lãng
suốt một thời gian dài, nhưng ông Phú không nản. Ông tâm niệm: “Nói đến hát sắc
bùa là nói đến những lời ca chúc tết đằm thắm, những bài ca về đạo lý làm
người, về gia phong của gia đình, về nền nếp của thôn xóm. Sắc bùa sẽ giúp
người dân mình duy trì được nếp sống từ bao đời nay”. Chính vì sự kiên tâm đó,
ông Phú đã làm sống lại nhiều điệu hát sắc bùa cho Lệ Bắc. Ông còn bảo, hát sắc
bùa cũng nhiều “trường đoạn”, trình tự mỗi bài hát múa cũng được chuẩn bị hết
sức kỳ công.
Khi đội sắc bùa đến ngõ, ông cái xướng lên: “Xuân mới muôn ngàn hoa nở / Rộ lòng dân, xuân mới lại về / Gọi
lòng người đang giấc say mê / Mau thức dậy đón chào ngày xuân mới”.
Các con phụ họa theo: “Mở ngõ, mở ngõ / Đèn tỏ trong nhà / Sum họp
vui vầy / Khai môn mở cửa”. Sau bài mở ngõ và bài vào xuân, chủ nhà
mời đội sắc bùa vào làm lễ nơi bàn thờ tổ tiên, ông cái khấn vái và xin phép tổ
tiên gia chủ, hai tay nâng lấy lá bùa dán lên cột nhà. Lá bùa có nội dung kính
chúc chủ gia bách niên giai lão, kính chúc chủ gia thần nông hộ vận hay thần
ngư phù trợ thì đây đã là nền nếp quen thuộc của làng quê. Trong hát sắc bùa,
phần hát chúc gia chủ phát đạt với nghề đang theo là nội dung không thể thiếu.
Đến nhà gia đình làm nông, ông cái xướng bài chúc nhà nông. Đến nhà làm nghề
trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, ông cái xướng bài chúc nghề dệt lụa. Hai phần trong
nội dung của bài chúc, gồm sự khái lược về lịch sử của làng nghề, và những lời
chúc tụng khi mùa xuân về không chỉ là sự khơi dậy chiều sâu lịch sử của làng
quê mà còn là niềm tin để người dân phấn đấu góp phần làm đẹp thêm quê
hương.
Ông Phú cho biết: “Thế hệ chúng tôi đã già, gầy dựng lại đội sắc
bùa Lệ Bắc như thế này đã là gắng sức lắm rồi. Đã đến lượt thế hệ trẻ hơn tiếp
nối rồi truyền lại cho mai sau. Sắp đến tháng chạp rồi, con cháu đi làm ăn xa
cũng sắp về. Bây giờ im ắng thế thôi chứ vài hôm nữa lại rộn ràng tập luyện cho
kỳ đến hẹn. Vùng quê đây có sắc bùa cũng khiến cho người dân mình tự hào lắm!”.